Xây dựng NTM ở xã miền núi, vùng bãi ngang ven biển: Phải giảm được khâu trung gian

Minh Huệ (thực hiện) Thứ hai, ngày 14/07/2014 09:38 AM (GMT+7)
Cần có “kịch bản” xây dựng NTM riêng cho những vùng đặc thù như xã miền núi, vùng bãi ngang ven biển để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Đó là vấn đề mà ông Trần Nhật Lam - Phó Chánh văn phòng điều phối T.Ư Chương trình xây dựng NTM đã chia sẻ với PV NTNN. 
Bình luận 0

Thưa ông, có ý kiến cho rằng lâu nay chúng ta “bỏ quên” các xã vùng bãi ngang và chưa có đầu tư thích đáng cho các xã này cũng như xã miền núi. Ông đánh giá thế nào về ý kiến này?

- Nói rằng “bỏ quên”, chưa có đầu tư là không đúng, vì thực tế là những năm vừa qua, Đảng và Nhà nước đã dành nhiều chương trình ưu tiên cho các xã bãi ngang, xã nghèo miền núi thông qua Chương trình 134, 135, chương trình trợ giá, trợ cước... Nhưng đúng là tỷ trọng nguồn vốn ngân sách dành cho các xã này chưa nhiều.

Đặc biệt là với các xã bãi ngang, tuy cũng là xã nghèo, nhưng so với miền núi, vùng dân tộc thì những chính sách cho các xã bãi ngang lâu nay không đáng kể, không có tác động lớn tới việc thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Vì vậy, tới đây Ban chỉ đạo T.Ư sẽ đề xuất những chính sách phù hợp hơn cho các vùng này.

Theo ông, trước mắt nên ưu tiên những vấn đề nào cho xã nghèo vùng bãi ngang?

- Theo tôi, chúng ta cần tập trung 3 vấn đề trước mắt, thứ nhất là cán bộ. Phải có những cán bộ hiểu việc, năng động, sáng tạo và hiểu dân, nắm được những vấn đề “ngóc ngách” ở địa phương mình để triển khai xây dựng NTM phù hợp và hiệu quả.

Thứ hai là tập trung những chính sách mang tính hỗ trợ trực tiếp cho người dân theo kiểu “mồi”, chứ không nên hỗ trợ 100%, nhằm kích thích họ phát triển sản xuất, tạo ra được nhiều sinh kế.

Thứ ba là phải có hỗ trợ đặc thù cho các xã vùng bãi ngang về cơ sở hạ tầng, nhà ở dân cư, bởi những xã này thường xuyên bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, điều kiện sinh sống của người dân không đảm bảo, nay đây mai đó.

Bên cạnh đó là đẩy mạnh đào tạo các nghề liên quan đến thủy hải sản, hậu cần nghề cá, nhằm giúp người dân có việc làm ổn định và bền vững.

Theo báo cáo, đến nay cả nước vẫn còn 7 xã “trắng” tiêu chí và hầu hết tập trung ở miền núi phía Bắc, theo ông nguyên nhân vì sao?

- Có điều này là do trình độ năng lực cán bộ của nhiều địa phương không đáp ứng được yêu cầu của xây dựng NTM, có nơi chủ tịch UBND xã không nói được tiếng Kinh, có nơi giáo viên cắm bản kiêm cả lãnh đạo xã, cũng có xã chưa có đảng viên nào…

Thứ hai, do đặc thù vùng miền núi phía Bắc quá rộng, trong khi vốn hỗ trợ thì hạn chế, việc huy động vốn trong dân cũng không đáng kể. Bên cạnh đó, hầu hết các xã vùng này chưa hình thành được phong trào xây dựng NTM mạnh mẽ. Khi đi khảo sát ở Sơn La, Điện Biên, Cao Bằng, Bắc Kạn…, chúng tôi chưa thấy có sự tham gia nhiệt tình của người dân, lãnh đạo xã thì không chịu tìm tòi, có tư tưởng ỷ lại.

Mặt khác, trên thực tế, các xã vùng miền núi đã được Nhà nước đầu tư nhiều chương trình ưu đãi nhưng nguồn vốn còn dàn trải, mỗi chương trình lại có mục tiêu riêng nên việc lồng ghép còn ít và chưa thực sự hiệu quả.


img
Ông Trần Nhật Lam 
 
 
Tôi cho rằng, việc xây dựng “kịch bản” riêng như vậy là cần thiết, vì vùng miền núi, cũng như các xã bãi ngang rất khó khăn thiếu thốn, do đó xây dựng NTM ở đây cũng phải khác so với các vùng khác. Trong đó, mức độ đạt tiêu chí ở các xã này cũng sẽ thấp hơn các vùng khác”. 
 
Hiện nay, Bộ NNPTNT đang xây dựng đề án phát triển NTM riêng cho vùng này (song song với các đề án cho ĐBSCL và Tây Nguyên) để trình Chính phủ phê duyệt.

 

Thưa ông, các tỉnh có nên chọn một vài vùng dân tộc ở địa phương mình để xây dựng mô hình điểm hay không?

- Đối với vùng miền núi phía Bắc, tôi cho đây cũng là một gợi ý tốt, tuy nhiên cũng phải xem xét thực hiện ở mức độ như thế nào, vì hiện nay đầu tư cho 1 xã miền núi đạt được 19 tiêu chí cần nguồn vốn rất lớn, e rằng nếu làm chúng ta sẽ phải huy động quá sức dân.

Theo tôi, chúng ta nên phát động xây dựng NTM ở vài thôn, bản trước, bằng cách vận động bà con cùng hoàn thiện các tiêu chí đơn giản, ít tốn tiền, sau đó nhân rộng dần. Khi nhiều bản cùng làm, chúng ta mới nên đầu tư kết nối hạ tầng giữa các thôn bản lại để đạt hiệu quả ở mức cao nhất. Ngoài ra, khi thực hiện ở quy mô thôn bản bà con cũng dễ làm hơn.

Chúng ta nói nhiều về việc cần “cơ chế đặc thù” cho các xã miền núi, xã nghèo, bãi ngang, vậy theo ông đâu là điểm nổi bật của cơ chế này?

- Tôi cho rằng, cơ chế đặc thù là chúng ta phải giảm được các khâu trung gian, ví dụ trước đây khi làm một con đường, các xã phải đấu thầu, lập thiết kế, khảo sát đo đạc, thì nay đối với các công trình đơn giản, chúng ta có thể sử dụng thiết kế mẫu mà không cần các bước thiết kế, khảo sát phức tạp nữa.

Bên cạnh đó là cơ chế linh hoạt trong thanh quyết toán, ví dụ có thể ứng trước kinh phí hoặc nguyên vật liệu để các địa phương khởi công công trình… Những “ưu tiên” này cũng phải đảm bảo theo cơ chế xây dựng NTM, theo Bộ tiêu chí đã ban hành chứ không phải muốn làm gì cũng được.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem