Đây là tỉnh có số lượng đàn voi hoang dã nhiều thứ 2 cả nước, vô một khu rừng đụng voi đi lang thang
Đây là tỉnh có số lượng đàn voi hoang dã nhiều thứ 2 cả nước, vô một khu rừng đụng voi đi lang thang
Chủ nhật, ngày 03/03/2024 19:00 PM (GMT+7)
Là tỉnh công nghiệp, có tốc độ đô thị hóa cao nhưng Đồng Nai sở hữu quần thể voi hoang dã lớn thứ 2 cả nước. Điều này cho thấy công tác bảo vệ rừng, đa dạng sinh học được Đồng Nai đặc biệt coi trọng.
Là tỉnh công nghiệp, có tốc độ đô thị hóa cao nhưng Đồng Nai sở hữu quần thể voi hoang dã lớn thứ 2 cả nước. Điều này cho thấy công tác bảo vệ rừng, đa dạng sinh học được Đồng Nai đặc biệt coi trọng.
Tỉnh đang phối hợp với Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) và tổ chức Humane Society International (Tổ chức Quốc tế về bảo vệ động vật hoang dã, gọi tắt Tổ chức HSI) thực hiện Chương trình thí điểm bảo tồn voi theo hướng chung sống hài hòa.
Đồng Nai có quần thể voi hoang dã lớn thứ 2 cả nước với khoảng 25-27 cá thể. Đây là thông tin được Tổng cục Lâm nghiệp đưa ra tại hội thảo Đánh giá kết quả 1 năm Chương trình thí điểm bảo tồn voi theo hướng chung sống hài hòa do Cục Lâm nghiệp, UBND tỉnh và Tổ chức HSI phối hợp tổ chức vào cuối tháng 8-2023.
Tại hội thảo trên, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo cho biết, Đồng Nai là tỉnh có đàn voi hoang dã lớn, có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho công tác bảo tồn loài động vật này. Bên cạnh đó, chính quyền tỉnh rất quan tâm đến công tác bảo vệ rừng, đa dạng sinh học và môi trường nói chung. Chính vì những điều này, Cục Lâm nghiệp đã chọn Đồng Nai cùng 3 địa phương khác thực hiện chương trình thí điểm.
Sau hơn 1 năm triển khai, cả 4 mục tiêu ban đầu đều đạt được, đó là: bảo tồn, phát triển bền vững quần thể voi hoang dã; khôi phục bảo vệ nguồn gen động vật, thực vật quý hiếm và đa dạng sinh học trong vùng sinh cảnh của voi; ngăn chặn, phòng ngừa hiệu quả xung đột giữa voi và người; tăng cường hợp tác thực thi pháp luật, kiểm soát các hoạt động buôn bán vận chuyển trái phép ngà voi.
Theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai, đơn vị trực tiếp thực hiện chương trình, những năm gần đây, nhờ các giải pháp như: đầu tư hàng rào điện, làm các chảo nước và bổ sung khoáng cho voi tắm và uống, xây dựng chòi canh và lập tổ xung kích tuyên truyền mà số lượng cá thể voi tăng, trong cơ cấu đàn có voi bố, voi mẹ, voi con; tính nghiêm trọng của các vụ xung đột giữa voi và người giảm.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho hay, Đồng Nai ưu tiên và dành nhiều nguồn lực cho công tác bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của cả khu vực.
Đồng thời, tỉnh tích cực thực hiện và hưởng ứng chủ trương phát triển kinh tế phải hài hòa với thiên nhiên, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế và điều này được thể hiện trong Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 13-4-2022.
Đối với công tác bảo tồn voi, tỉnh đã triển khai nhiều dự án, đáng chú ý là 2 dự án Khẩn cấp bảo tồn voi tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2014-2020 và Đầu tư xây dựng một số hạng mục tiếp theo bổ sung dự án Khẩn cấp bảo tồn voi tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2014-2020. Nhờ vậy, tỉnh có quần thể voi hoang dã lớn thứ 2 cả nước, số lượng các loài động, thực vật khác cũng rất lớn.
Đồng Nai đã và đang áp dụng 5 biện pháp hướng đến chung sống hài hòa với voi rừng, đó là: xây dựng 75km hàng rào điện để hạn chế voi ra khỏi rừng; đào 6 chảo nước, cấp muối khoáng để voi có nước uống và tắm; xây 3 chòi quan sát voi; đầu tư 8 bảng tuyên truyền, cảnh báo voi; thành lập 8 tổ, đội phản ứng nhanh để xua đuổi voi rừng xâm hại.
Hướng đến chung sống hài hòa
Hiện nay, voi hoang dã là động vật nằm trong nhóm có nguy cơ tuyệt chủng trước các tác động của thiên nhiên và con người.
Để có dữ liệu đầy đủ về số lượng cá thể, nhu cầu, tập tính, vùng sống và hoạt động, trên cơ sở đó có cách tiếp cận phù hợp, bảo tồn và tăng đàn, có biện pháp giảm thiểu xung đột voi - người, năm 2022, Đồng Nai đã phối hợp với Cục Lâm nghiệp, Tổ chức HSI triển khai chương trình thí điểm nói trên.
Giám đốc Quốc gia của Tổ chức HSI Việt Nam Thẩm Hồng Phượng cho rằng, xung đột voi - người trong cùng một môi trường sống là điều khó tránh khỏi. Xung đột này sẽ nghiêm trọng hơn khi con người áp dụng các biện pháp răn đe, hăm dọa hoặc bạo lực với voi.
Dữ liệu nghiên cứu được từ chương trình thí điểm sẽ giúp con người hiểu biết thêm về các đặc điểm, hành vi, phạm vi và thói quen của từng con voi cụ thể, từ đó xây dựng các giải pháp phù hợp và khả thi nhằm cải thiện mối quan hệ voi - người.
Voi rừng hoang dã tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai
Ông Ngô Văn Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai cho biết, thời gian tới chi cục sẽ tiếp tục theo dõi, giám sát sự dịch chuyển của đàn voi để có phương án bổ sung nguồn thức ăn, nước uống, tạo môi trường sống tốt cho voi.
Cùng với đó, phục hồi và phát triển rừng tạo sinh cảnh cho voi, ngăn chặn nạn săn bắn voi lấy ngà. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân biết cách chung sống hài hòa với thiên nhiên.
Theo ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, những dữ liệu khoa học từ chương trình thí điểm tại Đồng Nai và một số tỉnh sẽ giúp ích rất nhiều cho việc xây dựng các quyết sách của địa phương và Trung ương trong bảo tồn quần thể voi.
Ông Bảo đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan tiếp tục nghiên cứu, cập nhật bổ sung, điều chỉnh các giải pháp phù hợp để bảo tồn và phát triển bền vững quần thể voi hiện có tại Đồng Nai. Nghiên cứu áp dụng các quy trình, giải pháp, hoạt động bảo tồn voi tại Đồng Nai để nhân rộng cho các tỉnh có voi.
Cùng với đó, kêu gọi các tổ chức trong nước và quốc tế hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính cho hoạt động bảo tồn voi. Nghiên cứu đề xuất hoàn thiện cơ chế chính sách và xây dựng kế hoạch hành động bảo tồn voi giai đoạn 2024-2034 và tầm nhìn đến 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.