Đấu tranh với tiêu cực, dối trá (bài 1): Hàng giả, người giả - thái độ và cách xử lý

TS. Nguyễn Quang Vinh Thứ tư, ngày 16/06/2021 06:15 AM (GMT+7)
Nạn hàng giả vô cùng nguy hiểm, nó không chỉ tiêu diệt nền sản xuất mà còn sản sinh và nuôi dưỡng thái độ làm ngơ, chấp nhận sự giả dối. Không những thế còn xuất hiện người giả, nhân cách giả - đó là sự nguy hại khủng khiếp hơn rất nhiều, bởi nó là "nền tảng" của một xã hội giả dối....
Bình luận 0

LTS: Vấn nạn hàng giả hàng nhái, buôn lậu tinh vi không được kiểm soát, xử lý tốt; câu chuyện mua bán bằng cấp, mua danh bán danh, lợi dụng uy tín cá nhân để trục lợi, gây bất ổn xã hội, xói mòn lòng tin trong nhân dân... Thực trạng đó đang ở mức đáng báo động.

Đấu tranh với tiêu cực, dối trá - đó là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó vai trò thực thi công vụ của cán bộ, công chức phải được đặt lên hàng đầu. Nếu như ai cũng "thở dài, buông xuôi" và đổ cho "cơ chế" thì đó sẽ là cái nôi nuôi dưỡng sự giả dối, để cái xấu, cái tiêu cực ngày càng sinh sôi, cản trở sự phát triển của đất nước.

"Đấu tranh với tiêu cực, dối trá" không thể chỉ là "hô khẩu hiệu" mà phải bắt đầu bằng chính những câu chuyện, những vụ việc, những cách xử lý cụ thể. Dân Việt xin giới thiệu loạt 3 bài viết của Đại tá , TS Nguyễn Quang Vinh - Nguyên Phó Tổng Biên tập kênh truyền hình ANTV.

Bài 1: Hàng giả, người giả - thái độ và cách xử lý

Nạn hàng giả vô cùng nguy hiểm, nó không chỉ tiêu diệt nền sản xuất mà còn sản sinh và nuôi dưỡng thái độ làm ngơ, chấp nhận sự giả dối. Và một sự giả dối vô cùng nghiêm trọng đó là người giả, nhân cách giả. Đó là sự nguy hại khủng khiếp hơn rất nhiều, bởi đó là "nền tảng" của một xã hội giả dối.... 

Từ câu chuyện hàng giả

Trung Quốc luôn được mệnh danh là xứ sở của hàng giả, từ những mặt hàng đơn giản nhất như giầy dép quần áo cho đến thiết bị công nghệ cao trong lĩnh vực y tế, khoa học… Khaisilk từng là "niềm tự hào thương hiệu Việt" nhưng khi bị cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện thì thương hiệu lụa Khaisilk lại là lụa có nguồn gốc từ Trung Quốc. Hay mới đây, cơ quan điều tra đã phát hiện hàng loạt thiết bị y tế công nghệ cao trị giá nhiều chục tỷ đồng trong các bệnh viện có "vỏ Đức, ruột Tàu". Không chỉ riêng Việt Nam, ngay tại Quảng trường Thời Đại ở New York, tôi vẫn "hồn nhiên" mua những chiếc kính râm, khăn choàng lông mà chỉ khi mang về nước để tặng thì mới biết hàng "USA sản xuất tại Trung Quốc".

Bài 2: Hàng giả, người giả - Thái độ và cách xử lý - Ảnh 1.

Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra cửa hàng Seven.am tại 135 Trần Phú - Hà Đông (Hà Nội) sau khi nhãn hiệu thời trang này bị "tố" bán hàng Trung Quốc nhập khẩu sau đó dán mác Việt Nam. (Ảnh: Hoài Nam/KTĐT).

Đó là chuyện "hàng Tàu", còn "hàng ta" hẳn hoi, không phải bây giờ mà nhiều năm trước rồi, các loại sản phẩm tự làm gắn mác công khai made in, Produc hay "na ná" kiểu "Công nghệ của…", "Sản phẩm do…" từ lĩnh vực thời trang, mỹ phẩm, dược liệu đến phân bón đều được làm giả, và cách làm giả cũng từ thô thiển đến tinh vi. Không tin chúng ta cứ thử tra "hàng giả" trên google mà xem, chưa đầy 1 giây đã cho 140 triệu kết quả. Điều chúng ta cần bàn ở đây là thái độ đối với thứ hàng hóa giả thương hiệu, giả chất lượng hay là cách nhìn nhận và xử lý câu chuyện hàng giả đó như thế nào.

Tại Mỹ, cảnh sát luôn rình bắt những người bán hàng giả và thu giữ hàng, tuy nhiên vẫn có một số người bán hàng ở Quảng trường Thời Đại lén lút bán hàng giả cho du khách. Ở Thụy Sỹ thì bất kỳ ai sử dụng hàng giả nhãn hiệu là đi tù chứ chưa nói được tiếp tục kinh doanh, sản xuất. Tôi có anh trai làm ở Sứ quán Việt Nam tại Thụy Sỹ, cứ mỗi khi đón khách Việt Nam tại sân bay Zurich thì việc đầu tiên là anh phải nhìn vào tay rồi hỏi từng người: "đồng hồ gì, giá bao nhiêu, mua ở đâu" bởi nhiều cán bộ Việt Nam vẫn "hồn nhiên" trên tay chiếc đồng hồ Rolex "vàng nguyên khối", Patek Philip "gắn kim cương" giá… vài trăm ngàn đồng Việt Nam. Anh bảo, cảnh sát Thụy Sỹ mà nhìn thấy đang đeo đồng hồ giả là lập tức bắt đi tù, khỏi thanh minh, khỏi bảo lãnh, khỏi thân phận ngoại giao. Nhiều năm ở Thụy Sỹ, nhiều lần phải đón khách và anh cũng đã nhiều lần kịp thời cảnh báo cho mọi người.

Thế nhưng lạ là, tất cả mọi thứ hàng hóa nhái nhãn mác của các hãng từ USA, EU, Japan, Korea… ở Việt Nam lại được quảng cáo bán hàng công khai, chiếm lĩnh trên mọi nền tảng số và thậm chí trên một số cơ quan truyền thông nhà nước với nhiều hình thức, chiêu trò. Điều đáng nói, tham gia quảng cáo nhiều khi còn có các nghệ sỹ, người nổi tiếng.

Đã có bao nhiêu phần trăm những vụ hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam bị phát hiện xử lý? Có bao nhiêu vụ bị xử lý hình sự, xử lý hành chính đúng luật hay chỉ là "đánh đòn bằng chổi lông gà"?

Còn nhớ vụ việc Công ty sản xuất phân bón Thuận Phong tại Đồng Nai gắn mác "made in USA" trong lúc các cơ quan tố tụng đang giải quyết theo lệnh của Thủ tướng Chính phủ thì lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã "vội vã lách khe" ra quyết định xử phạt hành chính để "một hành vi không xử lý 2 lần". Hay vụ ở Công ty Ts Việt Nam liên tiếp 2 lần bị thu giữ hàng chục ngàn sản phẩm mỹ phẩm trị giá hàng chục tỷ đồng ghi xuất xứ tại New Zealand, Hàn Quốc nhưng lại được đóng nhãn mác bao bì tại kho xưởng ở quận Hà Đông (Hà Nội) cũng chỉ phạt hành chính vài chục triệu đồng. Có những vụ phải huy động cả lực lượng Cảnh sát công nghệ cao của Bộ Công an, Công an địa phương cùng quản lý thị trường với hàng trăm cán bộ, mất đến 6 tháng phục kích, đột nhập mới vào được những kho hàng "khủng" rộng hàng chục ngàn m2 chứa hàng trăm ngàn sản phẩm thời trang, mỹ phẩm giả các nhãn hiệu nổi tiếng như Burberry, Hermès, LV, Chanel, Gucci…tại Lào Cai, Nam Định, Ninh Bình…Thế nhưng, những vụ việc "khủng" này chỉ bị xử phạt hành chính vài chục triệu đồng.

Xin được lấy vụ Công ty TNHH VINACA sản xuất "Thực phẩm điều trị ung thư" bằng than tre làm một ví dụ điển hình về sự "nghiêm" và "không nghiêm" trong thực thi luật pháp. Trước đó, Chi cục Quản lý thị trường Hải Phòng phát hiện vụ việc này nhưng không rõ là do nhận thức kém hay được hay "ưu ái" mà cơ quan này chỉ ra quyết định xử phạt hành chính và "gấp hồ sơ" vụ việc. Phải đến khi Tổ 334 do ông Trần Hùng – Phó Cục QLTT Bộ Công thương là tổ trưởng đã hậu kiểm phát hiện thấy nhiều dấu hiệu nghiêm trọng nên đã chuyển Công an Hải Phòng điều tra, gọi đúng tội danh. Kết quả, đối tượng cầm đầu đã bị tòa tuyên phạt 22 năm tù. Điều này cho thấy, nếu cơ quan chức năng không làm đúng chức trách của mình, "làm không đúng luật" không chỉ bỏ lọt tội phạm mà điều nguy hại hơn là làm mất lòng tin của người dân vào lực lượng thực thi luật pháp.

Chúng ta có Luật chống hàng giả, Luật an ninh mạng để trừng phạt những kẻ sản xuất hàng giả, kinh doanh hàng giả gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho người tiêu dùng. Chúng ta có hàng vạn cán bộ và hàng ngàn nhà báo đang cố gắng bảo vệ sự an toàn và gìn giữ lòng tin của xã hội trên lĩnh vực này. Hy vọng không một ai trong chúng ta buông xuôi, chấp nhận sự giả dối như một "tất yếu của quá trình hội nhập".

Đến câu chuyện... "người giả"

Cách đây chưa lâu, xã hội phẫn nộ khi phát hiện trường Đại học Đông Đô đã cấp 193 văn bằng 2 tiếng Anh không qua đào tạo, trong đó có 55 trường hợp sử dụng bằng giả này để thi tuyển công chức, bảo vệ luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ... đến mức Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải yêu cầu "Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an sớm đưa các đối tượng phạm tội ra xét xử nghiêm minh theo quy định pháp luật".

Bài 2: Hàng giả, người giả - Thái độ và cách xử lý - Ảnh 3.

Mẫu bằng cấp cho học viên tốt nghiệp của Đại học Đông Đô. (Ảnh: N.H)

Cũng vì chính sách coi bằng tại chức như đào tạo chính quy để "ghi nhận sự nỗ lực cố gắng của cán bộ vừa học vừa làm" nên mới có phong trào đi học tại chức. Có lẽ cũng vì nể nang đối với những "sinh viên có chức quyền" này nên các khoa tại chức đều lỏng lẻo trong quản lý. Có một câu chuyện hài hước thế này: Khi tôi học để lấy bằng Cử nhân chính trị tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, có một bạn cùng lớp nghỉ học "có lý do" nhiều nhất, mỗi khi đến lớp thì chỉ 1,2 tiết rồi lại "bận công việc" đi mất. Mãi sau này chúng tôi mới biết, "người bạn học đó" là "kẻ học thuê" từ ngày đầu tiên mang tên của một ông Giám đốc. Lãnh đạo Học viện dù đã kiên quyết xử lý nhưng cũng ra sức năn nỉ cậu "sinh viên nhà báo" không làm to chuyện…

Đấy là chuyện học giả, kiến thức giả, còn chuyện giả dối trong lĩnh vực công tác đang gây nhiều bức xúc trong xã hội như một loạt nhân vật chống buôn lậu tiếp tay cho buôn lậu gần đây thì thật là đau xót.

Đó là trường hợp Hoàng Duy Tiến, cán bộ mảng chống buôn lậu của Phòng cảnh sát kinh tế Công an TP.HCM nhưng lại lập ra hàng chục công ty để cho các đồng phạm đứng tên hoạt động buôn lậu hàng điện máy. Đó là Ngô Văn Thụy, đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam (đội 3, Cục Điều tra chống buôn lậu) Tổng Cục Hải quan bảo kê cho đường dây tổ buôn lậu và làm xăng giả với quy mô lớn, tinh vi diễn ra tại nhiều tỉnh thành. Và gần đây dư luận rộ lên thông tin vị Chỉ huy trưởng Biên phòng cấp tỉnh và hai vị Đồn trưởng Biên phòng bị Cục điều tra hình sự Bộ Quốc phòng bắt vì đã "sử dụng chức năng chống buôn lậu để nhận hối lộ, tiếp tay cho buôn lậu"…

Nhân dân phẫn nộ và lên án những con người giả dối, vấn đề là những cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về an ninh trật tự (bao gồm cả lập pháp, hành pháp và tư pháp) sẽ nhìn nhận và xử lý vấn đề này như thế nào? Có thực sự họ đang muốn tìm những cán bộ thật có tâm, có tầm trong 100 triệu dân hay là chỉ "định vị trong giới hạn" mà chấp nhận cả người giả với kiến thức giả?

Tại sao đến nay đã hơn 7 tháng mà vẫn chưa công khai danh tính và hình thức xử lý 55 vị cán bộ, công chức sử dụng văn bằng chứng chỉ giả của Đại học dân lập Đông Đô? Tại sao cũng đã 2 tháng trôi qua mà chưa công bố hành vi sai phạm (hoặc phạm pháp) của ông nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai và ông Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Kiên Giang khiến dư luận và công luận chưa thể yên lòng khi chỉ với phát biểu của bà Trưởng Ban Công tác Đại biểu Quốc hội: "…Hội đồng bầu cử quốc gia đã xem xét khách quan, thận trọng, kỹ lưỡng, cân nhắc nhiều mặt và có nghị quyết về việc cho rút tên với lý do sức khỏe và lý do cá nhân của 2 ứng viên này".

Nên hiểu điều đó như thế nào? Nếu như đang điều tra để kết luận cho chính xác và thận trọng để "không làm oan người ngay" thì cũng nên công bố cơ quan nào đang điều tra, tiến độ ra sao để cho người dân khỏi suy diễn. Xin được dẫn câu nói của Thủ tướng Phạm Minh Chính hay được ông nhắc trong các cuộc làm việc với các bộ, ngành: "Mọi chuyện đều có thể công khai, minh bạch – đừng để tích tụ sai phạm nhỏ thành sai phạm lớn".

Cuối cùng, tôi cũng xin nhắc lại mong muốn đặt ra từ đầu: Không ai được phép thở dài, buông xuôi – Chúng ta cần có thái độ quyết liệt để loại trừ những sự giả dối ra khỏi đời sống.

Đấu tranh với tiêu cực, dối trá (bài 2): Chống buôn lậu và trách nhiệm thực thi công vụ


 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem