Đây là lý do GDP Việt Nam từng vượt Singapore nhưng người dân Singapore giàu gấp 20 lần người Việt

Lê Trang Thứ hai, ngày 04/04/2022 07:23 AM (GMT+7)
Năm 2020 là lần đầu tiên Việt Nam vượt Singapore để trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 Đông Nam Á về GDP. Tuy nhiên, năm 2021, Singapore nhanh chóng lấy lại thứ hạng này nhờ tăng trưởng mạnh mẽ sau đại dịch. Một lý do nữa chứng minh tiềm lực của Singapore, đó là người dân Singapore giàu gấp 20 lần người Việt
Bình luận 0

GDP Việt Nam đuổi kịp Singapore

Singapore là quốc gia có nền kinh tế tự do với mức độ phát triển cao và được xếp hạng mở nhất thế giới. Quốc đảo nhỏ bé này xếp thứ 114 thế giới về dân số với 5,8 triệu dân nhưng quy mô nền kinh tế ước đạt 340 tỷ USD, đứng thứ 39 thế giới và thu nhập bình quân đầu người ước đạt 58.000 USD, xếp thứ 7 thế giới.

Trong khi đó, dân số Việt Nam xấp xỉ 100 triệu dân, xếp thứ 15 thế giới nhưng quy mô nền kinh tế mới đạt khoảng 343 tỷ USD, đứng thứ 37 thế giới, thu nhập bình quân đầu người của nước ta còn ở mức thấp (ước đạt khoảng 3.521 USD năm 2020), đứng thứ 120 trên thế giới. Xét về thu nhập bình quân, người Singapore đang "giàu" hơn người Việt Nam gần 20 lần.

Mặc dù Mỹ là quốc gia có số dân và số gia đình sở hữu tài sản trên 1 triệu USD, nhưng Singapore lại là nước dẫn đầu về số triệu phú trên thế giới. Hiện nay, cứ trung bình 100 số hộ gia đình ở Singapore thì có đến 7 hộ là triệu phú. Từ đó có thể thấy, với dân số hơn 5 triệu người, thì trong 100.000 người Singapore đã có tới hơn 10 người sở hữu số tài sản trị giá 100 triệu USD trở lên.

Đây là lý do GDP Việt Nam từng vượt Singapore nhưng người dân Singapore giàu gấp 20 lần người Việt - Ảnh 1.

So sánh GDP Việt Nam và Singapore. Nguồn WB

Năm 2020 là lần đầu tiên GDP Việt Nam vượt Singapore để trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 Đông Nam Á. Trước đó, năm 2019, Bloomberg dẫn một báo cáo của ngân hàng DBS Bank cho hay: "Kinh tế Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng khoảng 6-6,5% trong thập kỷ tới, nhờ nguồn vốn đầu tư nước ngoài mạnh và tăng trưởng năng suất trong những năm sắp tới. Nếu duy trì được tốc độ tăng trưởng này, nền kinh tế Việt Nam sẽ lớn hơn quy mô nền kinh tế Singapore sau 10 năm nữa". 

Nhưng bất ngờ là Việt Nam đã vượt qua Singapore về mặt quy mô kinh tế ngay một năm sau đó. Tuy nhiên trong năm 2021, Singapore nhanh chóng lấy lại thứ hạng này nhờ tăng trưởng mạnh mẽ sau đại dịch, trong khi nền kinh tế Việt Nam lại chịu ảnh hưởng nặng nề của làn sóng Covid-19 lần thứ 4. Năm nay, Việt Nam đang được kỳ vọng có thể lấy lại tốc độ tăng trưởng 6-7% như trước Covid-19, theo đó trở lại vị trí thứ 4 về quy mô nền kinh tế trong khu vực ASEAN.

Đây là lý do người dân Việt Nam "quá" nghèo so với Singapore

Tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào sự đóng góp của 3 yếu tố: Sự tăng thêm của vốn đầu tư phát triển; sự tăng thêm của số lượng lao động đang làm việc và sự tăng lên của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP). Nếu xét trên 3 yếu tố này thì Singapore có sự vượt trội so với Việt Nam trong đóng góp vốn vào nền kinh tế. 

Hiện Singapore là quốc gia có nguồn vốn FDI đầu tư ra nước ngoài lớn trên thế giới và quốc gia này đồng thời cũng được hưởng lợi từ dòng vốn FDI đến từ các nhà đầu tư và tổ chức trên toàn cầu nhờ có môi trường đầu tư hấp dẫn và chính trị ổn định. 

Theo Báo cáo đầu tư 2021 của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) vừa mới được công bố, Singapore vẫn nằm trong top 4 quốc gia thu hút nhiều FDI nhất thế giới trong khi Việt Nam mới chỉ khiêm tốn ở vị trí 19. Chưa kể Singapore hiện còn là quốc gia dẫn đầu trong danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 5,64 tỉ USD, chiếm gần 37% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Đây là lý do GDP Việt Nam từng vượt Singapore nhưng người dân Singapore giàu gấp 20 lần người Việt - Ảnh 2.

Đóng góp của Vốn, lao động và TFP vào tăng trưởng GDP Việt Nam các giai đoạn (Nguồn: TTXVN)

Mặc dù không có luật riêng về đầu tư nhưng Singapore là một trong số những quốc gia thành công nhất trong khu vực ASEAN về thu hút đầu tư nước ngoài có chất lượng. Thay vì ban hành một luật riêng, hoạt động đầu tư ở Singapore được điều chỉnh bởi các luật chung, chẳng hạn như luật chung về hợp đồng, luật công ty và các luật cụ thể theo ngành. Nhìn chung, không có sự phân biệt đối xử giữa đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước, ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt được quy định bởi luật cụ thể.

Chỉ tính riêng nửa đầu năm 2020, Singapore đã thu hút được khoảng 14,3 tỷ SGD các nguồn đầu tư vào tài sản cố định – tương đương với 95% tổng lượng đầu tư cam kết cho cả năm 2019. Con số 15,2 tỷ SGD Singapore đã thu hút được trong năm 2019 là mức cao nhất trong 7 năm qua.

Đây là lý do GDP Việt Nam từng vượt Singapore nhưng người dân Singapore giàu gấp 20 lần người Việt - Ảnh 3.

Đóng góp của Vốn, lao động và TFP vào tăng trưởng GDP so sánh giữa Việt Nam và các nước trong khu vực Đông Nam Á trong đó có Singapore

Mở cửa sâu rộng đã giúp tỷ trọng ngành dịch vụ đóng góp vào GDP Singapore tăng từ 24% vào năm 1985 lên hơn 70% năm 2017. Hàng loạt công ty đa quốc gia bắt đầu đặt trụ sở, chi nhánh khu vực tại Singapore. Hiện, Singapore được đánh giá là một trong những quốc gia có môi trường kinh doanh tốt nhất thế giới.

Các số liệu cho thấy tăng trưởng GDP Việt Nam và Singapore có điểm tương đồng với vai trò quan trọng của đóng góp vốn và công nghệ nhưng điều làm nên sự khác biệt của Singapore chính là đóng góp của lao động. 

Xu hướng tỷ trọng đóng góp của lao động vào tăng trưởng của Việt Nam trong các giai đoạn 2016-2019 có xu hướng giảm so với các giai đoạn trước đang gợi ý vấn đề về chất lượng lao động, nguồn nhân lực Việt Nam chưa cao dù lực lượng lao động trẻ và dồi dào nhưng trình độ tay nghề và chuyên môn kỹ thuật thấp, chưa đáp ứng cho định hướng phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

Đây là lý do GDP Việt Nam từng vượt Singapore nhưng người dân Singapore giàu gấp 20 lần người Việt - Ảnh 4.

Top 20 nền kinh tế thu hút FDI nhiều nhất thế giới. Nguồn TTXVN

Trong nền công nghiệp dịch vụ của Singapore có đến 50% người lao động nước ngoài; còn ngành công nghiệp xây dựng là 80%. Chủ trương "tiết kiệm sức lao động" của nhân lực trong nước do dân số ít và thu hút nhân lực chất lượng cao từ bên ngoài của Chính phủ Singapore đã có đóng góp to lớn trong sự phát triển vượt bậc của Singapore thời gian gần đây, giúp quốc gia này giữ vững vị trí cường quốc, là "Con rồng Châu Á". 

Chưa kể đến năng suất lao động của Việt Nam luôn nằm trong nhóm thấp nhất của Đông Nam Á trong khi đó Singapore lại ngược lại.   Tính theo giá so sánh năm 2010 của Bộ Lao động Thương binh Xã hội, năm 2018 năng suất lao động của Việt Nam bằng 1/30 lần Singapore, 

Những năm qua, năng suất lao động của Việt Nam dù đã thu hẹp nhưng khoảng cách vẫn còn rất lớn.  Nếu năm 2011, năng suất lao động của Singapore gấp năng suất lao động của Việt Nam 17,6 lần thì đến năm 2018 khoảng cách tương đối này giảm xuống tương ứng còn 13,7 lần. Tính theo sức mua tương đương (PPP 2011), NSLĐ mỗi giờ làm việc của Việt Nam khá thấp so với một số nước trong khu vực ASEAN. Năm 2015, con số này của Việt Nam chỉ đạt 4,4 USD, trong khi đó Singapore đạt mức NSLĐ theo giờ rất cao với 54,9 USD. Tức là cần tới hơn 12 người Việt Nam mới làm việc bằng một người Singapore.

"Điều này cho thấy nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức rất lớn trong thời gian tới để có thể bắt kịp mức năng suất lao động của các nước", Tổng cục Thống kê nhận định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem