Dạy nghề: Nhiều cách làm sáng tạo

Thứ sáu, ngày 26/11/2010 10:15 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tính tới thời điểm này, 100% tỉnh, thành trong cả nước đã triển khai hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ. Rất nhiều cách làm sáng tạo đã được áp dụng.
Bình luận 0

 Những chính sách đặc biệt

img
Nghề trồng hoa lan đang rất phát triển ở TP.HCM.

Cần Thơ là địa phương được đánh giá có cách làm linh hoạt, hiệu quả nhất. UBND thành phố đã bổ sung thêm 2 chính sách hỗ trợ quan trọng là hỗ trợ tiền ăn, đi lại cho hộ cận nghèo (theo Quyết định 1956, chính sách này chỉ áp dụng cho hộ nghèo) với mức tiền ăn 10.000 đồng/ngày và 200.000 đồng tiền đi lại cả khoá.

Đặc biệt, thành phố cũng hỗ trợ đào tạo trung cấp nghề theo mô hình vừa học văn hoá, vừa làm cho đối tượng lao động là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo và hộ cận nghèo, mức hỗ trợ tối đa là 190.000 đồng/tháng (thời gian học không quá 3 năm).

Bà Trần Ngọc Sương - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Cần Thơ bày tỏ, lao động nông thôn có nhu cầu học nghề chủ yếu là lao động trẻ, muốn học dài hạn, nếu chỉ áp dụng chính sách cho dạy nghề ngắn hạn thì vô hình trung đã “loại” đối tượng lao động trẻ ra khỏi chính sách hỗ trợ.

Thực tế, Cần Thơ là địa phương đầu tiên trong cả nước mở các lớp dạy nghề chính quy cho nông dân (thực hiện từ năm 2002, 2003) nên thành phố có rất nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức lớp.

Để mở lớp dạy nghề phù hợp với thị trường LĐ, Cần Thơ tổ chức điều tra nhu cầu học nghề rộng khắp trong địa bàn ở cả 3 đối tượng gồm: Hộ nông dân (90.798 hộ), cơ sở dạy nghề (52 cơ sở) và nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp (276 doanh nghiệp). Đây là việc mà ít tỉnh, thành thực hiện được (các tỉnh khác chủ yếu điều tra ở địa bàn làm điểm).

Nông dân lựa chọn nghề cần học

Trồng lúa cao sản không phải là khái niệm mới mẻ ở xã Vị Thanh (huyện Vị Thuỷ, Hậu Giang) - xã đang xây dựng mô hình nông thôn mới). Tuy nhiên, cách dạy nghề của ngành nông nghiệp ở đây đã thực sự thu hút người dân theo học như một nghề thực thụ.

Bà Trần Thị Mỹ Dung- Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hậu Giang cho hay, địa phương tổ chức ký kết ngay các hợp đồng và tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn theo các mô hình thí điểm cho 210 lao động, theo học 7 lớp gồm: 1 lớp nhân giống, 1 lớp cơ giới, 5 lớp thâm canh tổng hợp.

Học trồng lúa nhưng thời gian học cũng là 3 tháng, nông dân bắt đầu từ khâu nhân giống, hiểu về kỹ thuật lai giống và các đặc tính cây trồng... Lần đầu tiên, “lớp học” được thực hành ngay trên một diện tích rộng lớn là 2.000ha. Sản phẩm của “lớp học” sẽ được Công ty Lương thực Hậu Giang bao tiêu với giá cả hợp lý.

Cũng xuất phát từ ý nguyện của chính người dân, tại xã Khánh Hoà (huyện Vĩnh Châu, Sóc Trăng) việc học nghề gì cũng được đưa ra bàn luận ở cấp xã, người dân tự thảo luận những nghề cần học.

Lớp học đầu tiên theo Quyết định 1956/QĐ-TTg, người dân chốt lại 2 nghề: Nuôi tôm sú (ở trình độ kỹ thuật viên, đào tạo 4-5 tháng) và nghề sửa máy nổ (phục vụ việc sửa các loại máy sử dụng ở các vuông tôm). Sau khi bàn bạc, người dân nhất trí cao nên tâm lý đi học rất thoải mái.

TP.HCM đã đầu tư mạnh cho đào tạo giáo viên dạy nghề thông qua việc hỗ trợ phát triển khoa Sư phạm thuộc Trường Cao đẳng nghề thành phố và hỗ trợ LĐ tàn tật (kinh phí năm 2011 dự kiến là 1 tỷ đồng) với các nghề phù hợp như may công nghiệp, trồng cây cảnh (trồng lan và các loại hoa có giá trị cao).
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem