Vấn đề vi phạm dữ liệu cá nhân gây nhức nhối, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói gì?

PVKT Thứ sáu, ngày 04/11/2022 14:50 PM (GMT+7)
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thông tin, năm 2022, Bộ đã có 11 đoàn liên ngành đi kiểm tra về dữ liệu cá nhân và đã chuyển hai vụ việc sang Bộ Công an để xử lý hình sự.
Bình luận 0

Xây dựng chính sách bảo vệ dữ liệu cá nhân

Tham gia chất vấn tại phiên họp, Đại biểu Tạ Minh Tâm (đoàn Tiền Giang) nêu rõ, hiện nay có hàng trăm triệu tài khoản tham gia các nền tảng trực tuyến nước ngoài cung cấp dịch vụ tại Việt Nam.

Trong đó đối với ba mạng xã hội phổ biến nhất có tới 175 triệu tài khoản. Với việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo mạnh mẽ như hiện nay, việc thu thập, quản lý, sử dụng thông tin, dữ liệu người dùng của các nền tảng trực tuyến là vấn đề không thể xem nhẹ. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm và giải pháp về vấn đề này?

Bên cạnh đó, Đề án 06 phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia tập trung rất cao, nhiều cơ sở dữ liệu quốc gia chuyên ngành đi vào vận hành.

Tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội, có đại biểu băn khoăn về việc bên cạnh nỗ lực số hóa, có hay không sự chậm trễ trong rà soát, sửa đổi các quy định, tối ưu hóa các quy trình liên quan đến thủ tục hành chính, chưa khai thác hiệu quả các cơ sở dữ liệu đã công phu xây dựng.

Đại biểu đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, nêu nhận định về vấn đề này, trách nhiệm và giải pháp trong thời gian tới?

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Chuyển 2 vụ vi phạm về dữ liệu cá nhân sang Bộ Công an để xử lý hình sự - Ảnh 1.

Xây dựng chính sách bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Trả lời đại biểu, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông thừa nhận, đúng là mạng xã hội có kinh doanh trên dữ liệu cá nhân, thu thập dữ liệu cá nhân.

Cách đây 3 năm, tại diễn đàn Quốc hội ông từng nêu quan điểm phải có mạng xã hội Việt Nam, bởi không thể bỏ nền tảng này được. Năm 2009, tất cả nền tảng mạng xã hội Việt Nam có chưa đến 40 triệu tài khoản, đến nay mạng xã hội Việt Nam lớn nhất có 130 triệu tài khoản, tương đương với số người dùng Facebook và YouTube cộng lại.

"Đây cũng là giải pháp giữ lại dữ liệu của người Việt Nam tại Việt Nam", Bộ trưởng nói.

Ông cho biết, thời gian tới, các cơ quan sẽ ban hành nghị định và tiến tới xây dựng Luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, tạo hành lang pháp lý vững chắc.

"Các nước ý thức rất rõ vấn đề này nên khung phạt vi phạm rất cao, có khi lên đến hàng tỷ USD với doanh nghiệp kinh doanh thu thập dữ liệu cá nhân; mức phạt tù có khi lên đến 10 năm", Bộ trưởng thông tin thêm.

Chuyển 2 vụ vi phạm về dữ liệu cá nhân sang Bộ Công an để xử lý hình sự

Làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến dữ liệu cá nhân, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng còn cho hay, dữ liệu cá nhân được coi là tài sản cá nhân và đã được nhắc đến ở trong Luật An toàn thông tin: "Mỗi một người dân phải bảo vệ tài sản của cá nhân mình".

"Vừa qua, chúng ta cũng khá dễ dãi, như tôi đi làm kính, đến họ hỏi số điện thoại thì mình cũng đưa, về nguyên tắc đúng là phải nhìn hợp đồng. Cửa hàng kính đưa cho mình một hợp đồng mẫu nói rằng tôi thu thập thông tin này ông có đồng ý không, tôi sẽ dùng vào việc gì, ông có đồng ý việc dùng của tôi không, thậm chí mình ra siêu thị cũng đưa các thông tin cá nhân của mình. Chỗ này liên quan đến vấn đề nhận thức, liên quan đến tuyên truyền", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Chuyển 2 vụ vi phạm về dữ liệu cá nhân sang Bộ Công an để xử lý hình sự - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông

Cũng theo Bộ trưởng, doanh nghiệp thu thập thông tin cần thực hiện đúng pháp luật, cụ thể, khi thu thập dữ liệu cá nhân cần có hợp đồng mẫu, quy định rõ trong hợp đồng mục đích sử dụng, cách thức sử dụng thông tin này.

Bộ trưởng cho biết, vừa qua đã tăng mức phạt gấp 2 lần, nhưng mới chỉ 60 triệu là mức cao nhất đối với doanh nghiệp và cá nhân vi phạm thu nhập thông tin cá nhân.

Bộ sẽ thanh tra toàn diện các nhà mạng viễn thông trong việc đảm bảo an toàn dữ liệu thông tin, và tiến tới thanh tra các doanh nghiệp bưu chính, các nhà mạng về vấn đề này, đồng thời kiến nghị cần xem xét quy định phạt trên phần trăm doanh thu của các doanh nghiệp vi phạm thay vì phạt theo giá trị tuyệt đối.

"Năm 2022, Bộ đã có 11 đoàn liên ngành đi kiểm tra về dữ liệu cá nhân và đã chuyển hai vụ việc sang Bộ Công an để xử lý hình sự. Năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông dự kiến sẽ đề xuất Thủ tướng lấy năm 2023 là năm dữ liệu số Việt Nam, để nâng cao nhận thức, làm tốt công việc bảo vệ dữ liệu cá nhân", Bộ trưởng thông tin thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem