Thói quen ăn đụng thịt lợn giữa các hộ gia đình nông thôn chủ yếu diễn ra ở miền Bắc những năm xa xưa và thời bao cấp khi từ hạt thóc đến con lợn nuôi trong chuồng nhà mình đều là của hợp tác xã. Gia đình nào đã hoàn thành sản lượng, ngày Tết còn dư con lợn đủ cân thì được phép gọi hàng xóm ăn chung (đụng). Đất nước đổi mới, thực phẩm bán dư dả ngoài chợ, tục lệ này giảm dần. Muốn ăn gì chỉ việc ra chợ, cái gì cũng có, kể cả ngày 30 Tết.
Những năm gần đây, đời sống nông thôn có nhiều biến động theo chiều vòng tròn. Nhiều đình chùa bị đập phá, nay được dựng mới tưng bừng. Đình đám, cưới xin, ma chay mạnh ai nấy làm, nhà nọ đua nhà kia. Những xã thôn thực sự phát triển đúng hướng chưa nhiều. Nhiều nơi, chính quyền không đủ năng lực, tinh thần trách nhiệm quản lý các hoạt động ở nông thôn nên không chỉ các sinh hoạt văn hóa, tinh thần nông thôn mất phương hướng mà chính hoạt động sản xuất nuôi sống người dân cũng rơi vào vòng xoáy luẩn quẩn.
Nông dân nuôi lợn, nuôi gà mà không dám ăn thịt mua ngoài chợ vì nguồn cám nuôi tăng trọng không kiểm soát được. Nông dân trồng rau nhưng vẫn phải để riêng một khoảnh cho gia đình ăn, khoảnh ấy không phun thuốc hoặc có phun cũng theo quy định. Mất tiền mua phải hàng rởm, hàng kém chất lượng không do mình tự làm được như xà phòng giặt, dầu ăn, mì chính… đến lúc chính nông dân cũng chỉ dám ăn miếng thịt lợn, cây rau khi biết rõ nhà ông A nuôi, nhà bà B trồng.
Cộng thêm thịt lợn, rau quả đem ra chợ bán rẻ quá, nông dân tính cách “tự nuôi, tự thịt” trong một nhóm hộ ở làng. Nuôi lợn theo kiểu xưa ăn rau ăn ngô, cả năm mới được gần tạ hơi. Mảnh đất hẹp nay chỉ trồng rau cho nhà mình ăn và cung cấp cho con sống nơi thành phố thỉnh thoảng về lấy đem đi. Tính theo quy luật phát triển, cách ăn đụng thịt lợn, trồng rau như trên là bước về “mo” của đời sống nông thôn. Sản xuất quay ngược về chế độ tự sản tự tiêu.
Giống các câu chuyện bị lừa vì hám tiền cho vay lấy lãi, đổ xô chơi cây cảnh hay vặt trái dừa xanh bán non… nói lỗi của chính nông dân cũng đúng. Nhưng đặt nông dân trong xã hội mà lúc nào chúng ta cũng tự hào rằng hệ thống chính quyền mạnh, rồi các nhà trường, viện nghiên cứu, bộ nọ, ngành kia… có cảm thấy mình có tội khi để nông dân tự xoay xở và luẩn quẩn mãi mà không tìm được lối ra trong câu chuyện miếng cơm manh áo? Nông dân rồi thì cả người thành phố lo ngại khi ăn thực phẩm, rau quả do nông dân nước mình làm ra - đó là cú đánh nặng nhất vào mục tiêu người Việt dùng hàng Việt.
Đức Nguyện
Vui lòng nhập nội dung bình luận.