Dạy ATVSLĐ trong các trường nghề: Nơi không có, nơi làm qua loa

Thùy Anh Thứ hai, ngày 22/05/2017 07:30 AM (GMT+7)
Những năm gần đây, tai nạn lao động xảy ra không giảm mà mức độ có phần nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, công tác đào tạo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong nhiều trường nghề nói chung và đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn nói riêng vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.
Bình luận 0

Học sinh phải đủ điểm “an toàn”

Ông Bùi Chính Minh - Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội cho biết, công tác đào tạo ATVSLĐ chưa đạt hiệu quả như mong đợi.

img

Một tiết học an toàn lao động của học sinh Trường CĐ Nghề Hà Nội. Minh Nguyệt

Do không được đào tạo về an toàn trong sử dụng máy móc, nên nhiều lao động ở quê tôi khi sử dụng máy nông nghiệp đã gặp tai nạn. Nhiều nhất phải kể tới là những tai nạn bị máy tuốt lúa, máy cắt lúa làm cho gãy tay, hoặc bị cắt cụt chân… thậm chí là tử vong khi sử dụng máy cẩu, máy múc”.

Lao động Nguyễn Văn An
(Hoằng Hóa, Thanh Hóa)

Hiện nay, Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội đang được thụ hưởng một dự án “Hỗ trợ dạy nghề tại Hà Nội cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn”, trong đó có nội dung dạy ATVSLĐ trong trường nghề. Nhà trường đang áp dụng một chương trình dạy an toàn lao động cho học sinh học nghề gồm 60 giờ.  “Nhà trường quy định những học sinh đạt điểm trung bình trở lên môn ATVSLĐ mới được phân công đi thực tập” – ông Minh nói.

Không có may mắn như Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội, nhiều trường cao đẳng và trung cấp khác đang phải tự mày mò dạy ATVSLĐ khi còn thiếu thốn đủ thứ từ máy móc, phương tiện, nhà trường, thậm chí cả giáo viên cũng phải kiêm nhiệm.

Chưa coi trọng dạy an toàn lao động

Lao động Nguyễn Văn An (Hoằng Hóa, Thanh Hóa), một học viên của lớp dạy nghề “Sử dụng máy công nghiệp trong nông nghiệp” cho biết, lâu nay đi học chỉ thấy thầy dạy nhiều về kỹ thuật sử dụng, bảo dưỡng máy chứ ít khi thấy dạy về sử dụng máy an toàn.

Thầy Hoàng Thế Hiển - dạy ngành kỹ thuật nấu ăn của Trường Trung cấp Kỹ thuật kinh tế Bắc Thăng Long từng tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn (Đề án 1956) thừa nhận, các tiết học về ATVSLĐ trong lớp học sơ cấp ngắn hạn chưa có.

Về vấn đề này, ông Mạc Văn Tiến - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quy hoạch dạy nghề cho rằng, nội dung ATVSLĐ cần phải lồng ghép trong suốt chương trình đào tạo, chứ không phải bài riêng 1-2 buổi hay “có gì dạy đó” như các cơ sở dạy nghề dạy lâu nay. Đồng thời, cần đưa quy định này vào một số văn bản quy phạm pháp luật chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục dạy nghề; định kỳ tổ chức các lớp tập huấn cho người đứng đầu cơ sở dạy nghề, giáo viên dạy nghề về ATVSLĐ.

Mới đây, Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTBXH) đã tổ chức một cuộc khảo sát về thực trạng về lồng ghép các nội dung ATVSLĐ tạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại các tỉnh Phú Thọ, Hưng Yên, Đà Nẵng và Bình Thuận. Kết quả cho thấy, mặc dù nội dung ATVSLĐ đã được đưa vào chương trình đào tạo, nhưng thời lượng dành cho nội dung ATVSLĐ ít, bố trí đào tạo nội dung ATVSLĐ vào đầu khóa học khi người học chưa có kiến thức kỹ năng nghề nên đã hạn chế hiệu quả học ATVSLĐ.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem