Dạy nghề cho lao động nông thôn: Vừa dạy nghề vừa hỗ trợ lập mô hình sản xuất

Hải Đăng Thứ ba, ngày 12/11/2019 15:59 PM (GMT+7)
Khảo sát nhu cầu học nghề, chọn nghề mới, sắp xếp công việc sẵn... là phương pháp mà các cấp Hội Nông dân (ND) tỉnh Hải Dương đã và đang áp dụng rất thành công để giúp đỡ học viên, nông dân trước, trong và sau học nghề.
Bình luận 0

Chủ động hỗ trợ sớm

Để nâng cao hiệu quả của công tác đào tạo nghề, nhiều năm qua, tỉnh Hải Dương đã chủ động đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ tìm kiếm việc làm, mở rộng mô hình sản xuất sau dạy nghề, tạo điểm tựa vững chắc giúp người lao động vận dụng kiến thức được học, phát huy tối đa khả năng, sức sáng tạo.

Gần 6 năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã và đang được tỉnh Hải Dương đặc biệt quan tâm, với hơn 340 lớp dạy nghề đã được tổ chức cho gần 12.000 người, tạo việc làm cho hơn 10.000 lao động. Cụ thể, từ năm 2013 đến nay, Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh (Hội ND tỉnh Hải Dương) là đơn vị đi đầu trong công tác đào tạo nghề khi trực tiếp tổ chức 177 lớp nghề, cấp chứng chỉ cho 6.185 người.

img

Bà con nhiều vùng của Hải Dương có thu nhập cao nhờ nuôi trồng thủy sản. Ảnh Hải Đăng 

Các cấp Hội ND trong tỉnh cũng phối hợp tổ chức 164 lớp dạy nghề cho 5.780 người. Các lớp dạy nghề được tiến hành trong 2 - 3 tháng, số lượng 35 - 40 người/lớp. Hoạt động dạy và học đi vào nề nếp, bài bản; trang thiết bị được đầu tư..., giúp chất lượng đào tạo được nâng cao.

Bà Phạm Thị Thanh Tâm - Chủ tịch Hội ND tỉnh Hải Dương cho hay, việc được đầu tư cơ sở vật chất theo Quyết định số 673 của Thủ tướng Chính phủ giúp Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh có điều kiện hoạt động chặt chẽ, bài bản theo đúng chức năng nhiệm vụ được giao. Hoạt động hỗ trợ nông dân phát triển hơn so với giai đoạn trước.

Cũng theo bà Tâm, cùng với việc được hỗ trợ các sản phẩm vật tư nông nghiệp, nhiều học viên mạnh dạn áp dụng các kiến thức vào thực tế mô hình sản xuất theo hướng tạo ra các sản phẩm an toàn, bảo đảm chất lượng. Ðối với học viên nghề may công nghiệp, sau khóa học, có kỹ năng tay nghề và được giới thiệu vào các công ty, doanh nghiệp với mức thu nhập ổn định từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Hiệu quả nhanh

“Sự đầu tư thích đáng cho công tác dạy và học đã và đang mang lại những kết quả ấn tượng sau quá trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn” - bà Phạm Thị Thanh Tâm đánh giá. Cụ thể, đến nay đã có 38 tổ, nhóm liên kết nuôi trồng thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi được hỗ trợ thành lập sau khi các lớp dạy nghề kết thúc. Bên cạnh đó, Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh còn thường xuyên phân công cán bộ, giáo viên về tổ chức các chương trình tập huấn, tư vấn kỹ thuật, cung ứng vật tư đầu vào cho thành viên các câu lạc bộ, tổ nhóm liên kết.

“Nhờ có kiến thức sau học nghề và sự giúp đỡ của cán bộ Hội ND xã, Hội ND huyện, đến nay, chúng tôi đã tự tin làm ăn và mạnh dạn áp dụng các công nghệ mới vào nuôi cá và đạt hiệu quả kinh tế cao, thu hàng trăm triệu đồng/năm”

Ông Ðỗ Văn Thực

Đến nay, các cơ quan đào tạo nghề của tỉnh cũng hỗ trợ thành lập 4 HTX, 292 tổ hợp tác, với 116 mô hình trồng trọt, 34 mô hình chăn nuôi,... Các HTX, tổ hợp tác, nhóm liên kết được hưởng các chính sách hỗ trợ thiết thực về vốn vay, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, vật tư, dịch vụ nông nghiệp. Có thể kể đến các mô hình điển hình như: Tổ hợp tác rau an toàn xã Đoàn Thượng (huyện Gia Lộc), HTX thủy sản xã Hùng Thắng (huyện Bình Giang), HTX nuôi cá lồng xã Nam Tân (huyện Nam Sách),… Các mô hình này đều cho hiệu quả cao về cả chất và lượng, giúp nhiều học viên có thu nhập cao sau học nghề.

Với đặc điểm vùng đất trũng trồng lúa không hiệu quả, năm 2004, bà con nông dân các xã trong huyện Gia Lộc đã chuyển đổi từ lúa sang nuôi trồng thủy sản. Từ đó, các CLB được thành lập và hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, tạo điều kiện để hội viên giúp nhau phát triển kinh tế sau học nghề.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Ðỗ Văn Thực - thành viên CLB nuôi thủy sản thôn Phương Bằng, xã Hồng Hưng (Gia Lộc) cho hay: “Nhờ có kiến thức sau học nghề và sự giúp đỡ của cán bộ Hội ND xã, Hội ND huyện, đến nay, chúng tôi đã tự tin làm ăn và mạnh dạn áp dụng các công nghệ mới vào nuôi cá và đạt hiệu quả kinh tế cao, thu hàng trăm triệu đồng/năm”.

Theo chia sẻ của ông Thực, sau khi học nghề và tìm hiểu thêm, ông và bà con ở trong huyện đã đầu tư máy sục khí, tăng nguồn ôxy và điều tiết giảm bớt lượng thức ăn giúp cho đàn vật nuôi của bà con luôn khỏe, đạt chất lượng cao... Để chứng thực điều đó, ông Thực đã kéo mẻ cá rô phi Thái Lan - một loại cá mới được nhập vào nước ta. "Chỉ sau gần 3 tháng nuôi, mỗi con đạt xấp xỉ 0,8kg. Khu chăn nuôi của tôi trở thành điểm đến của các thành viên trong CLB và khu vực lân cận đến tham quan, trao đổi kinh nghiệm" - ông Thực nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem