Đấu giá tài sản: Cần chế tài xử lý người thao túng giá, phô trương thanh thế

An Linh Thứ năm, ngày 09/11/2023 08:00 AM (GMT+7)
Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị việc xem xét năng lực và mục đích của người đấu giá cần được làm chặt chẽ; quy định tiền đặt cọc trước đấu giá như thế nào để ràng buộc được trách nhiệm những người tham gia đấu giá.
Bình luận 0

Thảo luận ở tổ về dự thảo Luật Đấu giá tài sản đang được lấy ý kiến của đại biểu Quốc hội, đại biểu Dương Ngọc Hải (đoàn ĐBQH TP.HCM) cho biết, thực tế nhiều người tham gia đấu giá nhưng mục đích của họ chưa hẳn là mua được tài sản đấu giá.

Cần chế tài xử lý người thao túng giá, phô trương thanh thế

"Ngoài việc trả giá cao, họ còn có những mục đích khác như: thao túng mặt bằng giá mới, phô trương danh thế… Cho nên, việc xem xét năng lực và mục đích của người đấu giá cần được làm chặt chẽ", ông Hải cho hay.

Người tham gia đấu giá thao túng, bỏ cọc: Đại biểu Quốc hội yêu cầu phải có chế tài xử lý - Ảnh 1.

đại biểu Dương Ngọc Hải (đoàn ĐBQH TP.HCM)

Cũng theo đại biểu Dương Ngọc Hải, cần quy định tiền đặt cọc trước đấu giá như thế nào để ràng buộc được trách nhiệm những người tham gia đấu giá. Để cho họ thấy rằng, nếu như họ vi phạm luật thì có thể mất tiền cọc và bị phạt hành chính.

Cũng về nội dung này, Đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên) nói: Để tăng cường trách nhiệm của người có tài sản đấu giá trong quá trình tổ chức đấu giá, dự thảo Luật sửa đổi, cần bổ sung một số quy định về quyền và nghĩa vụ của người có tài sản đấu giá, trách nhiệm trong việc quản lý, vận hành, hướng dẫn sử dụng Cổng Đấu giá tài sản quốc gia…

"Đây là những quy định rất mới, theo hướng công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan, cá nhân liên quan", đại biểu Tạ Thị Yên nói.

Người tham gia đấu giá thao túng, bỏ cọc: Đại biểu Quốc hội yêu cầu phải có chế tài xử lý - Ảnh 2.

Đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên)

"Thời gian qua, trong đấu giá tài sản đã xuất hiện, hiện tượng thao túng giá khởi điểm, bỏ giá rất cao rồi bỏ cọc nhằm gây hiệu ứng tạo mặt bằng giá ảo nhằm thu lợi, tạo nên cơn sốt đất ảo … nên dự án Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về hủy kết quả đấu giá theo hướng: quy định rõ chủ thể, căn cứ hủy kết quả đấu giá đảm bảo khả thi, phù hợp với quy định của pháp luật về dân sự, hậu quả pháp lý khi hủy kết quả đấu giá nhằm bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và xác định rõ trách nhiệm của người có hành vi vi phạm dẫn đến việc hủy kết quả đấu giá", bà Yên nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo Đại biểu Yên, trong thực tế, khi hành vi của các chủ thể trong diễn biến của các phiên đấu giá đã cho thấy sự không bình thường, hoặc quá vô lý thì chưa thấy có quy định phải làm gì, hay hoãn, hoặc dừng phiên đấu giá để phân tích, đánh giá tình hình?

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) cho rằng trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, mức giá khởi điểm khá thấp.

"Chẳng hạn về đấu giá số điện thoại, mức giá khởi điểm chỉ khoảng 262.000 là quá thấp và là số lẻ" - ông Cảnh nêu ý kiến.

Đấu giá biển số hàng tỷ đồng, nhưng trả hơn 5 triệu đồng là đã thắng

Nêu thực tế, có một số tài sản, giá khởi điểm thấp, giá trúng lại cao gấp vài nghìn lần, do đó đại biểu đề nghị điều chỉnh lại mức giá linh hoạt hơn. Ông cũng đề nghị bổ sung thêm mức giá theo phần trăm (%) ngoài mức giá tối đa, tối thiểu, cố định trong dự luật.

Người tham gia đấu giá thao túng, bỏ cọc: Đại biểu Quốc hội yêu cầu phải có chế tài xử lý - Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định)

"Chẳng hạn khi đấu giá số điện thoại, giá khởi điểm là 262.000 nhưng khi đấu giá lên đến 1 triệu, mức giá tiếp theo nên là 5% của 1 triệu; khi đến 100 triệu, mức tiếp theo là 5% của 100 triệu. Như vậy, mức đấu giá sẽ phù hợp", Đại biểu Cảnh nêu.

Theo ông này, "nhiều biển số được đấu giá lên đến hàng tỷ nhưng người sau có khi chỉ cần thêm 5 triệu là đã thắng. Như vậy rất vô lý. Khi đã ở mức 1 tỷ, giá sau cần trả cao hơn khoảng 50 triệu như vậy mới hợp lý", ông Cảnh nêu quan điểm. Đồng thời, vị đại biểu này cho rằng, "người ta đã sẵn sàng bỏ ra hàng tỷ thì họ không chi li lắt nhắt vài triệu".

Đại biểu Lê Tất Hiếu (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc): Tôi quan tâm Khoản 6, Điều 33 về hủy hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản và Điều 72 về hủy kết quả đấu giá. Trên thực tế, hiện nay thì đã có những vụ việc quá trình đấu giá tài sản không có vi phạm gì cả, tuy nhiên nếu trong quyết định hành chính để tịch thu hay bản án tịch thu, đặc biệt là trong thực hiện cưỡng chế kê biên tài sản đó có vi phạm mà vẫn đưa tài sản đó ra đấu giá sẽ phát sinh nhiều vấn đề.

Ông Hiếu cho biết, về nguyên tắc và theo quy định hiện hành thì không có cơ sở để hủy kết quả đấu giá, nên phải thực hiện bàn giao tài sản cho người trúng đấu giá, ngay thẳng thì phải bàn giao.

Trên thực tế để đảm bảo cho an ninh trật tự thì không bao giờ có chuyện bàn giao tài sản này. Ví dụ như là cơ quan thi hành án kê biên một ngôi nhà của người dân nhưng mà trong quá trình kê biên vi phạm thì bây giờ mà nếu bàn giao ngôi nhà này Nhà nước sẽ phải bồi thường, rất khó khăn, mà địa phương lại không bao giờ dám cho triển khai nội dung này.

Do vậy, Đại biểu Hiếu cho biết cần bổ sung vào Khoản 6, Điều 33 quy định hủy hợp đồng dịch vụ tài sản đối với những trường hợp có quyết định hành chính, bản án hoặc quá trình cưỡng chế, kê biên tài sản có vi phạm pháp luật. Đồng thời, bổ sung vào Điều 72 về hủy cái kết quả đấu giá nà, vì như thế thì sẽ có cơ sở xem xét trách nhiệm của các cơ quan có vi phạm pháp luật trong các khâu trước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem