Dạy nghề thường xuyên dưới 3 tháng: Nhiều yêu cầu quá khó

Chủ nhật, ngày 03/10/2010 17:19 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngày 30-9, Tổng cục Dạy nghề công bố Dự thảo thông tư về hướng dẫn hoạt động dạy nghề thường xuyên dưới 3 tháng. Dù thông tư đã rất "linh động" trong tổ chức, xây dựng chương trình nhưng vẫn có nhiều ý kiến cho rằng nên xem xét tính vùng miền khi áp dụng.
Bình luận 0

Linh hoạt hết mức

Theo Tổng cục Dạy nghề, các lớp học dưới 3 tháng được thực hiện linh hoạt về thời gian, địa điểm, phương pháp đào tạo để phù hợp với yêu cầu của người học nghề tạo điều kiện cho người lao động học tập suốt đời theo các hình thức: Bồi dưỡng, nâng cao, cập nhật kiến thức và kỹ năng nghề; kèm cặp nghề, truyền nghề; chuyển giao công nghệ.

img
Dạy nghề dệt thổ cẩm tại Lâm Đồng.

Hiện tại, dạy nghề theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Chính phủ đang triển khai dạy các lớp sơ cấp nghề theo hình thức nói trên. Theo thủ tục được quy định trong thông tư thì việc mở lớp khá đơn giản. Cơ sở dạy nghề chỉ cần lập hồ sơ gửi về cơ quan có thẩm quyền, hồ sơ đăng ký mở khoá đào tạo nghề thường xuyên.

Trong thời hạn 15 ngày từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền phải xem xét, trả lời. Việc xây dựng Chương trình dạy nghề cũng linh hoạt theo nguyên tắc dựa trên năng lực thực hiện; chương trình dạy nghề định hướng theo nhu cầu tuyển dụng tại các vị trí việc làm. Hiệu trưởng trường nghề hoặc Giám đốc trung tâm dạy nghề có thể xây dựng chương trình dạy trên cơ sở chuẩn nghề chung do Tổng cục Dạy nghề thẩm định.

Về quy định này, ông Ngô Kim Tuyến - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và dịch vụ hỗ trợ nông dân- Hội Nông dân Bắc Giang cho là rất phù hợp. Ông nêu ví dụ cũng là nghề chăn nuôi- thú y nhưng nhu cầu nông dân mỗi nơi một khác: "Như nông dân Bắc Giang mong muốn có thêm phần hướng dẫn về nuôi lợn rừng, nhím và chúng tôi phải bổ sung chuyên đề này, mời chuyên gia tới giảng dạy, hướng dẫn nông dân. Nếu chỉ học chung chung về chăn nuôi, người dân sẽ không quan tâm".

Khó “quản" người học

Thông tư cũng quy định rõ quyền lợi của học viên khi theo học như: Được bảo lưu kết quả học tập, được tiếp tục học lên trình độ cao hơn; Được cơ sở dạy nghề tôn trọng và đối xử bình đẳng, được cung cấp đầy đủ thông tin về việc học tập, rèn luyện của mình; Được hưởng các chính sách đối với người học nghề theo quy định hiện hành...

Tuy nhiên, cũng có nhiều điểm trong thông tư khiến các cơ sở dạy nghề, nhất là cơ sở dạy nghề cho nông dân ngỡ ngàng vì khó thực hiện; chẳng hạn như phải cung cấp danh sách giáo viên tham gia giảng dạy và hồ sơ của giáo viên thỉnh giảng (thường là nghệ nhân, thợ giỏi)...

Ông Trần Văn Ba- Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ việc làm- Hội Nông dân Quảng Nam bày tỏ: “Trung tâm dạy nghề nói chung thường ít giảng viên cơ hữu mà chủ yếu là giáo viên thỉnh giảng. Còn nghệ nhân, thợ giỏi mà đòi hỏi có chứng chỉ sư phạm thì hiện ở Quảng Nam chưa có".

Thực tế, năm 2010, Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam tổ chức 31 lớp dạy nghề cho nông dân. Trong tháng 10 tới, trung tâm sẽ mở 14 lớp cho hơn 900 học viên. Ông Ba nói: "Nếu là nghề nông nghiệp đơn thuần, chúng tôi mời kỹ sư của trung tâm khuyến nông, khuyến ngư tới dạy. Còn nếu là nghề truyền thống, như đan mây tre phải có nghệ nhân tay nghề cao. Đây là các nghệ nhân đã dạy nghề nhiều năm và không ai có chứng chỉ sư phạm. Hiện, Sở LĐ-TB&XH mới đang tập hợp danh sách giáo viên thỉnh giảng là nghệ nhân, thợ giỏi để tập huấn nghiệp vụ sư phạm".

Về quy định học liệu giảng dạy, theo ông Tuyến là "khó làm" vì: "Nông dân đồng bằng có thể học qua phim, qua máy chiếu, chứ nông dân miền núi thì dứt khoát phải cầm tay chỉ việc. Dạy họ về giải phẫu lợn thì phải có lợn mổ thực nghiệm và hướng dẫn thì bà con mới biết được". Chính vì vậy, ông Tuyến cũng đề nghị chương trình dạy nghề cho nông dân phải phân theo vùng, có sách học cụ thể để cho bà con học, lưu giữ thông tin.

Một điểm nữa, liên quan tới đánh giá kết quả học. Thông tư quy định học viên phải đi học đều, thi cử đàng hoàng, nhưng thực tế nhiều vùng, giáo viên còn phải "đàm phán" với học sinh thời gian học để đảm bảo học được liên tục. "Nếu tổ chức vào ngày mùa là thua ngay, lớp học vắng hoe" - ông Tuyến nói. Vì vậy, việc đánh giá học sinh cũng cần... linh động hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem