Đẩy nhanh tiến độ loạt dự án "xương sống", gỡ áp lực giao thông lên cửa ngõ TP.HCM
Đẩy nhanh tiến độ loạt dự án "xương sống" kết nối các tỉnh giáp ranh, gỡ áp lực giao thông cửa ngõ TP.HCM
Hồng Trâm
Thứ hai, ngày 13/03/2023 15:00 PM (GMT+7)
Một loạt dự án giao thông trọng điểm, kết nối các tỉnh thành lân cận đang được TP.HCM đẩy nhanh tiến độ. Trong đó, dự án mở rộng Quốc lộ 13 dự kiến khởi công năm 2025, Vành đai 3 phấn đấu khai thác năm 2026; Vành đai 4 dự kiến hoàn thành năm 2027...
Giao thông của TP.HCM với các tỉnh lân cận đang quá tải
Theo các chuyên gia, hiện nay, hạ tầng giao thông của TP.HCM với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang quá tải, thiếu đồng bộ. Trong khi đó, nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông chưa tương xứng với nhu cầu theo các quy hoạch đã được phê duyệt.
Tiến sỹ Lê Đỗ Mười - Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải, cho biết việc kết nối giao thông liên vùng TP.HCM với các tỉnh lân cận theo quy hoạch, có 5 trục kết nối gồm quốc lộ và cao tốc song hành. Tuy nhiên, hiện chỉ có Quốc lộ 1 và cao tốc Bắc – Nam được đầu tư cơ bản theo quy hoạch, các trục còn lại hiện chỉ khai thác trên cơ sở hệ thống đường quốc lộ, các dự án cao tốc song hành đều chậm triển khai.
Các tuyến đường vành đai của TP.HCM như đường Vành đai 2, 3, 4 đều chậm tiến độ, chưa khép kín. Đặc biệt là đường Vành đai 3 kết nối khu vực Tây Nam bộ vẫn chưa triển khai, khiến giao thông tại cửa ngõ bị ùn tắc.
Thực tế, thời gian qua, các tuyến đường kết nối TP.HCM và những tỉnh lân cận vẫn còn khá hạn chế. Tuyến Quốc lộ 1A và Quốc lộ 13 kết nối TP.HCM và các địa phương đã quá tải sau thời gian đưa vào sử dụng, chưa được mở rộng. Lưu lượng phương tiện đông cùng với làn đường hẹp, khiến tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra.
Công trình đáng chú ý khác là cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây hiện nay đã quá tải. Lượng phương tiện đông, làn đường hẹp, đường dẫn chưa được đầu tư đồng bộ, trở thành nút thắt cổ chai... khiến tình trạng ùn tắc thường xuyên xảy ra vào các ngày cuối tuần, dịp lễ, Tết.
Trong khi đó, cao tốc Bến Lức - Long Thành được khởi công từ 9 năm trước hiện đang trong tình trạng "hoang hoá" sau khi hoàn thành 80% khối lượng công việc. Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài vẫn đang trong giai đoạn điều chỉnh hướng tuyết, hoàn thiện quy hoạch.
Tại một hội thảo chuyên đề về quy hoạch ngành giao thông TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã nhận định giao thông phải đi trước, mở đường cho kinh tế phát triển. Nên tính toán làm kinh tế giao thông, thay vì chỉ là các dự án giao thông. Nếu chậm xây dựng hạ tầng, kết nối hạ tầng giao thông liên vùng thì sẽ là "điểm nghẽn" chặn đà phát triển kinh tế…
TP.HCM tăng tốc nhiều dự án giao thông liên vùng
Thời gian qua, TP.HCM đã ngồi lại cùng các địa phương để thúc đẩy các dự án giao thông kết nối vùng. Nhiều dự án giao thông trọng điểm đang được các tỉnh ráo riết triển khai. Theo đó, dự án mở rộng Quốc lộ 13 là một trong 34 dự án đã được UBND TP.HCM phê duyệt trong danh mục dự án các công trình giao thông trọng điểm trong năm 2023. Dự kiến năm 2024, dự án được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và khởi công năm 2025.
Được biết, dự án Quốc lộ 13 dài 140 km, con đường này được coi là "xương sống" kết nối TP.HCM - Bình Dương - Bình Phước, đi các tỉnh Tây Nguyên dài 140 km. Tháng 4/2022, tỉnh Bình Dương khởi công dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 đoạn từ giáp ranh TP.HCM đến TP.Thủ Dầu Một, dài khoảng 12,7 km từ sáu làn xe lên tám làn xe.
Đáng chú ý, dự án trọng điểm quốc gia Vành đai 3 đang được TP.HCM và các địa phương đẩy nhanh tiến độ, hướng đến mốc khởi công vào tháng 6/2023. Dự án có tổng chiều dài khoảng 76,34km, đi qua TP.HCM và 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, được chia thành 8 dự án thành trên từng địa phương. Tổng mức đầu tư dự án hơn 75.300 tỷ đồng.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, cho biết hiện nay TP.HCM và các địa phương đang nắm vững tiến độ đường Vành đai 3, sẽ khởi công theo đúng kế hoạch vào tháng 6. Tuy nhiên, dự án đang gặp khó khăn vì thiếu nguồn vật liệu và vướng mắc trong việc chuẩn bị các khu đất để làm nơi tái định cư cho người dân. Hiện Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đã có văn bản báo cáo UBND TP.HCM sớm chỉ đạo gỡ vướng.
Đối với dự án trọng điểm Vành đai 4 TP.HCM, các địa phương đang khảo sát, lên phương án hướng tuyến để sẵn sàng khởi công trong thời gian tới. Theo đó, TP.HCM đã kiến nghị điều chỉnh 14,7 km tuyến đường Vành đai 4, để tránh xa các đường hiện hữu sẽ tiết kiệm hơn 4.000 tỷ đồng, đồng thời nhiều hộ dân không phải giải tỏa, di dời.
Theo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, các dự án sẽ kết nối trong thời gian tới như khép kín các đường Vành đai 3, 4; các cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành. Đối với các tuyến liên kết vùng, Sở đã xác định đến năm 2030 phải khép kín các đường Vành đai 2, 3, 4.
Cụ thể, đường Vành đai 3 phấn đấu khởi công vào tháng 6/2023, khai thác vào năm 2026. Các tỉnh đang phối hợp triển khai đường Vành đai 4, dự kiến hoàn thành vào năm 2027.
TP.HCM cũng sẽ phối hợp với các địa phương để triển khai tuyến cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành. Đồng thời, thành phố đang làm việc với Bộ Giao thông Vận tải về việc mở rộng các tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và Bến Lức - Long Thành để tăng kết nối vùng.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm cho rằng, phát triển giao thông là phải gắn kết với tất cả các tỉnh lân cận, phải mang tính liên vùng. Chính phủ đã có các quy hoạch cơ bản phù hợp, nhưng sự kết hợp với các tỉnh lân cận với nhau là trách nhiệm của từng địa phương, TP.HCM cùng với các tỉnh trao đổi các dự án, quy hoạch giao thông mang lại hiệu quả nhất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.