ĐBSCL: Mía chưa thu hoạch đã lo lỗ

Thứ tư, ngày 25/07/2012 08:35 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Dù chưa đến vụ thu hoạch mía đường, nhưng các hộ nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long đã lo lũ sớm có thể nhấn chìm các ruộng mía, đặc biệt là họ có thể bị lỗ do giá mía nguyên liệu xuống thấp.
Bình luận 0

Cầm chắc phần lỗ

Năm nào cũng vậy, vùng nguyên liệu mía huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) cũng thu hoạch trước tiên ở ĐBSCL. Ông Nguyễn Văn Xù, ở xã Phụng Hiệp (Phụng Hiệp) cho biết: “Tôi trồng 3 công mía, nhưng năm nào cũng thu hoạch sớm để chạy lũ. Để đối phó với nước lũ, tôi và nhiều bà con nông dân ở địa phương đều chọn giống mía ROC 16 (giống chín sớm) để thu hoạch chạy lũ. Năm nay, giữa tháng 8 khi nước đổ về nếu có thương lái mua tôi cũng sẽ bán dù giá thấp hay cao”.

img
Nông dân huyện Phụng Hiệp thu hoạch mía chạy lũ.

Còn nông dân Nguyễn Minh Triều, ở xã Hiệp Hưng (huyện Phụng Hiệp) cũng thường xuyên bán mía ngay từ đầu vụ. Ông Triều cho rằng: “Vùng này không có đê bao, nên cứ nước lên là bắt buộc phải bán. Có năm mía mới được 7 hay 8 chữ đường cũng phải bán để tránh bị thiệt hại. Trong khi giá thành sản xuất năm nay rất cao do phân bón, nhân công đều tăng. Vì vậy, thu hoạch chữ đường thấp, thương lái trả giá thấp, thì coi như không có lời dù phải làm cả năm trời mới thu hoạch mía”.

Theo thống kê, toàn huyện Phụng Hiệp năm nay xuống giống hơn 9.037ha mía và là vùng nguyên liệu mía lớn nhất của Hậu Giang. Ông Nguyễn Thế Tự - Trưởng phòng NNPTNT huyện Phụng Hiệp cho biết: “Năm nay huyện đã đầu tư 153 tỷ đồng xây đê bao để bảo vệ 5.000ha mía. Tuy nhiên, vụ này chỉ xây dựng đê bao bảo vệ được khoảng 2.000ha, diện tích còn lại sẽ tiếp tục thi công sau”. Theo dự báo, lũ năm nay sẽ về sớm và cao hơn mức cùng kỳ nhiều năm. Do đó, tại thời điểm này, hàng trăm hộ dân đã bắt đầu phải lo thu hoạch hàng chục nghìn ha mía non để chạy lũ.

Ông Nguyễn Hoàng Ngoan – Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ (CASUCO) tính toán: Toàn vùng Phụng Hiệp có khoảng 9.000ha cần thu hoạch sớm để chạy lũ. Với năng suất khoảng 80-90 tấn/ha, thì sẽ có khoảng 800.000 tấn mía cần thu hoạch. Nếu cả 3 nhà máy trong tỉnh đều chạy hết công suất, phải mất 1 tháng mới tiêu thụ hết lượng mía trong dân.

Không nên thu hoạch sớm

Ông Nguyễn Hải– Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng: “Vụ mía mới với rất nhiều bất lợi, vì hiện tại còn tồn khoảng 250.000 tấn mía vẫn chưa bán được. Trong khi giá đường chỉ còn từ 16.000-17.000 đồng/kg, thấp hơn cùng kỳ 3.000 đồng/kg. Chưa kể, nạn buôn lậu đường vẫn tiếp tục tái diễn với số lượng ngày càng lớn. Giá đường nhập lậu chỉ có 15.900 đồng/kg nên gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp trong nước”.

Ghi nhận của phóng viên NTNN cho thấy, hiện một số nhà máy muốn vào vụ sớm khi chữ đường trong mía còn khá thấp. Theo khảo sát của các nhà máy đường, mía hiện chỉ ở mức từ 4-6 chữ đường.

Bà Bùi Thị Quy – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Mía đường Cồn Long Mỹ Phát cho biết: “Chúng tôi đang có kế hoạch bắt đầu ép mía vụ mới từ ngày 10.8 tới đây. Việc chạy sớm sẽ không ảnh hưởng tới các nhà máy khác trong khu vực vì công ty đã có vùng nguyên liệu riêng và thu mua mía để chạy lũ…”.

Theo tính toán, giá thành sản xuất mía năm nay từ 850-900 đồng/kg. Giá mua mía nguyên liệu dự kiến cũng chỉ ở mức 1.000 đồng/kg (mía 10 chữ đường tại ruộng), nên nông dân rất khó có lãi.

Tuy nhiên, sau tuyên bố của bà Quy, đã có rất nhiều nhà máy khác lên tiếng phản đối. Ông Lê Văn Hiệu – Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Tây Nam cho rằng: “Việc một nhà máy chạy sớm sẽ kéo theo nhiều nhà máy trong khu vực sẽ cùng nổ máy theo. Khi đó, mía chữ đường thấp, cả nông dân và nhà máy đều chịu thiệt.  Trong khi nước lũ đến cuối tháng 9 đầu tháng 10 mới về tới nội đồng huyện Phụng Hiệp.

Do đó, không thể lấy cớ thu hoạch sớm để chạy lũ”. Theo nhiều chuyên gia, khi cùng chạy sớm sẽ không đảm bảo lợi ích cho toàn xã hội. Bởi vì khi nhà máy chạy sớm, nông dân sẽ bán mía non giá thấp mà lượng đường ép ra cũng thấp. Điều này đã tái diễn trong nhiều năm qua ở ĐBSCL.

Ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng: “Trong điều kiện khó khăn như hiện nay, phải đảm bảo hài hòa lợi ích của nông dân- doanh nghiệp- người tiêu dùng. Tốt nhất là cuối tháng 8, đầu tháng 9 mới bắt đầu vào vụ ép mía sẽ đảm bảo mía đủ chữ đường, nông dân bán giá cao và doanh nghiệp cũng có lợi. Tuy nhiên, tất cả các nhà máy trong khu vực đều phải bảo trì sớm để đầu tháng 9 phải trong tư thế sẵn sàng nếu có lũ về sớm sẽ đồng loạt vào vụ ép để tiêu thụ mía trong dân, tránh thiệt hại cho nông dân”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem