Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Điều đáng quý, không chỉ làm giàu cho riêng mình, anh Danh còn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi, hỗ trợ con giống, thức ăn chăn nuôi... giúp nhiều hộ nông dân khác cùng thoát nghèo, làm giàu.
Nhìn vào cơ ngơi hiện nay của anh Danh với đàn bò hơn 40 con, 1,2ha bưởi da xanh, 6ha lúa nước cho tổng thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, ít ai nghĩ trước đây anh Danh từng là hộ khó khăn.
Anh Danh xúc động cho biết, cha anh là liệt sỹ hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm 1981, anh Lê Văn Danh lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự ở tuổi 23. Sau 3 năm tham gia quân đội, anh xuất ngũ về quê ở xã Long Phước và lập gia đình và làm nghề nông.
Anh được mẹ cho 1.200m2 đất nông nghiệp để canh tác, sinh sống. Lúc đầu, anh Danh chỉ trồng bắp và kết hợp chăn nuôi gà. Tuy nhiên, do thiếu kiến thức, kinh nghiệm nên thu nhập từ trồng bắp, nuôi gà rất ít. Vợ chồng anh phải đi làm thuê thêm mới đủ trang trải cuộc sống và lo cho các con. Gia đình anh lúc đó rất khó khăn do thu nhập không ổn định, các con anh càng lớn, khó khăn của gia đình anh càng chồng chất thêm.
Năm 2003, được Hội Nông dân xã hỗ trợ 2 con heo giống, cùng với vốn vay mượn thêm, anh đầu tư xây chuồng và mua thêm 2 con heo giống nữa về nuôi.
Để chăn nuôi đạt hiệu quả cao, anh Danh rất tích cực tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật chăn nuôi heo sinh sản. Áp dụng kiến thức học được, mô hình chăn nuôi heo của anh Danh ngày càng phát triển.
Từ 4 con heo giống ban đầu, sau 3 năm anh đã gầy dựng được trang trại nuôi heo với quy mô 50 con heo sinh sản và 200 con heo thịt. Mỗi năm anh Danh có lợi nhuận hàng trăm triệu đồng từ nuôi heo.
Tiền tích góp được hàng năm từ nuôi heo, gia đình anh Danh đều tập trung mua ruộng và đất. Đến năm 2018, anh Danh đã sở hữu 6ha ruộng lúa và 1,2 ha đất trồng bưởi da xanh.
Năm 2020, nhằm đảm bảo tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, Hội Nông dân xã Long Phước đã vận động anh Lê Văn Danh di dời trại heo ra khỏi khu dân cư.
Dù trại heo đang cho thu nhập tương đối tốt nhưng được Hội Nông dân vận động, anh Danh quyết định dừng chăn nuôi heo. Để đảm bảo môi trường, anh xây dựng chuồng trại trên diện tích đất trồng bưởi xa khu dân cư, đầu tư nuôi bò sinh sản và thương phẩm lai Sind. Anh đã đầu tư lắp đặt hố biogas xử lý nước thải và tận dụng nước thải để tưới cho bưởi và trồng cỏ trồng.
Theo anh Danh, chăn nuôi bò dễ xử lý nước thải hơn nuôi heo nên vệ sinh môi trường được đảm bảo, ít phát tán mùi hôi ra xung quanh. Hiện tại, đàn bò sinh sản và thương phẩm lai Sind của anh Danh có 43 con.
Ngoài sản xuất nông nghiệp, anh Danh còn kinh doanh thêm thức ăn chăn nuôi công nghiệp. Anh Lê Văn Danh chia sẻ: Nhờ Hội Nông dân xã hỗ trợ heo giống ban đầu, với quyết tâm vượt khó, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật, đến nay thu nhập (sau khi trừ chi phí) trung bình mỗi năm của gia đình anh khoảng từ 450 đến 500 triệu đồng. Trong đó: 6ha lúa nước mỗi năm thu 3 vụ lúa cho lợi nhuận từ 200 - 250 triệu đồng; 1,2 ha bưởi danh xanh cho thu nhập 100 triệu đồng, thu nhập từ nuôi bò sinh sản và thương phẩm trên 100 triệu đồng, lãi từ buôn bán thức ăn chăn nuôi công nghiệp là 50 triệu đồng.
Bên cạnh những thành tích đạt được trong sản xuất, kinh doanh, anh Lê Văn Danh còn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi heo, bò, trồng lúa, bưởi với những nông dân khác. Với kinh nghiệm nhiều năm chăn nuôi heo sinh sản, khi được nhờ anh Danh sẵn sàng đến nhà giúp đỡ những hộ nông dân chăn nuôi heo khi heo sinh khó.
Khi thấy ruộng lúa của các hộ nông dân khác có vấn đề về dịch bệnh, anh chủ động tập hợp các hộ đó lại cùng tìm hiểu dịch bệnh và phổ biến các phương pháp điều trị và phòng ngừa các bệnh trên lúa cho nông dân.
Anh Danh còn sẵn sàng tặng heo giống cho các hộ nghèo và cho vay vốn không tính lãi để xây chuồng khi Hội Nông dân xã vận động.
Hộ anh Nguyễn Văn Phước cư trú tại ấp Tây, xã Long Phước là hộ nghèo chuẩn quốc gia. Anh Phước muốn chăn nuôi heo sinh sản tại nhà nhưng không có vốn. Biết nguyện vọng của anh Phước, anh Danh đã tặng anh Phước 4 con heo giống và cho vay thêm 10 triệu đồng không tính lãi trong thời gian 36 tháng để anh Phước xây chuồng nuôi heo.
Anh Phước cho biết: Nhờ sự giúp đỡ tận tình của anh Danh, đến nay gia đình anh Phước đã thoát nghèo và có thu nhập gần trăm triệu/năm từ chăn nuôi heo sinh sản và trồng rau an toàn. Đến nay, anh Phước đã thoát nghèo, có điều kiện chăm lo cho các con ăn học.
Ngoài việc tặng con giống và cho các hộ nghèo vay vốn không tính lãi, anh Lê Văn Danh còn bán thức ăn chăn nuôi trả chậm cho các hộ nuôi heo trên địa bàn xã, có hộ lên đến 200 triệu đồng cho mỗi lứa heo.
Chị Nguyễn Thị Trinh ở ấp Phước Hữu, xã Long Phước là một trong nhiều hộ chăn nuôi heo mà anh Lê Văn Danh bán thức ăn chăn nuôi trả chậm. Chị Trinh chia sẻ: Gia đình chị chăn nuôi heo đã nhiều năm, lúc nào trong dãy chuồng của chị cũng có từ 100 con heo thịt trở lên. Năm 2020 đàn heo 120 con của chị bị dịch tả heo Châu Phi phải tiêu hủy, tiền thức ăn chăn nuôi nợ của anh Danh lên đến hơn 100 triệu đồng. Trước khó khăn khăn đó, anh Danh đã cho chị nợ lại tiền cũ không tính lãi, đến khi được Nhà nước hỗ trợ mới trả và tiếp tục bán thức ăn trả chậm cho chị để có điều kiện tiếp tục tái đàn.
Chị Trần Thị Lan ở ấp Phước Hữu, xã Long Phước cho biết thêm: Ở đây mọi người thường gọi anh Lê Văn Danh bằng anh Hai vì anh rất tốt. Vào tháng 11/2022, gia đình chị bán lứa heo được 180 triệu đồng nhưng do giá thức ăn tăng cao, giá heo thấp nên không có lãi. Nếu trả hết nợ tiền thức ăn chăn nuôi cho anh Danh thì không còn tiền đầu tư trồng dưa hấu vụ Tết. Anh Danh đã cho chị nợ lại một nửa tiền thức ăn đến khi thu hoạch dưa hấu thì trả hết. Nhờ có vốn, gia đình chị trồng 5.000m2 dưa hấu, thu lãi gần 50 triệu đồng bù vào chăn nuôi heo không có lãi.
Những lần gặp gỡ với Hội Nông dân xã anh Lê Văn Danh thường nói: "Gia đình tôi thuộc hộ nông dân khó khăn, nhờ sự giúp đỡ của Hội Nông dân xã nên mới vươn lên thành hộ khá. Tôi nghĩ mình phải có trách nhiệm giúp đỡ những nông dân khác còn khó khăn hơn mình. Các con tôi đã lớn và có việc làm ổn định nên tôi không còn lo lắng gì nhiều cho gia đình, con cái. Ngoài sản xuất, chăn nuôi tôi làm thêm nghề kinh doanh thức ăn công nghiệp, thu lời bao nhiêu tôi đều cất giữ để có hộ nuôi heo nào gặp khó khăn do thua lỗ, heo bị dịch bệnh không có tiền trả nợ thức ăn thì tôi cho nợ lại và dùng tiền tích lũy tiếp tục đầu tư, cung cấp thức ăn chăn nuôi cho hộ đó để họ có điều kiện tái đàn".
Với những thành tích đạt đượt trong sản xuất nông nghiệp, kinh doanh và nhiệt tình giúp đỡ người khác nên năm 2022 anh Lê Văn Danh được bình xét đạt danh hiệu "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi" cấp tỉnh và được UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tặng bằng khen.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.