Đây là những công nghệ mũi nhọn mà Trung Quốc "chiến" với Mỹ

Thứ sáu, ngày 12/03/2021 08:37 AM (GMT+7)
Khi Trung Quốc đang phải cạnh tranh quyết liệt với Mỹ để giành ngôi siêu cường về đổi mới sáng tạo, chính phủ nước này đang hướng tới việc thúc đẩy nghiên cứu và tự chủ các "công nghệ mũi nhọn", trong đó bao gồm cả điện toán lượng tử và công nghệ bán dẫn.
Bình luận 0

Trong cuộc họp thứ Sáu tuần trước, thủ tướng Trung Quốc ông Lý Quốc Cường cho biết, chính phủ nước này sẽ gia tăng chi tiêu cho nghiên cứu phát triển thêm 7% trong giai đoạn từ 2021 đến 2025, với mục tiêu theo đuổi "các đột phá quan trọng" về công nghệ.

Trong vài năm qua, hàng loạt người khổng lồ công nghệ Trung Quốc như Huawei và SMIC, liên tiếp phải hứng chịu các đòn trừng phạt từ chính phủ Mỹ và đang trở nên lao đao trong việc duy trì hoạt động của mình. Chính vì vậy, điều này đang thúc giục Trung Quốc tăng cường nỗ lực kích thích các ngành công nghệ trong nước như bán dẫn, để trở thành các mũi nhọn chiến lược cho tăng trưởng trong tương lai.

Dưới đây là 7 công nghệ mũi nhọn sẽ được Trung Quốc ưu tiên đầu tư nghiên cứu phát triển trong 5 năm tới để cạnh tranh với Mỹ.

1. Trí tuệ nhân tạo

Thất đại vũ khí của Trung Quốc để chạy đua công nghệ với Mỹ - Ảnh 1.

Trung Quốc dự định tập trung vào phát triển các chip đặc thù cho những ứng dụng AI cũng như các thuật toán mã nguồn mở hỗ trợ nó. Công nghệ mã nguồn mở thường được phát triển bởi một thực thể và sau đó cấp phép cho các công ty khác.


Kế hoạch này cũng nhấn mạnh đến kỹ thuật máy học trong những lĩnh vực như công nghệ ra quyết định. Máy học là việc phát triển các chương trình AI bằng cách huấn luyện với khối lượng dữ liệu khổng lồ. Càng nạp nhiều dữ liệu, chương trình càng học tốt hơn cũng như càng trở nên thông minh hơn.

Trí tuệ nhân tạo là một lĩnh vực mà cả Trung Quốc và Mỹ đang chạy đua tranh giành vị thế thống trị. Một nhóm các chuyên gia công nghệ, đứng đầu bởi cựu CEO Google, ông Eric Schmidt từng cảnh báo rằng, Trung Quốc sẽ sớm thay thế Mỹ trở thành "siêu cường về AI".

2. Điện toán lượng tử

Điện toán lượng tử hay máy tính lượng tử là khái niệm hoàn toàn khác với các máy tính mà chúng ta sử dụng ngày nay. Chúng hứa hẹn hỗ trợ cho việc đạt được các mục tiêu tham vọng trong khoa học và công nghệ mới như tạo ra loại thuốc mới, hay vật liệu mới hiệu quả hơn.

Thất đại vũ khí của Trung Quốc để chạy đua công nghệ với Mỹ - Ảnh 2.

Một mẫu máy tính lượng tử

Điện toán lượng tử đang được xem như một mặt trận cạnh tranh quyết liệt khác giữa Mỹ và Trung Quốc.

3. Các mạch bán dẫn tích hợp

Bán dẫn là một lĩnh vực quan trọng đối với Trung Quốc hiện nay và cũng là lĩnh vực đang được đầu tư nhiều tiền của trong những năm vừa qua nhưng quốc gia này vẫn đang chật vật để đuổi kịp các quốc gia đi đầu như Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.


Vấn đề nằm ở mức độ phức tạp trong chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp bán dẫn. Hãng TSMC và Samsung là hai trong số các nhà sản xuất chip tiên tiến nhất hiện nay nhưng họ đều dựa vào các công nghệ của Mỹ và châu Âu. Một lệnh cấm từ chính phủ Mỹ có thể làm gián đoạn hoàn toàn chuỗi cung ứng này cho Trung Quốc.

Thất đại vũ khí của Trung Quốc để chạy đua công nghệ với Mỹ - Ảnh 3.

Cho đến nay, hai người khổng lồ công nghệ Trung Quốc là Huawei và SMIC đều đã bị đưa vào Danh sách Thực thể của Mỹ và bị hạn chế xuất khẩu hàng công nghệ. Hơn nữa, hãng ASML của Hà Lan, nhà sản xuất máy khắc chíp tiên tiến nhất hiện nay, cũng bị gây áp lực dừng cung cấp công cụ cho hãng SMIC, khiến hãng này càng khó bắt kịp các đối thủ.

Do vậy, trong kế hoạch 5 năm lần này của mình, nước này sẽ tập trung vào nghiên cứu và phát triển các công cụ thiết kế mạch tích hợp, các trang thiết bị và các vật liệu quan trọng đối với lĩnh vực này.

4. Khoa học não bộ

Không chỉ nghiên cứu các lĩnh vực nhằm ngăn chặn và giảm thiểu các bệnh về não bộ, Trung Quốc còn đặt kế hoạch nghiên cứu "điện toán não bộ" cũng như "công nghệ kết hợp máy tính và não bộ". Kế hoạch 5 năm của chính phủ nước này không cho biết chi tiết các sản phẩm từ lĩnh vực này sẽ trông như thế nào khi xuất hiện.

Tuy nhiên, công trình tương tự cũng đang được triển khai tại Mỹ với công ty Neuralink của tỷ phú Elon Musk. Công ty của ông nghiên cứu về việc cấy ghép các giao diện não – chip bên dưới da nhằm kết nối con người và máy tính.

5. Công nghệ sinh học và công nghệ gien

Thất đại vũ khí của Trung Quốc để chạy đua công nghệ với Mỹ - Ảnh 4.

Với đợt bùng phát dịch Covid-19 từ năm ngoái đến hiện tại, công nghệ sinh học đang ngày càng trở nên quan trọng hơn. Chính vì vậy, trong kế hoạch 5 năm mới được thông qua của mình, Trung Quốc cho biết sẽ tập trung vào "các loại vắc xin đổi mới" và "nghiên cứu về an ninh sinh học."

6. Y học lâm sàng và sức khỏe

Trong thời gian tới đây, các nghiên cứu của Trung Quốc sẽ tập trung vào việc tìm hiểu sự tiến triển của ung thư, các bệnh tim mạch, hô hấp và chuyển hóa. Chính phủ nước này cũng cho biết, họ sẽ nghiên cứu các công nghệ chữa trị "tiên tiến" như y học tái tạo. Các công trình này liên quan đến các loại thuốc có thể mọc lại hoặc sửa chữa các tế bào, mô và nội tạng bị hỏng.

Trung Quốc cũng cho biết họ đang tìm kiếm các công nghệ quan trọng cho việc ngăn chặn và chữa trị những căn bệnh lây truyền nguy hiểm.

7. Nghiên cứu không gian, đáy biển, lòng trái đất và các vùng cực

Thất đại vũ khí của Trung Quốc để chạy đua công nghệ với Mỹ - Ảnh 5.

Cho đến gần đây, khám phá không gian vẫn là một lĩnh vực ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc. Bắc Kinh cho biết, họ sẽ tập trung vào nghiên cứu "nguồn gốc và tiến hóa của vũ trụ", khám phá Sao Hỏa cũng như dưới đáy biển sâu và các vùng cực.

Trong tháng 12 vừa qua, một tàu vũ trụ của Trung Quốc đã trở về Trái Đất với các mẫu đá từ Mặt Trăng. Đây là lần đầu Trung Quốc phóng một tàu vũ trụ ra ngoài Trái Đất và thu thập được mẫu đá trên Mặt Trăng. Tháng Ba vừa qua, một sứ mệnh Sao Hỏa của Trung Quốc có tên gọi Tianwen-1 đã đến đích.

Tham khảo CNBC

Nguyễn Hải (Theo Pháp luật và Bạn đọc)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem