Phải tin vào mình
Chia sẻ về quyết định trồng giống ngô chuyển gen của mình tại cuộc giao lưu "Nông dân châu Á- Thái Bình Dương" lần thứ 7 mới đây, anh Resley Buca đến từ Nam Cotabaco, thuộc khu vực Mindanao (Philippines), nói: "Gia đình tôi có 2ha chuyên trồng ngô, khi trồng các giống ngô truyền thống trên đồng thường có tới 40% diện tích bị sâu đục thân, ảnh hưởng lớn tới năng suất.
Sau khi được các nhà kỹ thuật từ các công ty đến giới thiệu, tôi đã quyết định chuyển sang trồng các giống ngô chuyển gen, vì những giống ngô này có khả năng kháng được sâu và đạt năng suất cao hơn". Từ năm 2009, anh Resley bắt đầu trồng ngô chuyển gen và qua theo dõi vụ nào năng suất cũng đạt trung bình 8,4-9,1 tấn/ha, thậm chí có vụ đạt 9,45 tấn/ha. Nhờ đó, hiện gia đình anh đã có thêm nhiều tiền hơn để mua được 2 xe máy và cho các con đi học. Quan điểm của Resley là luôn làm thử cái mới và sẽ thành công.
|
Nông dân Ismael Madriaga - chủ ruộng ngô chuyển gen ở Poblacion, Ramos, Tarlac (Philippines). |
Vốn là một cô giáo, nhưng hiện gia đình bà Perla Asor ở Naga City, Bắc Luzon (Philippines) cũng đang trồng tới 7ha ngô. Nói về quá trình trồng ngô chuyển gen của mình, bà Perla cho biết, lúc đầu, bà tự lấy giống về trông không nói với ai. Sau đó mới mời các nhà kỹ thuật xuống để xem, rồi bà tự liên hệ với phòng nông nghiệp địa phương để giới thiệu cho họ giống ngô chuyển gen này và thật bất ngờ, họ rất thích. "Cách của tôi là liên kết các công ty và nhà nông nghiệp với nhau để giới thiệu với các nông dân khác về giống ngô này. Rồi tuyên truyền cho họ hiểu hơn về ngô chuyển gen"- bà Perla chia sẻ. Theo bà Perla, khi tuyên truyền cho các nông dân khác, tôi thường nói với họ "phải tin vào mình", nhờ đó hiện đã có rất nhiều nông dân trong vùng đã chuyển sang trồng những giống ngô mới.
Hướng dẫn nông dân trên đồng ruộng
Bên cạnh việc "đi vào từng hộ dân tiêu biểu" như trên, để người nông dân được trực tiếp mắt thấy, tai nghe về giống ngô chuyển gen, ở Philippines còn hình thành lên các trung tâm học tập cộng đồng (Lerning Center). Gọi là trung tâm, song thực chất đây chính là những ruộng ngô mẫu ngay trên đồng ruộng. Trong chuyến đi thực tế mới đây, chúng tôi đã được đến thăm một trong những trung tâm như thế ở Poblacion Center, Ramos (thuộc tỉnh Tarlac).
Giới thiệu với chúng tôi, anh Venson I.Miguel, kỹ thuật viên của công ty này cho biết: "Trung tâm học tập của Dekalb có 4 khu vực, để giúp người nông dân trực tiếp nhìn thấy công nghệ của Dekalb và những giống mới đang khảo nghiệm ở đây chuẩn bị đưa ra thương mại hóa. Cũng ở đây, người nông dân sẽ tìm hiểu giống ngô (đã chuyển gen) họ có thể lựa chọn để sử dụng trong tương lai".
Tại Philippines, một giống ngô chuyển gen trước khi được đưa vào sản xuất đại trà, phải thực hiện tuần tự theo các bước: Thí nghiệm trong nhà kính- khảo nghiệm diện hẹp- khảo nghiệm diện rộng. Sau đó, nếu thành công, giống ngô đó sẽ được thương mại hóa. Các giống ngô chuyển gen khi được đưa ra sản xuất đại trà đều có sự kiểm duyệt, phê duyệt của Chính phủ...
Tất cả nông dân đều có thể đến đây để học tập, khi tới đây, họ sẽ được dạy về cách trồng ngô như thế nào cho có hiệu quả, thậm chí họ còn được dạy cách trồng ngô bằng phương pháp không làm đất.
Thường các trung tâm này không ở cố định một nơi, mà mỗi vụ sẽ chuyển từ nơi này sang nơi khác, rồi từ ruộng này sang ruộng khác với các chủ ruộng khác nhau để đưa công nghệ đến với nhiều nơi, nhất là giúp nhiều nông dân có cơ hội tiếp cận với công nghệ này hơn.
Anh Ismael Madriaga - một nông dân hiện có 2ha ngô (trong đó có 1ha cho thuê để lập trung tâm học tập cộng đồng) chia sẻ: “Từ năm 2007, tôi bắt đầu trồng giống ngô chuyển gen Mon 818, là giống kháng được thuốc trừ cỏ, qua đó năng suất tăng từ 4 tấn lên 7,3 tấn/ha. Sau đó chuyển sang giống Dekalb 9132 Genuity RRC2/YG2 - giống ngô chuyển gen thế hệ thứ 2, kháng sâu đục thân và thuốc trừ cỏ Glyphosate thì năng suất đã được 9,4 tấn/ha và vụ trước đã đạt 11 tấn/ha”. Theo anh Ismael, tất cả các kỹ thuật trồng, rồi chăm bón, thu hoạch giống ngô Bt đều không có gì khác so với các giống ngô thông thường.
Lê Hân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.