Đầu tư phát triển vùng nông thôn có đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Những năm qua, cùng với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tỉnh Lào Cai đã ban hành và triển khai nhiều chủ trương, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, Trong đó, chủ yếu tập trung đầu tư phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa vùng đồng bào DTTS và miền núi đã đạt được những kết quả quan trọng.
Từ năm 2014 đến nay, tỉnh Lào Cai bố trí nguồn vốn đầu tư hạ tầng vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS trên 11.304.812 triệu đồng. Khu vực nông thôn được quan tâm đầu tư phát triển, nhờ đó đến nay 100% xã và 98% thôn bản có đường ô tô đến trung tâm; 100% xã có hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin; 100% xã vùng đồng bào dân tộc có điện lưới quốc gia…
Lãnh đạo tỉnh Lào Cai tham quan hội chợ quảng bá các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa nhằm tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đồng bào DTTS và miền núi.
Toàn tỉnh hiện có 138 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 123/138 xã có nhà văn hóa xã, 113/138 xã có sân luyện tập thể thao; 99/138 xã đạt chuẩn nông thôn mới về cơ sở vật chất văn hóa và 65/138 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Nhờ đó đời sống vật chất, tinh thần của người dân, đặc biệt là người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi ngày một nâng lên.
Để nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch nhằm nâng cao đời sống kinh tế - xã hội nông thôn, công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào DTTS và miền núi cũng luôn được các cấp tỉnh Lào Cai quan tâm triển khai thực hiện.
Tính đến 30/6/2023, tỉnh Lào Cai có 127 xã đã có quy hoạch chung được phê duyệt, hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng miền. Trong năm 2021-2022, toàn tỉnh Lào Cai đã cứng hoá, nâng cấp trên 600 km đường giao thông nông thôn, nhân dân đã tự cứng hoá trên 100 km đường ngõ xóm, liên gia.
Bên cạnh đó, xác định phát triển nguồn nhân lực là yếu tố chiến lược thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nên trong những năm qua công tác giáo dục dân tộc tiếp tục được tỉnh Lào Cai đặc biệt quan tâm. Hệ thống các trường dân tộc nội trú, trường dân tộc bán trú được mở rộng về quy mô, nâng cấp về cơ sở vật chất.
Công tác phổ cập giáo dục được duy trì vững chắc ở 100% xã, phường, thị trấn; tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15-60 đạt 95,2%. Tỷ lệ huy động trẻ học mầm non đạt 99,8%, mẫu giáo đạt 97%. Học sinh hoàn thành chương trình tiểu học học lên lớp 6 đạt 98,2%. Tỷ lệ thanh thiếu niên từ 15-18 tuổi có bằng tốt nghiệp THCS đạt 90,4%, tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục THPT và tương đương đạt 80%. Công tác quy hoạch cán bộ người DTTS được quan tâm, đã có 4.972 lượt cán bộ là người DTTS chiếm 43,8% tổng số cán bộ.
Theo thông tin từ Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai, mặc dù là tỉnh có tỷ lệ đồng bào DTTS và miền núi cao nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân của tỉnh năm 2022 đạt 9,02%, cao hơn 3,57% so với năm 2021, xếp thứ 4/14 tỉnh trong vùng và 26/63 tỉnh, thành phố, tăng 3 bậc so với năm 2021. Quy mô kinh tế được mở rộng, năm 2022 đạt gần 68.000 tỷ đồng, xếp thứ 4/14 tỉnh trong vùng, xếp thứ 42/63 tỉnh, thành phố, tăng 01 bậc so với năm 2021; GRDP bình quân đầu người đạt 90 triệu đồng. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 10.389 tỷ đồng; Tổng thu ngân sách địa phương đạt 20.829 tỷ đồng.
Nhiều chính sách hỗ trợ được triển khai
Để đạt được những kết quả nêu trên, tỉnh Lào Cai tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp; phát triển kinh tế nông thôn; phát triển du lịch nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhất là lao động thuộc đồng bào DTTS và miền núi... Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững.
Theo đó, tỉnh Lào Cai cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho đồng bào DTTS và miền núi vay vốn để phát triển kinh tế, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội. Đến nay, nguồn vốn này đã được "phủ sóng" đến 100% số xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Từ nguồn vốn vay đã giúp các hộ đồng bào DTTS và miền núi có vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, chăn nuôi, trồng rừng, xây dựng vùng trồng dược liệu quý; bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hoá, dân tộc… Nhờ đó hàng vạn hộ dân tộc thiểu số có điều kiện để phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo, nâng cao đời sống.
Ngôi nhà khang trang của người dân tộc Tày ở xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai được đầu tư phát triển du lịch cộng đồng.
Ông Sầm Văn Gióng, dân tộc Tày (xã Khánh Yên Trung, Văn Bàn) chia sẻ: "Trước đây, cuộc sống gia đình tôi rất khó khăn, chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, mảnh vườn. Nhiều lúc cũng muốn mở rộng sản xuất nhưng không có vốn nên chủ yếu là sản xuất manh mún, tự cung tự cấp là chính. Nhưng từ khi được Hội Nông dân xã bảo lãnh vay 70 triệu đồng với lãi suất ưu đãi, gia đình đã mạnh dạn đầu tư mua lợn giống và máy xay xát về để phát triển kinh tế. Từ đó thu nhập của gia đình đã ổn định và ngày càng mở rộng quy mô chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ".
Ông Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lào Cai cho biết: Cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn khu vực đồng bào DTTS và miền núi được cấp uỷ, chính quyền các cấp, địa phương quan tâm, tổ chức triển khai thực hiện. Nhờ đó, đã góp phần giúp cho giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của toàn tỉnh năm 2022 đạt trên 9.222 tỷ đồng (theo giá so sánh 2010), tốc độ tăng trưởng bình quân đạt trên 4,47%, giá trị sản phẩm/ đơn vị ha canh tác đạt 90 triệu đồng, tăng 5,9% so với năm 2021.
Đặc biệt, trong năm 2022, 15.233 lao động đã có việc làm mới; 12.600 người được đào tạo nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và 9.800 người được giải quyết việc làm sau đào tạo nghề. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 66,7%; tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 28,1%; tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp là 53,7%. Bình quân thu nhập đầu người khu vực nông thôn toàn tỉnh năm 2022 đạt 31 triệu đồng/người/năm.
"Để tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con vùng đồng bào DTTS và miền núi, tỉnh Lào Cai luôn xác định công tác, chính sách dân tộc là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hiện thực hóa chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước trong hỗ trợ bà con vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc" ông Khánh cho biết thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.