Không hiểu vì sao mắc bệnh...Chị Nguyễn Thị Hiền Dung (quê Kế Sách, Sóc Trăng) đang điều trị bệnh SXH cho con gái 5 tuổi là cháu Phạm Như Ý, tại Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ cho biết: Ý nhập viện ngày 25.9, trong tình trạng sốt cao kéo dài trước đó 4 ngày. Bác sĩ chẩn đoán cháu bị SXH độ II. Sau 5 ngày điều trị, đến nay sức khỏe cháu Ý đã ổn định.
Bệnh nhi bệnh SXH điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ.
Theo chị Dung, trước đó chị cũng được tuyên truyền phòng chống bệnh SXH vàđã thực hiện đúng theo hướng dẫn như: Dọn cỏ rác xung quanh nhà, các lu chứa nước đã đậy nắp kỹ càng, các vật dụng có chứa nước tồn đọng chị đều đổ nước ra rồi lật úp lại để muỗi không còn chỗ trú ngụ. Khi ngủ, nhà chị đều mắc màn cẩn thận... Vậy mà không hiểu sao con chị vẫn mắc bệnh.
Bác sĩ Trần Châu - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ cho biết, trong quý III này số bệnh nhân SXH ở bệnh viện giảm. Từ đầu tháng 9 đến nay, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 20-25 ca, trong đó có 2-3 ca cấp cứu…
Ông Nguyễn Trung Nghĩa - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.Cần Thơ thông tin: Đến thời điểm này dịch SXH ở TP.Cần Thơ có chiều hướng giảm so với cùng kỳ năm 2012 và 6 tháng đầu năm. 9 tháng qua, toàn thành phố ghi nhận 361 ca (cùng kỳ 395 ca), không có ca tử vong. Số ca giảm nhưng dịch vẫn âm thầm nên không thể chủ quan.
Tăng cường phòng dịchTheo thống kê chung tại ĐBSCL, số ca mắc bệnh SXH trong toàn vùng có giảm. Ông Lê Thanh Liêm - Giám đốc Sở Y tế Long An cho biết, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh ghi nhận 2.218 ca bệnh, giảm 30% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, Long An vẫn có số ca SXH cao nên ngành hết sức tập trung vào công tác phòng, chống để kiềm chế tối đa dịch bệnh.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), so với cùng kỳ năm 2012, khu vực ĐBSCL giảm đáng kể số ca mắc bệnh SXH. Còn tại miền Trung và Tây Nguyên, số ca mắc tăng gấp 3-7 lần.
|
Ngành y tế Vĩnh Long ghi nhận gần 600 ca mắc SXH, trong đó 1 ca tử vong. Trong tuần qua, toàn tỉnh ghi nhận 13 ca mắc mới, tăng 18% (11 ca), nhưng giảm 65% so cùng kỳ (38 ca). Thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng Cà Mau cũng cho thấy, 6 tháng đầu năm Cà Mau vẫn có đến 135 ca SXH. Mặc dù số ca bệnh giảm khoảng 39% so với cùng kỳ nhưng có 2 ca tử vong.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Dân - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Cà Mau cho biết: "Mặc dù số ca SXH có giảm so với cùng kỳ, song tình hình dịch bệnh SXH luôn diễn biến phức tạp, nhất là hiện đang là mùa mưa. Chúng tôi đã chỉ đạo y tế cơ sở không ngừng tuyên truyền, mở các chiến dịch phun hóa chất, diệt lăng quăng, diệt muỗi, tẩm mùng đến tận hộ dân”.
Hồng Cẩm - Yên Vân (Hồng Cẩm - Yên Vân)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.