Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022: ĐBQH nhấn mạnh “không ngăn sông cấm chợ”
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022: ĐBQH nhấn mạnh “không ngăn sông cấm chợ”
Thanh Phong
Thứ hai, ngày 08/11/2021 16:26 PM (GMT+7)
Theo các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), trong bối cảnh chuyển mục tiêu từ zero sang sống chung với Covid-19, các địa phương không vì quá lo cho sự an toàn để xảy ra tình trạng “cát cứ”, ngăn sông cấm chợ.
Sáng 8/11, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về việc tổ chức thực hiện hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, huy động tối đa nguồn lực cho chống dịch và các nhiệm vụ quan trọng cấp bách khác.
ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (Nam Định): Một số nơi đặt ra các giấy tờ không phù hợp để đi qua chốt kiểm soát
Nhận định về tình hình phát triển kinh tế song song với phòng chống dịch thời gian qua, theo ĐBQH Mai Thị Phương Hoa cho rằng, công tác này có nhiều dấu hiệu tích cực nhưng vẫn bộc lộ một số hạn chế. Cụ thể, một số địa phương để xảy ra tình trạng không thống nhất trong việc vận hành, áp dụng chỉ thị của Chính phủ gây phiền toái, bức xúc cho người dân, doanh nghiệp.
"Dù chính phủ có chỉ đạo thống nhất trong toàn quốc về lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải; kiên quyết không để ban hành giấy phép con; không để cát cứ, chia cắt nhưng tại một số thời điểm, các nơi đã đặt ra yêu cầu cao hơn, vượt quá mức cần thiết, gây nhiều ra nhiều khó khăn, tạo bức xúc cho người dân, doanh nghiệp. Thậm chí, một số nơi đặt ra các giấy tờ không phù hợp để đi qua chốt kiểm soát, chưa tạo điều kiện cho người dân từ các thành phố lớn trở về quê tránh dịch", ĐBQH Mai Thị Phương Hoa cho hay.
Cùng với đó, vị ĐBQH cũng cho rằng một số cán bộ địa phương cơ sở còn lơ là, chưa sâu sát, còn chủ quan, bị động trong phòng chống dịch. Điển hình, vụ cán bộ đi đánh golf trong thời gian giãn cách xã hội, khi bị phát hiện lại khai báo không trung thực. Có trường hợp xô xát giữa cán bộ với nhân viên lấy mẫu xét nghiệm
"Có nơi còn quá cứng nhắc, lạm quyền trong việc hành xử với người dân, gây bức xúc trong dư luận. Như việc cán bộ địa phương vào nhà dân bắt ép đi xét nghiệm"- bà Hoa nói.
ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai): 70% doanh nghiệp vừa và nhỏ phải sử dụng nguồn vốn tự có hoặc đi vay từ các nguồn không chính thức
Nói về việc hỗ trợ các doanh nghiệp vượt khó khăn do đại dịch gây ra, Đại biểu đoàn Đồng Nai cũng đề nghị cần có các gói kích thích kinh tế với liều lượng hợp lý.
Cụ thể, theo ĐBQH Trịnh Xuân An đánh giá, thời gian qua, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm, tuy nhiên, lợi nhuận của các ngân hàng thương mại vẫn còn cao. Qua đó, các gói kích thích chưa hài hòa với khó khăn của doanh nghiệp và người dân; doanh nghiệp vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng ưu đãi
"Vai trò của ngân hàng đối với các doanh nghiệp cần phải đánh giá kỹ hơn, nhất là khi đầu vào cho hoạt động của các doanh nghiệp đang có xu hướng cái gì cũng tăng", Đại biểu Trịnh Xuân An nhấn mạnh.
Cũng theo thông tin từ đại biểu Trịnh Xuân An cho thấy, hiện nay mới có khoảng 30% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được với các nguồn vốn từ ngân hàng, còn lại 70% phải sử dụng nguồn vốn tự có hoặc đi vay từ các nguồn không chính thức với chi phí rất cao. Các gói vay 16.000 tỷ đồng đến ngày 31/7/2020 kết thúc giải ngân, nhưng cũng chưa có đơn vị nào tiếp cận được nguồn vốn này.
Ngoài ra, ông An cho rằng, nguồn lực chi cho phòng, chống dịch và an sinh đến nay đã gần 100.000 tỷ đồng. Đây là con số rất lớn, ngân sách Nhà nước thời gian qua đã phải căng ra chi cho chống dịch.
Do đó, đại biểu đề nghị cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, quản lý chặt chẽ thu chi ngân sách chống thất thu nợ đọng thuế, chuyển giá, chống gian lận thương mại. Đặc biệt, cần phấn đấu tăng thu ngân sách Nhà nước, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát ngân sách tài sản công, triệt để tiết kiệm các khoản chi tiết kiệm ngay từ khi lập dự toán giao và thực hiện dự toán.
"Trong lúc này, chúng ta phải thực sự tiết kiệm thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng, cùng với đó cần có cơ chế để huy động tối đa nguồn lực xã hội từ người dân và hoạt động kinh tế; triển khai ngay các giải pháp phục hồi hoạt động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ nhằm tháo gỡ các khó khăn giúp cho doanh nghiệp giữ đơn hàng, duy trì chuỗi cung ứng; có các chính sách hỗ trợ trực tiếp để không xảy ra tình trạng đứt gãy, thiếu hụt lao động và chuyên gia. Cần thu hút lực lượng lao động trở lại làm việc một cách an toàn không để xảy ra tình trạng người lao động ở lại quê, người nghèo lại phải nuôi người nghèo", đại biểu Trịnh Xuân An kiến nghị.
ĐBQH Lã Thanh Tân (Hải Phòng): Cải cách thể chế kinh tế là nhân tố quan trọng củng cố niềm tin doanh nghiệp, nhà đầu tư
Theo ĐBQH Lã Thanh Tân nhận định, việc cải cách thể chế kinh tế là nhân tố quan trọng củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp trong những năm qua. Trong bối cảnh hiện nay cần có những cách làm, giải pháp quyết liệt hơn, tránh tình trạng làm nhiều, làm liên tục nhưng hiệu quả chưa tương xứng.
"Tôi đồng tình với 12 nhiệm vụ, giải pháp mà Chính phủ đã nêu trong báo cáo. Ưu tiên trong đó là công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn trong đầu tư kinh doanh. Đại dịch Covid-19 đã kích hoạt quá trình sản xuất theo hướng kỹ thuật, kinh tế số, bảo vệ môi trường. Trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục tìm kiếm giải pháp mở ra không gian cho hoạt động kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, giải pháp để tạo động lực cho cải cách thể chế hướng tới công nghệ quốc tế.
Một trong số đó là giải pháp xây dựng mô hình khu công nghiệp sinh thái. Xây dựng và phát triển khu công nghiệp kinh tế là chủ trương lớn và nhất quán của Đảng, Nhà nước nhằm thu hút tối đa nguồn lực từ xã hội", đại biểu Lã Thanh Tân đề xuất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.