Đầu tư mạnh vào nông nghiệp, ông Nguyễn Duy Hưng gặp khó vì… Covid-19
Đầu tư mạnh vào nông nghiệp, ông Nguyễn Duy Hưng gặp khó vì… Covid-19
Quốc Hải
Thứ năm, ngày 30/07/2020 18:55 PM (GMT+7)
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động mạnh đến nền kinh tế và các doanh nghiệp, doanh thu thuần hợp nhất quý II của Tập đoàn PAN (HoSE: PAN) của nhà ông Nguyễn Duy Hưng vẫn tăng trưởng 5%. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế hợp nhất chỉ đạt 66% so với cùng kỳ năm trước…
Ngày 30/07/2020, Công ty CP Tập đoàn PAN (HoSE: PAN) chính thức công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý II và lũy kế 6 tháng đầu năm 2020.
Đầu quý II là khoảng thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Việc giãn cách xã hội khiến cho chuỗi cung ứng gián đoạn, nhu cầu tiêu dùng đi xuống tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Hệ quả tăng trưởng GDP quý II của Việt Nam chỉ đạt 0,36%, hơn 60 nghìn doanh nghiệp đóng cửa và tỷ lệ thất nghiệp cũng chạm ngưỡng cao nhất trong vòng 1 thập kỷ qua. Trước bối cảnh đó, Tập đoàn PAN một mặt chủ động ứng phó phòng chống dịch tại văn phòng, nhà máy, cơ sở sản xuất, mặt khác cùng các công ty thành viên nỗ lực tháo gỡ khó khăn. Nhờ vậy, kết quả kinh doanh quý II đã cải thiện đáng kể so với quý I.
Cụ thể, trong quý II, doanh thu thuần hợp nhất toàn Tập đoàn đạt 1.839 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất 66,7 tỷ đồng, đạt 66% so với quý II năm 2019. Nguyên nhân do tác động của đại dịch khiến tăng giá vốn và Tập đoàn ghi nhận một khoản lỗ bất thường trên báo cáo hợp nhất từ giao dịch chuyển nhượng đất tại nhà máy bánh kẹo Bibica Miền Bắc.
Lũy kế 6 tháng, Tập đoàn ghi nhận 3.122 tỷ đồng doanh thu thuần và 95,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất. Tương ứng đã thực hiện 41% doanh thu và 31% lợi nhuận sau thuế so với kế hoạch 2020 được ĐHĐCĐ thông qua.
Đi sâu vào phân tích từng lĩnh vực của PAN, có thể thấy đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng khá nặng đến kế hoạch sản xuất – kinh doanh của tập đoàn này.
Chẳng hạn, trong lĩnh vực nông nghiệp, mảng hoa xuất khẩu gặp khó khi nhu cầu thị trường Nhật đi xuống và chi phí logistic tăng cao. Trong khi đó quý II là thời điểm xuống giống vụ Hè-Thu nên mảng giống cây trồng đã khởi sắc trở lại. Doanh thu thuần từ mảng giống tăng 6% kết hợp các biện pháp tiết giảm chi phí đã giúp lợi nhuận sau thuế tăng gần 24% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, các sản phẩm gạo đóng túi của Tập đoàn trong quý II cũng tiêu thụ tốt, được người tiêu dùng đón nhận rộng rãi.
Ở lĩnh vực thực phẩm, mảng tôm xuất khẩu với việc bắt đầu đưa vào khai thác vùng nuôi 90 ha mới và kho lạnh 6.000 tấn giúp duy trì doanh thu ổn định và lợi nhuận thậm chí tăng 2,3% so với cùng kỳ. Doanh thu và lợi nhuận mảng cá tra xuất khẩu tiếp tục đi xuống do giá cá tra xuất khẩu giảm mạnh.
Tuy nhiên, đây chỉ là yếu tố thời vụ do tác động của Covid-19, về dài hạn cá tra của Tập đoàn có nhiều triển vọng nhờ năng lực sản xuất tối ưu với những sản phẩm giá trị gia tăng đã chinh phục được các thị trường khó tính như Nhật Bản, Châu Âu…
Ở mảng bánh kẹo, quý II luôn là quý thấp điểm nhất của mảng này, lại bị tác động của Covid-19 nên doanh số từ mảng này giảm 18% so với cùng kỳ.
Mảng hạt thúc đẩy tốt hoạt động bán hàng giúp doanh thu tăng trưởng 25%, tuy nhiên giá vốn cũng tăng cao nên lợi nhuận duy trì ổn định ở mức cùng kỳ năm trước. Trong quý III, sản phẩm hoa quả sấy chính thức ra mắt và đã có những đơn hàng xuất khẩu đầu tiên.
"So với kế hoạch 2020, Tập đoàn mới chỉ hoàn thành 41% doanh thu và 31% lợi nhuận. Tuy nhiên, nếu tình hình dịch bệnh không diễn biến tiêu cực, Tập đoàn tự tin sẽ hoàn thành kế hoạch kinh doanh đã đề ra", đại diện tập đoàn PAN khẳng định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.