Dạy nghề cho lao động nông thôn: Dựa vào thế mạnh địa phương

Nguyệt Tạ Thứ năm, ngày 07/11/2019 10:58 AM (GMT+7)
Tuyên Quang mặc dù là địa bàn vùng núi, kinh tế còn khó khăn nhưng nhiều năm nay nhờ làm tốt công tác dạy nghề dựa vào thế mạnh của địa phương mà tại nhiều nơi đã hình thành nên vùng sản xuất hàng hóa tập trung, cho chuỗi giá trị sản phẩm cao. Điển hình là vùng sản xuất cây ăn quả ở huyện Yên Sơn (Tuyên Quang).
Bình luận 0

Đổi thay nhờ học nghề

Về thôn Khuôn Thống (Phúc Ninh, Yên Sơn, Tuyên Quang) hôm nay không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay da đổi thịt, giàu có của người dân nơi đây. Thay cho những dãy nhà tôn mái tranh như trước đây, giờ đây người dân đã xây những ngôi nhà tầng khang trang, thậm chí là những căn biệt thự bao quanh bởi những trang trại kiểu mẫu. Yên Sơn có được sự đổi thay ấy là nhờ chính quyền địa phương và nông dân đã làm tốt công tác dạy ngề học nghề.

Anh Nguyễn Đăng Thuận (44 tuổi) ở thôn Khuôn Thống là một trong 33 nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của toàn xã Phúc Ninh, cũng từng là học sinh xuất sắc của lớp học nghề Trồng cây ăn quả. Anh Thuận kể lại, năm 2017 anh cùng với 30 lao động khác trong xã được tham gia lớp dạy nghề trồng cây ăn quả.

img

Sau học nghề anh Thuận đã ứng dụng được các kiến thức vào sản xuất cây trồng cho thu nhập cao

Chỉ trong 3 tháng, lao động ở đây đã học được rất nhiều kỹ thuật về nhân giống, cấy ghép, chiết cành, bón phân thúc cây, cách sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu....  kết thúc lớp học anh đã áp dụng những kiến thức và kỹ thuật mới vào sản xuất, góp phần tăng năng suất cây trồng, tăng thu nhập cho gia đình.

“Sau kết thúc khóa học, mình sử dụng được nhiều kiết thức về quy trình bón phân, cách thức cấy, ghét cây và đặc biệt cách thức xử lý sâu bệnh, phun thuốc đúng tiêu chuẩn VietGap để chăm sóc nên mang lại sản phẩm chất lượng cao, cho giá trị kinh tế tốt” – anh Thuận nói.

Hiện nay, anh đang tiếp tục nhân rộng và phát triển 2,7 héc ta trồng bưởi ngọt, bưởi da xanh, bưởi đường. Ngoài ra, 1 héc ta cam Vinh được anh gieo trồng cũng bắt đầu cho thu hoạch. Theo tính toán, một năm trừ chi phí mô hình trồng cây ăn quả từ gia đình cũng mang về cho gia đình anh khoảng 300-400 triệu đồng/năm.

Nói về thành công của chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn, ông Nguyễn Đức Quân – Chủ tịch Hội nông dân xã Phúc Ninh cho rằng đó là thành quả  của việc xây dựng chiến lược dạy nghề dựa trên thế mạnh kinh tế chủ lực của địa phương.

“Từ lâu địa phương đã xác định thế mạnh kinh tế của địa phương là làm nông nghiệp, đặc biệt là trồng trọt. Tuy nhiên, do không được đầu tư, hỗ trợ nên trước đây bà con trồng cây ăn quả theo kiểu tự phát manh mún. Từ năm 2016, khi chính quyền có chủ trương quy hoạch thành vùng sản xuất cây ăn quả theo hướng hành hóa thì vùng trồng cây ăn quả ở Phúc Ninh (Yên Sơn) mới được phát triển. Kể từ đó, địa phương cũng mới xây dựng chiến lược dạy nghề cho lao động nông thôn dựa trên thế mạnh địa phương có được” – ông Quân nói.

Cũng theo ông Quân trước đây, bà con ở Phúc Ninh chỉ tham gia lớp tập huấn, nhưng từ năm 2016 trở về đây, thay vì tập huấn kỹ thuật, địa phương phối hợp với các trường nghề mở nhiều lớp dạy nghề sơ cấp cho bà con, trung bình mỗi năm năm mở 2-3 lớp dạy nghề. Các lớp dạy nghề chủ yếu dạy bà con về kỹ thuật gieo trồng mới, hoặc dạy về kỹ năng sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm...

Ông Quân cho biết, hiện nay toàn xã có hơn 1.440 hộ thì có tới gần 1.000 hộ trồng cây ăn quả và có tới hơn 60% lao động trong hộ từng được tập huấn kỹ thuật hoặc được dạy nghề. Nhờ trồng cây ăn quả mà đời sống bà con giàu có lên trông thấy, thu nhập hộ không dưới 300 triệu đồng/trên một hộ, nhiều hộ doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng. Chương trình dạy nghề cho lao động thực sự đã tạo nên sự thay đổi cả về chất và lượng cho vùng quê này.

Dạy nghề để mở rộng vùng chuyên canh

Ông Đinh Văn Hậu – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) cho biết, từ lâu Yên Sơn đã được biết đến với một vùng trồng cây ăn quả rộng lớn. Tuy nhiên, do chưa khai thác hết thế mạnh nên đời sống kinh tế của bà con còn gặp nhiều khăn. Thế nhưng, từ năm 2016 trở về đây nhờ làm tốt công tác quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa trồng cây ăn quả, kết hợp với dạy nghề cho lao động nông thôn nhằm tăng cường kiến thức kỹ thuật cho bà con nên những thế mạng của địa phương ngày càng được phát huy.

img

Hiện nay, toàn huyện có hơn 3.000 héc ta cây ăn quả (chủ yếu là cam, bưởi), trong đó có hơn 1.000 héc ta cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, ổn định. Để phát triển hơn nữa thế mạnh vốn có, từ đầu năm 2019 tới nay huyện đã kết hợp với nhiều đơn vị tổ chức mở 17 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn. 90% trong tổng số lớp là dạy nghề trồng trọt cây ăn quả.

“Các mô hình dạy nghề nông nghiệp theo hướng sản xuất hữu cơ, VietGap được nhiều nông dân lựa chọn, đăng ký theo học. Tiếp đến là các lớp về chăn nuôi thú y. 100% các lớp dạy nghề đều được xây dựng dựa trên nhu cầu người học và thế mạnh của địa phương” – ông Hậu nói.

Điều đáng nói là nông dân ở Yên Sơn, không chỉ được hỗ trợ học nghề, sau học nghề bà con còn được kết nối để vay vốn phát triển sản xuất, và hỗ trợ bao tiêu, giới thiệu sản phẩm cây ăn quả qua hợp tác xã, các buổi xúc tiến thương mại tại địa phương và cả ở các tỉnh thành phố khác như: Hà Nội, Hải Phòng...

Bà Nguyễn Thị Vĩnh An – Phó chủ tịch Hội Nông dân – GĐ Trung tâm dạy nghề Nông dân tỉnh Tuyên quang cho biết, từ 5 năm trở lại đây hoạt động dạy nghề của trung tâm đã được chuyển đổi một cách mạnh mẽ, bám sát nhu cầu của thị trường và thế mạnh của địa phương.

“Giờ đây không phải là dạy cái mình có mà phải dạy cái mà nông dân cần. Theo đó, một yêu cầu tiên quyết là phải dạy nghề dựa trên những thế mạnh của địa phương, giúp nông dân phát huy thế mạnh đó để phát triển kinh tế làm giàu. Nếu dạy nghề mà đơn điệu, kiến thức cũ thì nông dân sẽ không hào hứng theo học” – bà An nói.

Cũng theo bà An và ông Hậu thì thời gian tới Hội nông dân các cấp ở Tuyên Quang vẫn sẽ tiếp tục bám sát nhu cầu của người học và xu hướng, thế mạnh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để xây dựng các chương trình đào tạo nghề phù hợp.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật kiến thức, kỹ thuật mới vào để dạy nghề cho bà con, nhằm phát triển tiếp những thế mạnh của địa phương nhằm tiếp tục mở rộng vùng chuyên canh về cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao hoặc vùng nuôi trồng bò, dê... theo hướng hàng hóa. Thay vì dạy kỹ thuật đơn thuần, chúng tôi sẽ dạy nông dân cách sản xuất theo chuỗi, cách kết nối các nguồn lực từ kinh tế, vốn, kỹ thuật, tới thị trường, khách hàng, đầu mối bao tiêu... để tạo ra những sản phẩm chất lượng không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn có thể xuất khẩu đi quốc tế” – bà An nói.

“6 tháng đầu năm hội đã tuyển sinh đào tạo cho 525 học viên tại các xã xây dựng nông thôn mới, cụ thể hoạt động đào tạo tập trung vào các ngành nghề trong chương trình “mỗi xã một sản phẩm” và liên kết chuỗi giá trị phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp. Hiện Hội Nôgn dân tỉnh đã khai giảng 4 lớp dạy nghề với 140 học viên tham gia. Hội Nông dân các huyện, xã đã phối hợp tổ chức được 12 lớp dạy nghề cho 464 học viên tham gia. Ngoài gia chương trình hỗ trợ sau đào tạo nghề và chuyển giao khoa học công nghệ thông qua hỗ trợ mô hình trồng nấm sò tại thôn Thăng Long 2 xã An Tường, kết quả sản xuất được hơn 5.000 bịch nấm sò và hơn 150.000 cây keo hạt giống Úc”.

Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem