Bạn gái quê ở Nghệ Tĩnh, ra Hà Nội làm việc, gọi điện bảo tôi hãy tới nơi cô ở “để lấy quà về, thưởng thức cái món quả của quê em!”. “Rồi anh không thể nào quên đâu!” - cô nhắn thêm...
Trời se lạnh. Mưa lây phây phủ trên phố phường, như màn sương trắng miên man bay trên mặt hồ Gươm im sóng. Nghe em tả mà tò mò quá, tôi phóng tới trung tâm phố cổ Hà Nội, kệ mưa và gió.
Thấy tôi đến. Cô gái xăng xái chạy ra đón, dẫn ngay tôi tới cái bàn mà ở đó có một thùng giấy bên trong đựng đầy những âu nhựa nhỏ, trong mỗi âu chứa một loại quả màu tím xám, ngâm trong thứ nước màu cà phê. Cô gái trẻ, không nói không rằng, tủm tỉm cười mở hộp nhựa, nhón một quả và nhẹ bửa, lộ ra thứ thịt quả màu hồng hồng. Dường như để giới thiệu cho người bạn biết nó hấp dẫn như thế nào, cô đưa ngay lên môi cắn ngon lành và tha thiết nói: “Thử nếm đi, đây là quả tro của quê em!”.
Quả tro ư? Tên gì lạ thế! Tôi đã đi Đông và Tây, thế mà chưa từng biết thứ quả này. Tôi cũng nhón lên một quả và đưa lên miệng, rụt rè cắn.
Thứ quả chạm đầu lưỡi, ở chót môi cho tôi cảm được thứ hương vị lạ, nó làm tôi chợt nhớ tới ô liu của châu Âu; cái vị béo và bùi khi chầm chậm thưởng thức làm tôi nhớ tới mấy quả trám ngâm mắm ngày áp tết năm nào ở nhà nhà văn Đỗ Chu. Quả lạ này không có vị chát của trám trắng om cá, nó bùi bùi thơm thoáng như ô liu lại ngậy tựa như trám đen ngâm mắm. Thịt tro ngâm mềm, hồng sậm, gợi thịt quả hồng xiêm vừa chín tới, bùi, béo, ngậy và còn ngòn ngọt trong họng...
Quả tro nom giống quả trám, song không phải là trám; hạt trám xám ánh nâu, sọc gân nhỏ sần lên, thuôn nhọn hai đầu; hạt tro màu trắng ngả vàng, thon thon tròn bầu dục, như quả trứng chim cút nho nhỏ, lại nhẵn thin thín.
Cô gái gốc Nghệ Tĩnh nhìn gã đàn ông bôn ba tứ xứ mà chưa một lần ăn tro, đôi mắt đăm đăm chờ một lời cảm thán. Tôi khen thật thà: “Chà ngon, ngon lắm và lạ lạ thế!”... Chỉ có vậy mà mắt cô bạn tôi sáng rực lên. Quen nhau lâu mà cô ít khi nào vui tới thế. Mắt cô mở to rõ đẹp, nâng cái hộp đựng tro lên, hớn hở như đứa trẻ và kể về thứ quả quê cô...
*
* *
Tro chính là họ cọ. Bắc gọi cọ, miền Nghệ Tĩnh gọi tro. Tro hay cọ cho lá lợp nhà, thường phân bổ nhiều trên trung du, phía Bắc và Trung Bộ. Hoa tro tới mùa trỗ thành buồng tựa như hoa cau, màu trắng hơi đổ ngà vàng. Dân gian chia làm hai thứ, có tro nếp và tro tẻ. Loại cọ dầu, không ăn được, có muối, ninh hay làm gì cũng cứng, chát sin sít. Tro nếp mọc nhiều ở Nghệ Tĩnh. Quả tro chín, chim chóc tới ăn thịt rồi tha đi, để hạt vương vãi mọc nên cây tro mới, hay khi chín rũ rụng xuống đất núi, có nơi mọc rậm như rừng.
Mỗi năm hoa trổ một lần, cũng chín vào cuối năm, khi những đợt gió lạnh từ phương Bắc tràn về, mưa lâm thâm là lúc thu hoạch tro. Đi chọc tro chín rất vất vả, mưa cũng cực mà nắng oi mồ hôi ra chan chứa. Người đi lấy tro, tìm hai sào tre buộc làm thang, leo lên cao tít dùng liềm cắt cả buồng tro rồi loại lấy quả chín, đóng vào túi mang về chà cho hết lớp vỏ mỏng bên ngoài. Quả tro làm món muối ngâm nước dưa chua nói trên hay ám cá hoặc muối để dành ăn dần tới tận ngoài tết âm lịch.
Qua lời kể của người bạn, tôi hình dung những rừng cọ miên man cao vun vút, lô xô trên các triền đồi trung du phía Bắc mà tôi từng hành quân qua ở thời trai trẻ. Lại những cây cọ nhỏ trong chậu nhiều gia đình trồng làm cảnh cho màu lá xanh non tơ nõn nường phá cái thế xi măng hóa đô thị. Tôi hình dung những chùm quả cứng xanh chi chít, lúc lỉu ở một vùng nắng chan chứa và gió lào thổi quàn quạt cứ mỗi ngày vươn ra thành buồng, qua nắng gió lớn dần tới lúc chín.
Tôi hình dung ra cô gái nào đó, da rám nắng, cái miệng cũng chúm chím và luôn tươi nở nụ cười mọng đỏ - như cô bạn của tôi đang ngồi ở Hà Nội đây - bẻ tro cho tôi ăn. Cô gái nhỏ kia len lỏi giữa rừng cọ miền Trung bất chấp mưa và gió, nắng lóa trời đi chọc cọ gửi cho người quê nay ra xứ Bắc kiếm sống! Hóa ra cô em của bạn gái tôi đã về tận quê hương vào mùa thu hái tro, chiều chuộng bà chị, gom tro lại và gửi xe vài lần ô tô ra ga xép rồi về Vinh, để tàu hoả chuyển nắm quả tro tới anh xe ôm mà về nơi tòa soạn này cho người con gái xa quê được ăn món ăn đã gắn bó bao nhiêu với chị cô cả một thời nhỏ bé.
“Đây là tro om muối anh ạ. Quê em lấy nước cà pháo để muối loại quả này làm cho thơm mềm như thế này. Trước khi muối phải ngâm qua trong nước nóng già, chứ không được đun sôi luộc, thì thịt tro sẽ rất mềm và thơm như anh thấy. Ở quê còn có món tro ám cá, ăn cũng rất thú vị”. Mắt cô gái long lanh, khi người bạn phong trần thật lòng khen thứ quả quê cô. Tôi ví nó như quả ô liu ở châu Âu, tôi kể cho cô nghe chuyện nhà văn Đỗ Chu đã gìn giữ vườn trám trắng và đen quê hương bao năm nay, để mỗi dịp tết đến, có thứ quả đãi bè bạn nhâm nhi với rượu nếp nút lá chuối khô.
Những đứa em, đám tha hương ở tận đẩu tận đâu trở về nhà Đỗ Chu nghe đọc những đoạn văn tha thiết đậm văn hóa Kinh Bắc, vừa thưởng thức món ăn gắn bó với họ cả một thời, chả khi nào quên được. Hôm nay, không chỉ là quả lạ, anh còn biết thêm thứ tình quả, tình con người ta với thứ quả quê. Thứ sản vật mà ở đó có những điều chôn giấu trong thăm thẳm máu thịt, lặn lội qua cái xa xôi để cho người ra phố rồi, xa quê bao năm rồi, hay có xa nước, vạn dặm tha hương, nay gặp quả mà hong hanh có dịp nhớ về...
*
* *
Mùa tháng áp tết bạn bè hay tụ bạ. Bữa tiệc chiều đó ở nhà nhà văn Ngô Thảo khá vui và tôi được ăn ngon lại được gặp nhà thơ Nguyễn Duy từ Nam ra. Vương Đức thì là dân làm phim cũng từng bôn ba, rồi Giáo sư Nam Giao, một người bạn văn mãi từ Canada vượt qua băng giá mà về quê. Tôi mang chuyện quả tro của cô bạn gái nhà báo đang ám ảnh tôi ra bàn tiệc.
Chúng tôi sẽ nói về những món ăn truyền thống mà Ngô Thảo làm đãi bạn hiền từ xa về, từ Nam ra, nói về quả tro quê hương Ngô Thảo, nói về những điều vùi ở trong tro, trong trấu cứ âm thầm cháy mãi chưa khi nào tắt ở những tâm hồn Việt. Hôm sau, chuyện trái tro xứ Nghệ - Tĩnh tới tai nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên. Ông ha hả cười rung mái đầu trắng như cước nhẩn nha kể: Chả thế có chuyện, năm nào khi đất nước còn chia cắt, những người Huế xa quê biền biệt trong một lần ra xứ Bắc gặp món ăn mắm chua Huế đã có người thốt lên trên bàn tiệc nhỏ bữa ấy, mấy câu thơ da diết:
Tôm chua thịt ba chỉ
Món ăn Huế bình thường
Nhắc thôi, mà gợi quá,
Đầu lưỡi gặp quê hương!
... Vâng, anh Nguyên ạ, khi anh đọc những dòng này thì tôi đã đi xa lắm rồi, bàn chân lại đạp trên những đám băng lạnh ngắt muốn rụng cả tai ở tận châu Âu; như cô gái Nghệ - Tĩnh rời quê ra Hà Nội... có những điều, khi ta đi xa lắm, vô tình nó chợt tới, và ta chạm vào gặp lại quê hương, chạm vào cái nỗi niềm thăm thẳm người Việt ta thường chôn giấu ở trong lòng, chẳng chịu mờ phai. Không biết sang bên kia địa cầu tôi có gặp quả tro không? Hay là thay vì nó, tôi từng cầm trên tay một cọng húng Láng, trong những ngày xa quê biền biệt mà cồn cào một nỗi nhớ để mong ngày gặp lại mỗi khi đầu lưỡi chạm lại nó gặp vị hương của quê nhà!
Tạp bút của Nguyễn Văn Thọ
Vui lòng nhập nội dung bình luận.