Đấu tranh với tiêu cực, dối trá (Bài 2): Chống buôn lậu và trách nhiệm thực thi công vụ

TS. Nguyễn Quang Vinh Thứ năm, ngày 17/06/2021 07:00 AM (GMT+7)
Chống buôn lậu phải bắt đầu từ con người. Nếu không có "người thật, làm thật" thì mọi chính sách, pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu sẽ không thể phát huy được hiệu quả.
Bình luận 0

LTS: Vấn nạn hàng giả hàng nhái, buôn lậu tinh vi không được kiểm soát, xử lý tốt; câu chuyện mua bán bằng cấp, mua danh bán danh, lợi dụng uy tín cá nhân để trục lợi, gây bất ổn xã hội, xói mòn lòng tin trong nhân dân... Thực trạng đó đang ở mức đáng báo động.

Đấu tranh với tiêu cực, dối trá - đó là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó vai trò thực thi công vụ của cán bộ, công chức phải được đặt lên hàng đầu. Nếu như ai cũng "thở dài, buông xuôi" và đổ cho "cơ chế" thì đó sẽ là cái nôi nuôi dưỡng sự giả dối, để cái xấu, cái tiêu cực ngày càng sinh sôi, cản trở sự phát triển của đất nước.

"Đấu tranh với tiêu cực, dối trá" không thể chỉ là "hô khẩu hiệu" mà phải bắt đầu bằng chính những câu chuyện, những vụ việc, những cách xử lý cụ thể. Dân Việt xin giới thiệu loạt 3 bài viết của Đại tá , TS Nguyễn Quang Vinh - Nguyên Phó Tổng Biên tập kênh truyền hình ANTV.

Rất nhiều lực lượng chức năng như Công an, Biên phòng, Hải quan, Quản lý thị trường… được phân công nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu. Giữa thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều đối tượng buôn lậu đang tìm mọi kẽ hở để "đổ bộ" vào Việt Nam thì việc kiểm soát, ngăn chặn của lực lượng chức năng càng cần phải nghiêm túc, cấp bách hơn bao giờ hết.

Thế nhưng, vẫn có những người được giao nhiệm vụ tối quan trọng này lại đang tỏ ra vô trách nhiệm, bỏ rơi "trận địa", tham nhũng, ăn chia với những kẻ buôn lậu; tham gia điều hành, bàn mưu để lọt qua các cửa kiểm soát của lực lượng chức năng, đưa hàng lậu vào nội địa, phá hoại nền sản xuất trong nước, mang theo dịch bệnh phá vỡ "tuyến phòng thủ" mà chính phủ và toàn dân đang chung tay bảo vệ… Điều đó phải được gọi đúng tên là tội ác với dân tộc.

Khi đang đương chức, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình - Trưởng ban chỉ đạo 389 Quốc gia từng nhiều lần khẳng định "không có vùng cấm trong đấu tranh chống buôn lậu", đồng thời khẳng định quyết tâm "chống tiêu cực ngay trong lực lượng chống tiêu cực". Chính vì vậy, năm 2020 "bức tranh" chống buôn lậu là những gam "màu sáng" với nhiều thành tích đạt được: Nhiều đường dây, ổ nhóm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả bị triệt phá, xử lý hơn 185.000 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách gần 25.000 tỷ đồng (tăng hơn 15% so với năm 2019). Tuy vậy, vẫn có những "khoảng tối" rất đáng suy nghĩ về trách nhiệm thực thi công vụ.

Bài 3: Chống buôn lậu và trách nhiệm thực thi công vụ - Ảnh 1.

Cơ quan chức năng liên tiếp kiểm tra 9 địa điểm và phát hiện hơn 100kg cigar mà các tối tượng nhập lậu về Hà Nội tiêu thụ. (Ảnh: Nguyễn Chương)

Câu chuyện đáng quên

Vào cuối năm 2020, tại cửa khẩu Bắc Phong Sinh (Quảng Ninh) có hàng trăm tấn hàng lậu ngang nhiên đi qua mỗi ngày nhưng lực lượng chức năng trên địa bàn "không hay biết" cho đến khi cơ quan điều tra đồng loạt bắt giữ. Bộ Công an nhận định đây là vụ án buôn lậu xảy ra tại cửa khẩu chính ngạch với quy mô lớn nhất từ trước đến nay bị phát hiện. Tại thời điểm kiểm tra, chỉ tính riêng số hàng lậu bị thu giữ trên các xe tải và kho chứa hàng ở cửa khẩu đã lên tới 300 tấn. Đáng chú ý, lực lượng chức năng còn phát hiện, bắt giữ nhiều xe chở hàng lậu đã thông quan, khống chế tại chỗ hơn 30 đối tượng có liên quan.

Hàng ngày, những container hàng lậu đi thẳng qua cửa khẩu Bắc Phong Sinh đưa về các kho bãi đặt tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Như kho chứa hàng ở thị trấn Vương, huyện Tiên Lữ, Hưng Yên với diện tích đến hàng ngàn m2 thường xuyên có hơn 40 người làm việc với các nhiệm vụ rõ ràng gồm kế toán, thủ kho, tạp dịch, bảo vệ, trực đàm và hơn 20 lái xe chuyên chở hàng hóa. Trên các sổ sách, tài liệu thu giữ tại kho cho thấy việc trung chuyển hàng hóa đã diễn ra từ nhiều năm nay, đều đặn hàng ngày với số hàng về kho và xuất đi khoảng hơn 200 tấn hàng hoá các loại, trị giá hàng chục tỷ đồng.

Xin được lưu ý, để triệt phá được vụ án này, cơ quan điều tra đã theo dõi, trinh sát, thu thập tài liệu trong vòng 1 năm. Đã có lần chuẩn bị phá án thì thông tin bị lộ nên kế hoạch đấu tranh phải tạm hoãn.

Ngay sau khi cơ quan điều tra phá án, Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã phải khẩn cấp triệu tập các cơ quan chức năng trên địa bàn để yêu cầu đình chỉ công tác, điều chuyển ngay vị trí một loạt cán bộ thực thi công vụ bao gồm lãnh đạo Đồn Biên phòng Quảng Đức, Trưởng Ban quản lý cửa khẩu Bắc Phong Sinh, lãnh đạo Hải quan cửa khẩu Bắc Phong Sinh (Chi cục trưởng, Chi cục phó, Đội trưởng nghiệp vụ Hải quan và 3 công chức thừa hành). Đồng thời yêu cầu Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh, Đảng ủy Cục Hải quan tỉnh, Ban Thường vụ Huyện ủy Hải Hà nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể có liên quan trong khi chờ kết luận chính thức của các cơ quan điều tra.

Theo quy định, hàng hóa từ nước ngoài nhập khẩu vào thị trường trong nước thì bắt buộc phải có hồ sơ nhập khẩu, tờ khai hải quan theo quy định. Trong vụ buôn lậu này, tại thời điểm kiểm tra chủ hàng đã không xuất trình được hồ sơ thông quan, giấy tờ chứng minh xuất xứ hàng hóa, vậy mà rất nhiều xe tải chở hàng trăm tấn hàng vẫn được đi thẳng qua cửa khẩu, vượt qua tầm kiểm soát của Hải quan và Biên phòng cửa khẩu Bắc Phong Sinh. Buôn lậu với quy mô lớn như vậy, chuyên nghiệp như vậy, trong suốt một thời gian dài mà không bị phát hiện thì phải khẳng định rằng "coi voi đã chui lọt qua lỗ kim".

Cũng xin được nhắc lại, năm 2014 cũng tại cửa khẩu này, cơ quan điều tra Bộ Công an đã đề nghị truy tố 22 bị can trong vụ buôn lậu xe sang qua biên giới, trong đó có 2 đối tượng nguyên là cán bộ thuộc Chi cục Hải quan Bắc Phong Sinh với vai trò đồng phạm, tiếp tay cho đường dây buôn lậu này.

Tội phạm buôn lậu được nhận định ngày càng tinh vi hơn và công khai trắng trợn hơn, chúng chuyển phương thức hoạt động từ vận chuyển "lén" qua đường mòn sang công khai qua các cửa khẩu chính ngạch nên rõ ràng là có việc làm ngơ, tiếp tay từ các lực lượng thực thi công vụ ở những khu vực này.

Chống buôn lậu phải bắt đầu từ con người

Ngay ở thời điểm đầu năm 2021, cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt giam 2 cán bộ Chi Cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma thuộc Cục Hải quan Lạng Sơn vì có liên quan đến vụ buôn lậu hơn 100 tấn dược liệu qua cửa khẩu này do Lâm Đình Hoài, Giám đốc Công ty TNHH thương mại tổng hợp Đức Linh cầm đầu. Sự buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ, thậm chí có cả những dấu hiệu bảo kê, móc nối, bao che cho hành vi vi phạm đã khiến những cán bộ Hải quan phải trả giá đắt.

Chống buôn lậu phải bắt đầu từ con người. Nếu không có "người thật, làm thật" thì mọi chính sách, pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu sẽ không thể phát huy được hiệu quả. Thực tế đã chỉ ra rằng: ở nơi nào, trên chiến tuyến nào nếu người đứng đầu thực sự quyết tâm, kiên quyết đấu tranh, không dung dưỡng, không thỏa hiệp thì mới có thể vạch trần, triệt xóa được đường dây ổ nhóm và các đối tượng đầu nậu.

Bài 3: Chống buôn lậu và trách nhiệm thực thi công vụ - Ảnh 3.

Lực lượng chức năng kiểm tra trọng lượng số vàng thu giữ trong vụ vận chuyển trái phép 51kg vàng 9999 qua biên giới tỉnh An Giang. (Ảnh: TTXVN)

Câu chuyện tại An Giang trong những tháng cuối năm 2020 là một minh chứng sống động. Chỉ gần 1 tháng sau khi nhận quyết định Giám đốc Công an tỉnh An Giang, Đại tá Đinh Văn Nơi đã chỉ đạo quyết liệt, tấn công vào các đường dây tội phạm tại An Giang… đã liên tục bắt giữ hàng hóa nhập lậu. Đặc biệt là vụ buôn lậu 51 kg vàng qua biên giới – Giám đốc Công an tỉnh trực tiếp có mặt tại hiện trường chỉ đạo mật phục, chặn bắt tại khu vực biên giới thuộc ấp Vĩnh Chánh 1, phường Vĩnh Ngươn, TP Châu Đốc. Từ 4 đối tượng bị bắt giữ tại chỗ cùng tang vật đã mở rộng điều tra khám xét đồng loạt 15 địa điểm thu thập được nhiều tài liệu chứng cứ, lộ diện một đường dây mua bán vận chuyển hàng lậu có tổ chức, hoạt động liên tỉnh và khởi tố, truy nã đặc biệt nhiều đối tượng liên quan, trong đó đối tượng cầm đầu Mười Tường từ lâu nổi danh ở khu vực biên giới Tây Nam Bộ dưới lớp vỏ bọc doanh nhân chuyên làm từ thiện nhưng thực chất là có mối quan hệ chằng chịt với các đối tượng đầu nậu ở Campuchia, cầm đầu, điều hành đường dây buôn lậu xuyên biên giới.

Đại tá Đinh Văn Nơi từng nổi tiếng với phát biểu "càng nhờ quan hệ can thiệp tôi càng xử lý mạnh, quan hệ càng to tôi càng làm mạnh hơn". Tinh thần đấu tranh quyết liệt của vị Giám đốc Công an tỉnh đã tạo được niềm tin trong nhân dân. Nhiều người đã dũng cảm tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng, giúp thời gian phá án được rút ngắn. Nhiều vụ án lớn, thay vì phải mất cả năm hay sáu tháng thì chỉ hai tháng Ban chuyên án đã có đủ chứng cứ tài liệu để phá án. Tinh thần kiên quyết tấn công tội phạm, tuyệt đối không có vùng cấm của một cán bộ thực thi công vụ một tỉnh chắc chắn sẽ có tác dụng lan tỏa đến nhiều địa phương, nhiều lực lượng khác.

Dẫn lại "bức tranh" chống buôn lậu tại An Giang, Quảng Ninh và Lạng Sơn cho thấy nhiều điều về "trách nhiệm thực thi công vụ" trong đấu tranh ngăn chặn tội phạm buôn lậu. Nếu người chống buôn lậu thật sự quyết tâm, kiên quyết không thỏa hiệp với tội phạm và làm tốt công tác "chống tiêu cực ngay trong lực lượng chống tiêu cực" thì mới có thể nghĩ đến chuyện bóc gỡ được tận gốc các đường dây, ổ nhóm, đầu nậu buôn lậu xuyên biên giới, xuyên quốc gia như đã nói ở trên.

Bài 3: Xung quanh câu chuyện xây dựng và gìn giữ lòng tin



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem