|
Dạy nghề sửa chữa ô tô. |
Xác định được hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng
Muốn xác định đúng nhu cầu học nghề trong nông nghiệp thì điều quan trọng nhất là phải nắm được các định hướng quy hoạch, chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Ba Vì có truyền thống sử dụng cây thuốc Nam lâu đời, nghề trồng cây thuốc Nam cũng được phát triển mạnh tại địa phương.
UBND huyện đã có quy hoạch phát triển vùng trồng cây thuốc Nam, tạo vùng nguyên liệu cho các công ty dược phẩm trong nước. Vì vậy, khi đề xuất tổ chức các lớp học nghề trồng cây thuốc Nam, bà con trong vùng rất ủng hộ. Đến nay, huyện Ba Vì chúng tôi đã tổ chức được 7 lớp, với trên 270 học viên.
Để nghề được phục hồi và phát triển, chúng tôi đã nhân rộng và tổ chức đào tạo theo quy trình nhằm nâng cao tay nghề cho học viên, nâng cao y đức, y thuật. Bên cạnh đó, chúng tôi còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động bà con nông dân trồng cây thuốc Nam tại hộ gia đình để làm nguyên liệu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân về một số bệnh thường gặp, tổ chức những khóa đào tạo để nâng cao hơn nữa vùng chuyên canh trồng cây ngắn ngày có năng suất cao như xạ đen, nhân trần, giảo cổ lam... Trong năm tới, các lớp dạy nghề cây thuốc Nam vẫn sẽ được mở vì nhu cầu của bà con còn rất lớn.
Bà Nguyễn Thị Minh
Ủy viên Thường vụ Hội Đông y Hà Nội, Chủ tịch Hội Đông y huyện Ba Vì (Hà Nội)
Phải chọn đúng đối tượng
Cơ sở chúng tôi được vinh dự chọn làm thí điểm dạy nghề cho lao động làng nghề chạm bạc Đồng Xâm (Kiến Xương, Thái Bình). Khi được giao nhiệm vụ, chúng tôi thấy rất tự hào nhưng cũng ý thức trách nhiệm rất nặng nề, vì đa phần người dân ở đây đều đang làm nghề, dạy họ những gì, thuyết phục họ đi học thế nào không phải dễ.
Ý thức được điều đó, chúng tôi xác định phải chọn đúng đối tượng, đáp ứng đúng nhu cầu học nghề của họ. Ở đây cụ thể là nhu cầu học nghề để nâng cao tay nghề cho các lớp thợ lớn tuổi, giúp số thợ mới làm nghề bài bản, có giao lưu, sáng tạo.
Trong năm 2011, chúng tôi đã tổ chức 3 lớp, khoá học kéo dài 5 tháng, mỗi tuần học 5 ngày (20 ngày/tháng), trong đó 2 ngày học lý thuyết và 3 ngày thực hành tại các cơ sở sản xuất (thôn Hữu Bộc, Bắc Dũng và Tả Phụ). Học viên học đến bài nào, thực tập ngay bài đấy, giáo viên kiểm tra đạt mới được qua học bài khác. Học tốt, làm tốt được khen thưởng.
Ngoài ra, chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức giao lưu các lớp học với các làng nghề, nghệ nhân cùng nhóm nghề nên kiến thức, kinh nghiệm được trao đổi với nhau rất hiệu quả. Được tiếp cận kiến thức mới, thợ già cũng như thợ trẻ đều rất ham học.
Nhu cầu làng nghề hiện nay cần khoảng 500 thợ giỏi, với tốc độ như hiện nay, chúng tôi phải đào tạo 5 năm mới đáp ứng đủ nhu cầu. Hai năm đầu thực hiện, chúng tôi thấy việc xác định đúng đối tượng học, xác định đúng nhu cầu học sẽ góp phần căn bản giúp cho việc đào tạo nghề đúng hướng, hiệu quả.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Ngoan
Giám đốc Trung tâm Đào tạo nghề mỹ nghệ kim hoàn chạm bạc xuất khẩu (Kiến Xương, Thái Bình)
Lắng nghe nguyện vọng của lao động lớn tuổi
Huyện Thuỷ Nguyên chúng tôi là huyện miền núi nhưng đang mất dần đất cho các khu công nghiệp và phát triển làng nghề. Đất canh tác bị thu hẹp nên lao động dư thừa nhiều. Trong đó khó tìm việc nhất là lao động lớn tuổi (từ 35 tuổi trở lên).
Do vậy, công tác đào tạo nghề trên địa bàn huyện chúng tôi là lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của lớp lao động này. Đa phần bà con muốn có nghề phụ làm tại nhà, vì vậy, các lớp dạy nghề này cũng được chú trọng như nghề mây tre đan, thêu ren, móc chỉ... Riêng Hội Phụ nữ chúng tôi đã sơ tuyển được 140 học viên, trong đó đã tổ chức được 2 lớp học với 40 học viên.
Với phương châm đào tạo nghề bằng cách cầm tay chỉ việc, sau 3 tháng học hầu hết các chị em đã làm được nghề, cho ra sản phẩm đẹp. Các học viên cũng đã nhận làm các sản phẩm của các doanh nghiệp với thu nhập 200.000 đồng/ngày/người.
Chị Nguyễn Thị Sen
Hội LHPN xã Lưu Kiếm (Thủy Nguyên, Hải Phòng)
Cần bám sát quy hoạch kinh tế
“Để xác định đúng nhu cầu học nghề, địa phương cần phải có 4 biết, gồm: Chính quyền phải biết địa chỉ cơ sở điển hình làm tốt việc dạy nghề gắn với giải quyết việc làm ở mỗi ngành nghề; người lao động phải biết chính sách hỗ trợ cho chương trình, được công khai ở cấp xã; biết địa chỉ cơ sở đào tạo nghề tại địa phương và biết khả năng nơi làm việc sau khi đào tạo nghề”.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân
Muốn dạy đúng theo nhu cầu, các địa phương cần có quy hoạch kinh tế và quy hoạch nhân lực. Nếu để nông dân tự đăng ký theo nhu cầu của mình thì chưa chắc đã phù hợp với quy hoach nhân lực và như vậy rất khó có việc làm sau học nghề.
Riêng với nghề nông nghiệp, các địa phương cần có kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tạo thành vùng sản xuất hàng hóa nông sản, nông dân học nghề để trở thành những “công nhân nông nghiệp”.
Việc học nghề cũng phải gắn với chu trình phát triển của cây, con, thực hành tại nơi sản xuất.
Hiện cả nước có 41 địa phương thực hiên mô hình này, đào tạo cho 26.000 người làm nghề trồng trọt, trong đó hầu hết đều gắn với doanh nghiệp sản xuất như Tổng Công ty Thuốc lá, Công ty Mía đường Lam Sơn... Đây là những lớp học gắn với doanh nghiệp và quy hoạch kinh tế (phát triển các loại cây công nghiệp) nên hiệu quả sau đào tạo là rất khả quan.
Ông Nguyễn Ngọc Phi
Thứ trưởng Bộ LđTbXH
Vui lòng nhập nội dung bình luận.