Dạy nghề cho trẻ khuyết tật: Cần kỹ năng, tình thương và trách nhiệm

Thứ năm, ngày 07/03/2013 08:44 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Để tạo dựng cuộc sống lâu dài và bền vững cho trẻ khuyết tật, phải giúp cho các em có được một nghề trong tay” - đó là quan điểm của chị Dương Thị Sáu - Giám đốc Doanh nghiệp May Sáu Toản ở xóm 2, xã Yên Thắng, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.
Bình luận 0

Năm 2006 khi chị Sáu thành lập doanh nghiệp may, Trung tâm Dạy nghề huyện Yên Mô đặt vấn đề chị mở lớp dạy nghề cho trẻ khuyết tật (TKT) và lao động nông thôn. Không một chút ngần ngại, chị nhận ngay.

img
Em Nguyễn Thị Bình sau khi học nghề được cơ sở may Sáu Toản nhận vào làm việc.

Người khuyết tật không còn là gánh nặng

Được sự hỗ trợ kinh phí và cơ sở vật chất máy móc từ Tổ chức thế giới CRS và Sở LĐTBXH, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, Phòng Công Thương, UBND, Trung tâm Dạy nghề huyện Yên Mô… từ năm 2006 đến nay, chị Sáu đã tổ chức dạy nghề cho hơn 50 trẻ khuyết tật và gần 100 lao động nông thôn. Chị Sáu chia sẻ: Dạy nghề cho TKT, tôi đã gặp không ít khó khăn. Để may được đường cơ bản, các em phải mất 1 tháng, có em chật vật 2 -3 tháng. Chưa kể khi thời tiết thay đổi, các em mệt mỏi phải tạm dừng công việc. Tính tình của các em cũng khác với người bình thường, trình độ văn hóa lại kém.

Mặc dù rất thương các em nhưng trong giờ làm việc, tôi rất nghiêm khắc, em nào làm sai, tôi bắt phải tháo ra làm lại bằng được. Tôi cầm tay chỉ việc, uốn nắn tận tình cho các em, những em nào ở ngoài địa bàn xã, tôi hỗ trợ tiền ăn, ở sinh hoạt tại chỗ... “Có nhiều người hỏi tôi bí quyết gì mà dạy và tạo việc làm tốt cho TKT, tôi nói ngay có 3 yếu tố, đó là phải có kỹ năng, có tình thương và trách nhiệm, phải có tính kiên trì và chịu khó. Tôi nghĩ rằng nếu ai muốn dạy nghề cho TKT mà không có 3 yếu tố này thì sẽ khó thành công” - chị Sáu nói.

Theo ông Nguyễn Phong Phú - Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Ninh Bình cho biết:

“Chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ Doanh nghiệp May Sáu Toản về vốn và hỗ trợ dạy nghề, nhưng đào tạo nghề cho người khuyết tật đã khó, mà tạo công ăn việc làm và tiếp cận thị trường cho sản phẩm mà họ làm ra còn quá nhiều rào cản”.

Dạy nghề cho TKT đã khó, tạo công ăn việc làm cho họ còn khó gấp bội. Theo chị Sáu, nhiều lúc giao hàng, chị đã chảy nước mắt vì khách hàng thể hiện chưa thông cảm và tin tưởng vào tay nghề của các em. Họ nói những lời vô cảm, coi thường TKT...

Các em được chị Sáu nhận vào làm việc thuộc nhiều dạng khuyết tật khác nhau như câm điếc, khuyết tật vận động, thiểu năng trí tuệ..., nhưng các em đều được bố trí công việc phù hợp. Như trẻ bị câm điếc thì chị cho các em may vì các em rất khéo tay; các em khuyết tật vận động ở chân thì làm cắt; trẻ thiểu năng trí tuệ thì làm đính cúc, vắt sổ...

Lương người làm kém khoảng 1 triệu đồng/tháng, người làm giỏi gần 2 triệu đồng. Một số em trước đây còn là “gánh nặng” của gia đình và xã hội thì từ khi được chị Sáu nhận vào làm đã kiếm được tiền giúp đỡ bố mẹ nuôi em ăn học, như em Đinh Văn Miền ở thôn Vân Thượng; em Nguyễn Thị Bình ở xóm 3, em Lê Thị Hiền ở xóm 2, em Phạm Thị Hương ở thôn Yên Hòa, xã Yên Thắng.

Còn nhiều rào cản

Luật Người khuyết tật (có hiệu lực từ 1.1.2011) quy định các cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% lao động trở lên là người khuyết tật được hỗ trợ cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp với người khuyết tật; được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp; được vay vốn với lãi suất ưu đãi, được ưu tiên cho thuê đất, mặt bằng và miễn, giảm tiền thuê đất, mặt bằng phục vụ sản xuất, kinh doanh... Nhưng thực tế, doanh nghiệp của chị Sáu vẫn chưa được hưởng những ưu đãi này.

“Tôi muốn mở rộng để làm xưởng lớn, thu hút đào tạo được nhiều TKT và lao động nông thôn, nhưng vốn đầu tư ít, đơn đặt hàng cũng kém vì trong xã hội vẫn còn có sự phân biệt đối xử với người lao động khuyết tật, nên không ai muốn thuê họ làm” - chị Sáu tâm sự.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem