Dấu hiệu bất thường trong đấu thầu tại huyện Đan Phượng
Dấu hiệu bất thường trong đấu thầu tại huyện Đan Phượng
P.V Bạn đọc
Thứ hai, ngày 01/04/2024 08:07 AM (GMT+7)
Theo tìm hiểu của Dân Việt, mục đích của đấu thầu là nhằm tiết kiệm ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, một số gói thầu do UBND huyện Đan Phượng triển khai xuất hiện tình trạng giá sản phẩm trúng thầu cao hơn so với thị trường và hồ sơ mời thầu có các dấu hiệu trái quy định…
Ngày 6/12/2023, UBND huyện Đan Phượng ban hành Quyết định số 8073/QĐ-UBND ngày 6/12/2023 phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu Mua sắm trang thiết bị dạy học cho các trường công nhận lại, nâng chuẩn quốc gia năm 2023. Đơn vị trúng thầu là Liên danh Vĩnh Phát – Đại An – Bình Dương – Tràng An.
Quyết định số 8073/QĐ-UBND giao Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đan Phượng đăng tải thông tin, ký kết hợp đồng và công bố kết quả gói thầu đến các bên liên quan.
Theo tìm hiểu của Dân Việt, nhiều sản phẩm tại gói thầu vừa nêu xuất hiện hiện tượng giá sản phẩm trúng thầu cao hơn so với giá thị trường.
Điển hình là sản phẩm màn hình tương tác BenQ RM7503A có giá trúng thầu là hơn 100 triệu đồng/chiếc. Tuy nhiên, trên một số trang thương mại điện tử đang bán với giá 80 triệu đồng/chiếc.
Để tìm hiểu thêm về giá sản phẩm này, PV Dân Việt liên hệ đến một số đại lý chuyên cung cấp màn hình BenQ. Một đại lý tại Phương Liệt, Thanh Xuân, Hà Nội cho biết: Giá của màn hình BenQ RM7503A khi mới sản xuất chỉ khoảng 76 triệu đồng/chiếc. Nếu ở Hà Nội thì được miễn phí vận chuyển. Nếu thuê xe riêng chở đến các tỉnh lân cận thì chi phí thêm khoảng 3 triệu đồng hoặc gửi hàng thì chỉ mất khoảng 300.000 đồng.
Cũng theo đại lý tại quận Thanh Xuân, hiện hãng BenQ đã dừng sản xuất màn hình BenQ RM7503A và chuyển sang loại BenQ RM7504A tiên tiến hơn. Tuy vậy, màn hình RM7504 cũng có tầm giá tương đương với cấu hình cũ…
Có 10 sản phẩm BenQ RM7503A được mua tại gói thầu này, tương đương số tiền hơn 1 tỷ đồng. Chỉ tính riêng mã sản phẩm này, chênh lệch so với thị trường khoảng hơn 200 triệu đồng.
Quyết định số 8073/QĐ-UBND kèm danh sách hàng hóa cho thấy, có 441 sản phẩm các loại nằm trong danh mục mua sắm với tổng giá trị trúng thầu là 11.772.000.000 đồng.
Sản phẩm khác là bảng từ chống lóa trượt ngang Mositech SS03 của nhà sản xuất Tân Hà có giá trúng thầu là 7.566.000 đồng/chiếc. Tuy nhiên, giá niêm yết tại trang web của Tân Hà Group chỉ 6.500.000 đồng/chiếc – tức chênh lệch cho mã sản phẩm này là hơn 1 triệu đồng/chiếc.
Bảng trượt ngang cũng là một trong số các sản phẩm được mua nhiều tại gói thầu vừa nêu.
Sản phẩm khác là Đàn Organ PSR-SX600 của hãng Yamaha có giá trúng thầu là 20.370.000 đồng/chiếc. Tuy nhiên, giá bán trên thị trường từ khoảng 18,5 triệu đồng/chiếc trở lên.
Hay như sản phẩm Tivi Samsung UA65BU8000KXXV cũng có giá tương đối cao so với thị trường. Theo đó, giá trúng thầu là 16.830.000 đồng/ chiếc (bao gồm giá treo). Tuy nhiên, một số siêu thị điện máy niêm yết giá chỉ khoảng 15.990.000 đồng/ chiếc – tức chênh lệch khoảng gần 1 triệu đồng/chiếc… Thậm chí, có siêu thị bán giá chỉ hơn 11 triệu đồng/chiếc.
Ngoài ra, nhiều sản phẩm khác tại gói thầu này cũng chung tình trạng giá trúng thầu cao hơn so với giá bán trên thị trường hiện nay…
Nhà thầu tố hồ sơ mời thầu trái quy định
Không chỉ xuất hiện tình trạng giá trúng thầu cao hơn thị trường, ở gói thầu khác, UBND huyện Đan Phượng cũng bị nhà thầu phản ứng vì nêu điều kiện tại hồ sơ mời thầu trái quy định. Đó là Gói thầu mua sắm thiết bị lớp 3 để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Cụ thể: Theo Quyết định số 3552/QĐ-UBND ngày 19/5/2023 của UBND huyện Đan Phượng phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu mua sắm thiết bị lớp 3 thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đơn vị trúng thầu là Liên danh Nguyễn Cao – Ánh Minh với giá trị trúng thầu là 10.126.733.000 đồng.
Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia ghi nhận văn bản yêu cầu làm rõ của một nhà thầu cho rằng, hồ sơ mời thầu hạn chế cạnh tranh và tạo thuận lợi cho nhà thầu quen.
Thứ nhất, bên mời thầu yêu cầu catalogue hình ảnh và chi tiết thông số kỹ thuật, hợp đồng nguyên tắc với các đơn vị cung cấp cho gói thầu. Nhà thầu cho rằng: “Bên mời thầu lập hồ sơ mời thầu mang tính chủ quan, định hướng cho một nhà thầu cụ thể bởi lẽ E-HSMT có danh mục 100-500 mục sản phẩm với tầm 50-100 nhà cung cấp thì các nhà thầu phải nộp hoặc có 50-100 hợp đồng nguyên tắc? Tiêu chí đánh giá E-HSDT hết sức vô lý”.
Thứ hai, bên mời thầu nêu rất chi tiết, trong đó có cả yêu cầu về trọng lượng và kích thước của hàng hóa. Chẳng hạn: 1). Tủ lưu trữ và sạc máy tính bảng: Kích thước (WxDxH): 960mm x 575mm x1070mm. 2). Loa: Kích thước: 255(W) x 178(H) x 155(D) mm; - Trọng lượng: 3.1 Kg. 3). Thiết bị âm thanh đa năng di động Thể dục Aerobic: Kích thước (WxDxH): 300 x 280 x 500mm; Trọng lượng: 7.7Kg… “.
Nhà thầu cho rằng: “Tuy cùng một loại hàng hóa, 1 tên gọi chung, cùng chủng loại, cùng công năng sử dụng nhưng mỗi nhà sản xuất, mỗi hãng sản xuất trên thế giới sẽ cho ra đời với model (ký mã hiệu) của sản phẩm đó khác nhau nên sẽ có kích thước, trọng lượng khác nhau. Miễn sao sản phẩm đó đáp ứng tương đương hoặc đáp ứng vượt trội về công suất hoạt động và có thời gian sử dụng bền bỉ với người sử dụng.
Việc UBND huyện Đan Phượng nêu điều kiện chi tiết như trên đồng nghĩa với việc hạn chế nhà thầu tham dự thầu, không khách quan, minh bạch trong công tác đấu thầu. Bên mời thầu lập hồ sơ mời thầu mang tính chủ quan, định hướng cho một sản phẩm cụ thể và một nhà thầu cụ thể, nhất định”.
Ý kiến của nhà đầu sau đó được bên mời thầu chuyển cho đơn vị tư vấn là Công ty Cổ phần Kiến trúc Gold City. Ngày 17/3/2023, đơn vị tư vấn trả lời Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đan Phượng, qua đó bác bỏ phản ánh của nhà thầu. Đến này 19/5/2023, UBND huyện Đan Phượng ra Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn cho gói thầu mua sắm vừa nêu.
Ngoài những vấn đề bị nhà thầu phản ứng, Gói thầu theo Quyết định số 3552/QĐ-UBND của UBND huyện Đan Phượng còn yêu cầu nhà thầu phải có Giấy phép hoặc Giấy ủy quyền bán hàng của nhà sản xuất, đại lý phân phối hoặc Giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương…
Tuy nhiên, tại Khoản 2, Điều 27, Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định: “Trường hợp hàng hóa của gói thầu là hàng hóa thông thường, thông dụng, sẵn có trên thị trường, đã được tiêu chuẩn hóa và được bảo hành theo quy định của nhà sản xuất, trong E-HSMT không được yêu cầu nhà thầu phải nộp giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương”.
Trong khi đó, hàng hóa tại gói thầu vừa nêu chủ yếu là sách giáo khoa, video và các sản phẩm thiết bị kỹ thuật có bán phổ biến, rộng rãi trên thị trường.
Sau khi Báo Điện tử Dân Việt phản ánh, UBND huyện đã có văn bản số 619/UBND-GDĐT cung cấp thông tin trả lời Báo Dân Việt.
Trong những năm qua, UBND huyện Đan Phượng luôn quan tâm tới sự phát triển của ngành giáo dục. Trong đó có đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ các trường học trên địa bàn để duy trì, nâng chuẩn quốc gia và thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018. "Trong quá trình thực hiện, chúng tôi luôn thuân thủ quy định của Luật Đấu thầu, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP và các văn bản pháp luật khác có liên quan", văn bản nêu.
Trên tinh thần cầu thị, UBND huyện Đan Phương cho biết đã tiếp thu ý kiến, kiểm tra ngay thông tin báo nêu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.