Lúa giảm, nông dân khó bán
Giá lúa IR50404 liên tục giảm (còn 5.000-5.200 đồng/kg sau khi giảm 200-300 đồng/kg) khiến rất nhiều nông dân lo lắng. Do khó bán, nông dân đều giữ lúa phơi khô, trữ lại để chờ giá. Ông Ngũ Văn Cần, ở thị trấn Kinh Cùng (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) thu hoạch xong 1ha được hơn 8 tấn lúa nhưng kêu hoài chẳng bán được.
|
Nông dân ĐBSCL thu hoạch lúa đông xuân. |
Ông Cần cho biết: “Khi mới vừa thu hoạch xong định bán lúa tươi nhưng thương lái trả giá thấp nên tôi không bán. Tất cả lúa được đem về nhà phơi khô, trữ lại chờ giá lên. Tuy nhiên, hơn nửa tháng nay kêu hoài cũng bán không được. Mấy ngày nay, giá lúa lại sụt giảm nên không biết bao giờ mới bán được. Trong khi vụ hè thu đã sạ 1 tuần nên rất cần nhiều chi phí để mua phân bón, thuốc BVTV, nông dân gặp rất nhiều khó khăn”.
Cánh thương lái đang hạn chế thu mua vào để tránh tình trạng thua lỗ. Ông Trần Hoàng Nam – thương lái mua lúa ở miệt An Giang, Đồng Tháp cho biết: “Hiện nay, lúa còn tồn trong dân khá lớn, nhưng thương lái không dám mua vì sợ thua lỗ. Trong tình hình này nếu các nhà máy chế biến xuất khẩu hạn chế thu mua vào thì chắc chắn giá sẽ còn giảm gây bất lợi cho cả nông dân và thương lái”.
Theo tính toán của ngành nông nghiệp, tổng sản lượng lúa của toàn vùng khoảng 11 triệu tấn, từ đầu vụ tới nay tiêu thụ được khoảng 6 triệu tấn. Như vậy, tổng lượng lúa còn tồn trong dân và chưa thu hoạch khoảng 5 triệu tấn chưa biết sẽ bán được hay không khi giá có chiều hướng giảm.
Xuất khẩu cũng gặp khó
Đại diện một doanh nghiệp xay xát chuyên cung ứng gạo nguyên liệu cho các đơn vị xuất khẩu cho rằng: Thời gian gần đây, doanh nghiệp lúa gạo không dám mua lúa IR 50404. Lúa hạt dài (nguyên liệu sản xuất gạo 5% tấm) chỉ còn ở mức giá 5.000 đồng/kg, thấp hơn 300 đồng/kg so với cách đây hơn 1 tuần.
Trước đó, các doanh nghiệp tư nhân cung ứng gạo nguyên liệu (cho các đơn vị xuất khẩu) đều tổ chức thu mua, dự trữ sau các doanh nghiệp thành viên VFA thu mua tạm trữ theo chỉ đạo của Chính phủ. Tuy nhiên, khi lúa gần đầy kho, nhưng giao dịch lại rất ít. Vì vậy, đến nay giá xuống thấp doanh nghiệp cũng không dám thu mua vì đã hết vốn và đầy kho.
Lượng lúa ứ đọng còn rất lớn
Sau khi Chính phủ chủ trương cho mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo (tương đương 2 triệu tấn lúa), các doanh nghiệp đã triển khai mua từ 15.3 - 30.4. Tuy nhiên, qua gần 25 ngày thực hiện, lượng lúa còn tồn đọng ở ĐBSCL vẫn rất lớn. Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Huỳnh Minh Chắc vừa có công văn gửi Ban Bí thư T.Ư Đảng, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ về việc lúa hàng hóa đang tồn ở tỉnh này hơn 200.000 tấn. Trước đó, phát biểu trong cuộc họp với Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Long An Dương Quốc Xuân cũng cho biết ở Long An, giá lúa rớt liên tục, chẳng ai chịu mua. Vụ lúa này chỉ riêng tỉnh Long An đã đạt sản lượng trên 1,1 triệu tấn, nếu tính cả 12 tỉnh, thành ĐBSCL thì tổng sản lượng là rất lớn. Các DN thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo cho cả khu vực ĐBSCL thì chẳng thấm vào đâu. Lúa nếu không được đưa vào kho trữ kịp thời thì nông dân sẽ tiếp tục bị thiệt.
Ông Hồ Minh Khải - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Nông nghiệp Cờ Đỏ (Cần Thơ) cho biết: “Hiện các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam rất ngại, thậm chí không thu mua các loại lúa, gạo nguyên liệu phẩm cấp thấp. Các quốc gia xuất khẩu gạo như: Ấn Độ, Pakistan… đang hạ thấp giá bán loại gạo 25% tấm để cạnh tranh và giành giật thị trường châu Phi với nhiều doanh nghiệp của các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam”. Hiện tại, giá gạo nguyên liệu chỉ còn khoảng 6.400 – 6.700 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg so với tuần rồi.
Theo đánh giá của VFA, xuất khẩu gạo phẩm cấp cao của Việt Nam tại các thị trường Hongkong, Trung Quốc đang có những diễn biến tốt. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng: Nếu các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam tập trung khai thác thị trường này sẽ dẫn đến quá tải, gian lận dẫn tới mất thị trường. Trong khi đó, vụ lúa đông xuân năm nay chất lượng lúa giảm vì bị đổ ngã do mưa trái mùa, thiếu máy gặt đập liên hợp nên lúa quá chín dẫn đến khi xay xát, tỷ lệ gạo gãy cao làm giảm chất lượng…
Ông Trương Thanh Phong – Chủ tịch VFA cho rằng: “Gạo phẩm cấp thấp hầu như bị Ấn Độ chiếm lĩnh thị trường ở châu Phi. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo phẩm cấp thấp đang gặp khó. Hiện tại, các doanh nghiệp đang khai thác thị trường mới ở loại gạo phẩm cấp cao nhưng số lượng còn hạn chế. Vì vậy, những vụ tiếp theo cần khống chế việc gieo trồng lúa phẩm cấp thấp để tránh thiệt hại”.
Hoàng Mai
Vui lòng nhập nội dung bình luận.