Ông Ravi Verme - Giám đốc khu vực Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về các vấn đề liên quan đến phụ nữ (ICRW) nhận định.
Ý kiến của ông Ravi Verme được đưa ra tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm đưa phòng chống bạo lực gia đình vào trường học khu vực châu Á - Thái Bình Dương, được Tổ chức hòa bình Tây Ban Nha tổ chức ngày 9.8 tại Hà Nội.
|
Chia sẻ giữa bạn bè sẽ giúp các em xây dựng tình bạn không bạo lực. |
Roi vọt không thương
Nghiên cứu hiếm hoi của Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học về giới, phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) tại một số trường THCS trên địa bàn Hà Nội cho thấy: Hơn 80% thầy cô khẳng định thường xuyên sử dụng các hình thức trừng phạt thân thể với học sinh. Thầy cô cũng thừa nhận việc “ra tay” với học sinh là do cáu giận (62,5%), lo lắng cho trẻ (97,5%), theo yêu cầu của cha mẹ (32,5%)... Đáng chú ý, 40% giáo viên coi trừng phạt thân thể là một phương pháp giáo dục!
Theo điều tra quốc gia về bạo lực gia đình (BLGĐ) tại Việt Nam tiến hành tháng 11.2010, có đến 58% phụ nữ từng chịu BLGĐ và 1/3 trong số họ có con nhỏ từ 6-11 tuổi. Họ cho biết con của họ khi chứng kiến cảnh mẹ bị bạo lực cũng gặp nhiều vấn đề về sức khỏe như: Ác mộng, đái dầm, hành vi hung hăng và kết quả học tập kém...
Nghiên cứu cũng chỉ ra hậu quả của bạo lực đối với thế hệ sau. Hơn một nửa số người chồng có hành vi bạo lực với vợ có mẹ từng bị bạo hành. Những clip về cảnh đánh nhau tàn bạo giữa các học sinh “nở rộ” trong thời gian qua cũng khiến người lớn “sởn tóc gáy”.
“Nếu như tìm hiểu sâu về hoàn cảnh của những đứa trẻ đó, chúng ta có thể nhận ra những “kịch bản” quen thuộc mà các em đã rập khuôn từ người lớn” – bà Lê Thị Hồng Giang, chuyên viên CSAGA nhận định.
Giấy trắng vẽ tương lai
Theo ông Ravi Verma, trường học không phải là nơi các em bắt đầu tiếp xúc với bạo lực nhưng lại cho các em sự trải nghiệm cũng như chia sẻ khá cởi mở. Khi còn nhỏ, các em chứng kiến BLGĐ hoặc bị chính cha mẹ đánh mắng thì thường bị động, cam chịu, không có phản ứng.
Còn ở trường học, các em cũng học cách phản kháng từ bạn bè khi đối mặt với bạo lực và bất bình đẳng giới từ việc bắt nạt bạn bè, quấy rối... Thậm chí, ngay những cuộc hẹn hò đầu tiên, các em cũng có thể bị bạo lực hay lạm dụng mà không đủ kỹ năng bảo vệ mình.
Trải nghiệm thơ ấu của những người chồng gây bạo lực (bị bạo lực hoặc chứng kiến bạo lực) là yếu tố nguy cơ quan trọng dẫn tới việc anh ta trở thành người gây bạo lực trong đời sống sau này.
Bà Nguyễn Thị Việt Nga - chuyên viên Tổng cục Thống kê.Bà Hà Thị Dung – Phó Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GDĐT) cho biết: Bộ đang gấp rút hoàn thiện Dự án “Giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng chống BLGĐ, giai đoạn 2011-2020” để trình Chính phủ.
Mục tiêu của đề án là sẽ đưa nội dung giáo dục phòng chống BLGĐ vào tất cả các trường học từ mẫu giáo đến đại học. Tùy từng lứa tuổi cụ thể sẽ xây dựng những chương trình giáo dục phù hợp với trẻ và đào tạo kỹ năng giảng dạy phòng chống BLGĐ cho giáo viên... Phấn đấu đến năm 2020, 100% học sinh từ mẫu giáo trở lên, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và cả các bậc phụ huynh sẽ được cung cấp kiến thức về BLGĐ và có ý thức chuyển đổi hành vi bạo lực...
“Những đứa trẻ giống như những tờ giấy trắng, chúng ta phải chuẩn bị cho chúng đầy đủ kiến thức và kỹ năng để chúng đón nhận một tương lai tốt đẹp không bạo lực” – bà Dung khẳng định.
Diệu Linh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.