Đây là dòng tín dụng ưu đãi của Chính phủ đang giúp giảm nghèo, tăng hộ khá, hộ giàu ở Lai Châu
Đây là dòng tín dụng ưu đãi của Chính phủ đang giúp giảm nghèo, tăng hộ khá, hộ giàu ở Lai Châu
Tuấn Hùng
Thứ bảy, ngày 11/03/2023 08:00 AM (GMT+7)
Những năm qua, Hội Nông dân tỉnh Lai Châu đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện ủy thác cho vay và làm cầu nối chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đang giúp đồng bào vùng dân tộc thiểu số Lai Châu thoát nghèo.
Qua việcc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách ưu đãi của Chính phủ ở Lai Châu, đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân vượt khó, thoát nghèo.
Cầu nối nguồn vốn tín dụng tới đồng bào dân tộc thiểu số
Giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững trong cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu được xem là "điểm sáng" trong việc phối hợp giữa Hội Nông dân với Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh Lai Châu.
Chia sẻ với Dân Việt, ông Mùa A Trừ, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lai Châu cho biết: Từ việc triển khai có hiệu quả các nguồn vốn tín dụng ưu đãi nhận ủy thác từ Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh Lai Châu đã giúp Hội Nông dân có điều kiện để thu hút thêm hội viên.
Nhiều hộ nghèo, đối tượng chính sách, đặc biệt là các đối tượng chính sách ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã mạnh dạn vay vốn đầu tư cho sản xuất, xây dựng công trình nước sạch, nhà tiêu, chăn nuôi, trồng trọt, xây mới và sửa chữa nhà ở…
Những năm qua, thông qua các cấp hội nông dân, các đối tượng chính sách vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã được tiếp cận các nguồn vốn từ chính sách ưu đãi của nhà nước. Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo theo hướng đa chiều, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế của tỉnh Lai Châu.
Thông qua ủy thác của Hội nông dân xã Sà Dề Phìn (huyện Sìn Hồ, Lai Châu), từ sự hướng dẫn, tuyên truyền của tổ tiết kiệm và vay vốn về các thủ tục vay, tháng 1/2022, gia đình anh Quan Văn Luấn ở bản Sảng Phìn, xã Sà Dề Phìn được vay 50 triệu đồng để chăn nuôi lợn nái sinh sản và lợn thịt.
Mô hình chăn nuôi của anh Luấn luôn duy trì trên 10 con lợi nái sinh sản và từ 25 đến 30 con lợn thịt, hàng năm cung cấp ra ngoại thị trường trên 200 con lợn giống. Qua đó đem lại thu nhập đều và ổn định cho gia đình gần 200 triệu đồng.
Đưa chúng tôi đi thăm khu chăn nuôi lợn của gia đình, anh Luấn hồ hởi cho hay: Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH kết hợp với nguồn vốn của gia đình tôi quyết định đầu tư nuôi lợn, từ mô hình này gia đình tôi có thu nhập khá gấp nhiều lần so với những năm trước, nhờ vậy gia đình tôi đã thoát hộ nghèo.
Giúp bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo, làm giàu
Qua câu chuyện với ông Mùa A Trừ, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lai Châu, được biết, thực hiện văn bản liên tịch giữa Ngân hàng CSXH và Hội Nông dân về việc thực hiện ủy thác cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách, hàng năm Hội Nông dân tỉnh Lai Châu xây dựng kế hoạch chỉ đạo các cấp hội nông dân triển khai thực hiện chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ gắn với các phong trào thi đua "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững", phong trào "Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới"...
Các cấp hội nông dân đã tích cực, chủ động phối hợp tốt với Ngân hàng CSXH trong việc triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi trên địa bàn. Tính đến hết tháng hết tháng 12/2022, tổng dư nợ của Ngân hàng CSXH uỷ thác thông qua tổ chức Hội Nông dân tỉnh đạt trên 910 tỷ đồng với 415 tổ, trên 15.300 hộ vay.
Song song với đó, chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn ngày càng được nâng lên; từ việc triển khai có hiệu quả các nguồn vốn tín dụng ưu đãi nhận ủy thác từ ngân hàng chính sách xã hội đã giúp hội nông dân có điều kiện để thu hút thêm hội viên, nhận thức của hội viên nông dân về vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh đã được nâng cao rõ rệt.
Nhiều hộ nghèo, đối tượng chính sách, đặc biệt là bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn đã mạnh dạn vay vốn đầu tư cho sản xuất, xây dựng công trình nước sạch, chăn nuôi, trồng trọt... qua đó góp phần quan trọng giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Lai Châu. Số hộ hội viên nông dân là dân tộc thiểu số có kinh tế khá, giàu tăng lên.
Từ các chính sách ưu đãi của nhà nước, thông qua Ngân hàng CSXH, Hội Nông dân các cấp tỉnh Lai Châu đã minh chứng và khẳng định chủ trương thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác là đúng đắn, phù hợp với "ý Đảng, lòng dân".
Đối với tổ chức hội nông dân, thông qua hoạt động vay vốn ủy thác ngân hàng chính sách xã hội, bên cạnh việc chuyển tải và quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách của Nhà nước, hoạt động ủy thác còn giúp cho hội có điều kiện xây dựng, củng cố tổ chức Hội hoạt động hiệu quả hơn...
Thông qua chương trình, năng lực của cán bộ Hội được nâng lên, góp phần thực hiện tốt phong trào thi đua "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững", phong trào "Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới".
Từ nguồn vốn ưu đãi này, đời sống vật chất, văn hoá tinh thần của hội viên, nông dân thuộc diện hộ nghèo, các đối tượng chính sách và đồng bào vùng dân tộc thiểu số của tỉnh Lai Châu đã và đang từng bước được nâng lên, thoát nghèo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.