Đấu thầu lãi suất tiền nhàn rỗi của Quỹ vaccine Covid-19, ngân hàng nói gì?
Đấu thầu lãi suất tiền nhàn rỗi của Quỹ vaccine Covid-19, ngân hàng nói gì?
H.Anh
Thứ bảy, ngày 26/06/2021 17:37 PM (GMT+7)
Liên quan đến Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19, 4 “ông lớn” quốc doanh là Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV sẽ được mời thầu và ngân hàng nào trả lãi suất cao hơn sẽ được quỹ ưu tiên gửi với kỳ hạn 1 tháng hoặc 3 tháng.
Theo số liệu cập nhật của Ban Quản lý Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19, số huy động vào Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 tính đến 11h00 ngày hôm nay (26/6) là 7.711 tỷ VND (đã bao gồm ngoại tệ quy đổi). Tổng số tổ chức, cá nhân đã đóng góp là 343.493.
Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV sẽ được mời thầu Quỹ vaccine Covid-19
Bên lề lễ tiếp nhận ủng hộ Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 chiều 25/6, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc kỳ vọng số dư của quỹ sẽ đạt con số 11.000 tỷ đồng để cùng đóng góp với khoản tiền 14.000 tỷ đồng từ ngân sách, đảm bảo có 150 triệu liều vaccine cho 75 triệu người.
Hiện nay, số tiền ngân sách đã chuyển Bộ Y tế phục vụ cho việc mua vaccine là 1.237 tỷ đồng và chưa sử dụng tới khoản tiền từ Quỹ vaccine.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Quỹ vaccine Covid-19 từ khi được Chính phủ thành lập đến nay đã nhận được sự quan tâm, chia sẻ, ủng hộ của rất nhiều bộ ngành, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong và ngoài nước.
Sự ủng hộ, góp sức của các tổ chức, tập thể, cá nhân đã tiếp thêm nguồn lực để cùng Chính phủ sớm thực hiện mục tiêu tiêm vắc-xin cho toàn dân.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh cam kết: Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 sẽ sử dụng số tiền đóng góp, ủng hộ một cách hiệu quả và tiết kiệm nhất, đồng thời Quỹ sẽ được quản lý chặt chẽ và công khai minh bạch.
Liên quan đến số tiền này, theo thông tin từ Ban quản lý Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19, số tiền từ Quỹ chưa sử dụng sẽ được gửi tại các ngân hàng thương mại (NHTM) nhằm mục đích bảo toàn và phát triển vốn cho quỹ, nhưng phải đảm bảo an toàn. Kỳ hạn gửi tiền không quá 3 tháng.
Đây là điều được quy định tại Thông tư 41 của Bộ Tài chính hướng dẫn về tổ chức, hoạt động, quản lý, sử dụng và kế toán, quyết toán, công khai tài chính Quỹ vaccine phòng chống Covid-19.
Việc lựa chọn các ngân hàng đảm bảo công khai, minh bạch và công bằng trên cơ sở xếp hạng của Ngân hàng Nhà nước cũng như các tiêu chí đánh giá cụ thể về quy mô tổng tài sản, tổng vốn chủ sở hữu, chất lượng tín dụng, kết quả hoạt động kinh doanh của mỗi ngân hàng.
Hiện Ban Quản lý Quỹ đang thực hiện quy trình đấu thầu số tiền nhàn rỗi của quỹ và 4 ngân hàng thương mại là Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV sẽ được mời thầu và ngân hàng nào trả lãi suất cao hơn sẽ được quỹ ưu tiên gửi với kỳ hạn 1 tháng hoặc 3 tháng.
Quy trình gửi tiền cũng được quy định phải iến hành chặt chẽ, công khai, minh bạch theo từng bước, bao gồm: Thông báo nhu cầu gửi tiền của quỹ tới các NHTM; nhận, mở bản chào nhận tiền gửi của các NHTM; xác định lãi suất, khối lượng gửi tiền theo nguyên tắc cạnh tranh về lãi suất và ký kết hợp đồng gửi tiền với các NHTM.
Sau khi chấm dứt hoạt động và giải thể, số dư của quỹ (nếu có) được nộp toàn bộ vào ngân sách trung ương, bổ sung nguồn lực mua vaccine cho chương trình tiêm chủng mở rộng của Nhà nước.
Ngân hàng nói gì?
Theo tìm hiểu của người viết, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến 3 tháng tại các "ông lớn" VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank dao động từ 3% đếm 3,4%/năm tùy từng kỳ hạn, đối với các khoản tiền gửi thông thường.
Ước tính với mức lãi suất này, nếu gửi ngân hàng toàn bộ số tiền trên 7.700 tỷ đồng thì mỗi tháng Quỹ vaccine Covid-19 sẽ có thêm 19 - 20 tỷ đồng tiền lãi. Toàn bộ số tiền lãi phát sinh (dự kiến) sẽ tiếp tục bổ sung vào Quỹ vaccine để sử dụng với mục đích chung của quỹ.
Trao đổi với Dân Việt, Phó Tổng giám đốc tại một ông lớn "quốc doanh" kể trên cho biết, ngân hàng không quá bất ngờ với quyết định đấu thầu lãi suất Quỹ vaccine Covid-19. Bởi đây cũng là hoạt động nghiệp vụ bình thường của các ngân hàng.
Hơn nữa, các cơ quan nhà nước, các quỹ nhà nước như Kho bạc Nhà nước chẳng hạn chỉ gửi tiền tại các NHTM Nhà nước.
"Thứ nhất, vì tính an toàn. Hai là, tránh những "thông tin suy diễn" tại sao không để tại ngân hàng Nhà nước mà để tại các ngân hàng nhỏ, trong khi đó số vốn này không phải là nguồn vốn vì mục tiêu kinh doanh mà chỉ là nguồn tích lũy vì mục tiêu khác", vị này phân tích và cho biết thêm, khi nguồn tiền được gửi tại các ngân hàng Nhà nước thì lợi ích của ngân hàng cũng là lợi ích Nhà nước, đóng góp cho ngân sách Nhà nước.
Về lãi suất, mức lãi suất đấu thầu có thể sẽ không cao hơn so với biểu lãi suất tiết kiệm hiện nay tại các ngân hàng hoặc thấp hơn so với các khoản tiền gửi nhỏ hơn. Bởi thanh khoản đột nhiên tăng lên vài nghìn tỷ và đột ngột giảm xuống vài nghìn tỷ chỉ trong thời gian ngắn 1 tháng đến 3 tháng.
"Khi sử dụng một lượng vốn tăng giảm với biện độ lớn trong thời gian ngắn sẽ không hiệu quả đối với ngân hàng", vị này nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.