ĐBQH nhắc vụ ông Trần Văn Vót kêu oan để góp ý dự thảo Luật đặc xá

Lương Kết Thứ tư, ngày 07/11/2018 14:12 PM (GMT+7)
“Có những trường hợp phạm nhân được cán bộ, chiến sĩ trực tiếp quản lý các trại giam thì đều ghi nhận là người có ý thức chấp hành tốt quy định của trại giam. Nhưng cơ quan quản lý trại giam thì không bao giờ xác nhận cho họ là có ý thức cải tạo tốt để đưa vào đặc xá vì người này luôn viết đơn kêu oan”, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh nói.
Bình luận 0

img

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội).

Sáng nay (7.11), Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đặc xá (sửa đổi).

Góp ý vào dự thảo Luật, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho biết: Có những trường hợp phạm nhân được cán bộ, chiến sĩ trực tiếp quản lý ở các trại giam ghi nhận là người có ý thức chấp hành tốt quy định của trại giam. Nhưng cơ quan quản lý trại giam thì không bao giờ xác nhận cho họ là có ý thức cải tạo tốt để đưa vào đặc xá vì người này luôn viết đơn kêu oan.

“Tôi muốn nói trường hợp ông Trần Văn Vót ở Hà Nam mà tôi đã có lần chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và báo cáo Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay” đại biểu Khánh nói và cho biết thêm trước những kiến nghị quyết liệt của cựu đại biểu Quốc hội và nhiều cơ quan, tổ chức có liên quan khác, các cơ quan tư pháp đã xem xét và giải quyết để ông Vót được ra tù chữa bệnh gần 2 năm nay.

Từ những vụ việc như thế này, đại biểu Khánh đề nghị dự thảo Luật đặc xá (sửa đổi) cần bổ sung thêm điều kiện để được đề nghị đặc xá. Đó là những trường hợp đặc biệt có đơn kêu oan. Việc bổ sung này cũng phù hợp với điều quy định về quyền của những người đặc xá có quyền khiếu nại, tố cáo.

Ở góc độ khác, đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) đã đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung thêm đối tượng không được đề nghị đặc xá, đó là phạm nhân đã bị truy nã, loại nguy hiểm trở lên không tự ra đầu thú, bị bắt.

Vì từ tình hình thực tế, nhiều người phạm tội sau khi bị phát hiện có xu hướng trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật đã bỏ trốn khỏi truy nã. Công tác truy bắt đối tượng mất nhiều thời gian, công sức, ngân sách nhà nước, tính mạng và sức khỏe của các lực lượng truy bắt cũng như việc gây mất trật tự an toàn xã hội do các đối tượng có quyết định truy nã gây ra. Việc không đề nghị đặc xá đối tượng trên nhằm phân hóa nhóm phạm nhân với các phạm nhân khác, đảm bảo tính công bằng cho những đối tượng là người có án phạt tù, có ý thức tự giác với nghĩa vụ chấp hành án”, đại biểu Thúy góp ý.

Đại biểu Thúy còn đề nghị bổ sung thêm quy định đối tượng không được đề nghị đặc xá đó là các tội phạm về ma túy, tội phạm liên quan đến đánh bạc. “Vì loại tội phạm về ma túy và tội phạm liên quan đến đánh bạc là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các loại tội phạm khác. Khả năng hoàn lương, tiến bộ của các loại đối tượng này khi trở về địa phương là rất thấp. Sau khi trở về địa phương thường gây mất trật tự an ninh tại nơi cư trú. Trong số tái phạm, chủ yếu tập trung vào số đối tượng này. Mặc dù trong thời gian chấp hành án có thể cải tạo tốt nhưng cũng có nhiều người thừa nhận khó từ bỏ con đường phạm tội cũ. Việc đặc xá cho những đối tượng này nếu họ tái phạm sẽ ảnh hưởng đến chính sách đặc xá của Nhà nước làm mất đi tính nghiêm minh của pháp luật”, đại biểu Thúy nói.

Cũng đề cập tới vấn đề này, đại biểu Mai Khanh (Ninh Bình) đề nghị bổ sung đối tượng không đặc xá với 2 tội. Đó là tội phá hoại cơ sở vật chất kỹ thuật của Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tội chống phá cơ sở giam giữ.

Ngày 28.10.2016, trả lời đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh về vụ án có dấu hiệu oan sai của ông Trần Văn Vót (Hà Nam), Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định, liên ngành tư pháp trung ương đã xem xét một cách kỹ lưỡng, thận trọng, gặp lại toàn bộ nhân chứng để đi tới kết luận không có oan sai.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết: Trong vụ án này, chúng tôi đã nhận được rất nhiều đơn và tất cả những lần nhận được đơn đều đã có văn bản trả lời từ các cơ quan tiến hành tố tụng ở tỉnh Nam Hà (cũ), tỉnh Hà Nam cũng như ở Trung ương như Viện KSND Tối cao, TAND Tối cao. Liên ngành tư pháp Trung ương đã thành lập tổ xem xét lại toàn bộ hồ sơ, tài liệu vụ án.

Trước khi họp báo công bố thông tin về vụ án này, chúng tôi đã làm rất thận trọng, mời liên ngành, có sự tham gia của đại diện Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Thủ tướng. Tại cuộc họp, tất cả đều thống nhất với liên ngành là vụ án không oan.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem