Nhiều nhưng vẫn… thiếuHoạt động xóa đói giảm nghèo hiện nay đã có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, xã nào cũng có Ban chỉ đạo xóa đói giảm nghèo. Nhưng theo đánh giá của Bộ LĐTBXH và Bộ Nội vụ, lực lượng đó vẫn chưa đủ.
Đại diện Bộ Nội vụ cho biết, hiện bộ đã triển khai đưa 600 trí thức trẻ về làm tình nguyện viên, cán bộ trẻ ở các xã đặc biệt khó khăn. Từ chương trình này, Bộ Nội vụ nhận thấy hoạt động xóa đói giảm nghèo vẫn chưa được thực hiện hiệu quả do thiếu người trực tiếp triển khai. Vì vậy, bộ này đề xuất xây dựng chính sách sử dụng những trí thức trẻ làm tình nguyện viên, cộng tác viên (TNV, CTV) về giảm nghèo.
CTV giảm nghèo thôn bản sẽ giúp công tác giảm nghèo hiệu quả, bền vững hơn (chụp tại xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, Lào Cai).
Qua khảo sát thực tế, phóng viên NTNN cũng ghi nhận sự thiếu thốn cán bộ này. Như ở xã Lương Sơn (huyện Bảo Yên, Lào Cai), cán bộ trực tiếp cập nhật các chính sách về giảm nghèo, thống kê số lượng hộ nghèo và thoát nghèo, trực tiếp “cầm tay chỉ việc” xây dựng các mô hình giảm nghèo hầu như chưa có.
Ông Kim Đức Văn – Phó Chủ tịch UBND xã bày tỏ: “Xã chỉ có một cán bộ làm công tác xã hội nói chung, việc triển khai các chương trình từ việc điều tra rà soát hộ nghèo, cho tới thực hiện chính sách dân số… đều do trưởng thôn làm nên công việc rất vất vả và không theo sát được. Rảnh thì làm, bận thì thôi”.
Theo ông Hoàng Văn Ngoại - Trưởng thôn Chiềng 2, thôn có 40 hộ nhưng chỉ có một trưởng thôn phụ trách chung, một CTV là y tá thôn bản, còn lại các vấn đề khác về giảm nghèo, hay trẻ em… không có ai phụ trách. “Chúng tôi chỉ làm công tác truyền đạt công văn, chỉ thị của bên trên là đủ mệt rồi, nói gì tới việc cầm tay chỉ việc giúp bà con thoát nghèo. Mà có muốn giúp cũng không có kiến thức, không có kinh nghiệm ”- ông Ngoại phân trần.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Dũng – Phó Giám đốc Sở Nội vụ Thanh Hóa thừa nhận: “Đồng bào dân tộc nói chuyện đoàn kết ăn chung, ngủ chung thì rất tốt nhưng để giảm nghèo thì khó thật. Phải có cán bộ chuyên trách theo sát hoạt động này”. Ông Dũng nêu thực tế từ địa phương: “Cứ nói là cán bộ ta “3 cùng” (cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm) nhưng thử hỏi có mấy cán bộ làm được điều đó. Cũng bởi lẽ đó, ở xã lãnh đạo thì nhiều mà người trực tiếp nắm đầu việc thì không có”.
Đề nghị nông dân trực tiếp làm CTVÔng Trần Quốc Toản – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, chuyên viên giảm nghèo khẳng định tính cần thiết phải lập mạng lưới CTV giảm nghèo. “Mạng lưới CTV này là ai, làm nhiệm vụ gì, do đơn vị nào quản lý, làm ở khu vực nào?... CTV giảm nghèo bền vững có khác gì với cộng tác viên xã hội? Cái này cần phải được xác định cụ thể” – ông Toản nói.
TS Trần Văn Miều – chuyên gia tư vấn giảm nghèo cho rằng: “CTV giảm nghèo phải là những người có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên hoặc là người đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi. Đặc biệt họ phải là những người có uy tín trong cộng đồng dân cư, có kỹ năng tư vấn lập kế hoạch, triển khai và giám sát… và được Nhà nước trả lương”.
|
Ông Toản cũng cho rằng muốn giảm nghèo bền vững điều đầu tiên cần làm ngay là phải nâng cao năng lực nội sinh, tức đẩy mạnh sản xuất kinh doanh hàng hóa cho bà con. Phải thoát cái đói, thì mới giảm được cái nghèo. Từ ý kiến này, ông Toản kiến nghị cần “lôi kéo” bằng được những nông dân giỏi, những người là già làng trưởng bản có uy tín, kinh nghiệm tham gia làm CTV xóa đói giảm nghèo.
“CTV giảm nghèo không phải là cán bộ công chức làm công tác quản lý mà CTV phải là những người “cầm tay chỉ việc”, cùng sống, cùng làm việc với bà con. Có vậy bà con mới tin mới làm theo được”- ông Toản nói
Bà Nguyễn Ánh Tuyết – Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hòa Bình cũng tán thành: “Nên tận dụng hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, những người có uy tín, kinh nghiệm trong thôn bản để làm CTV, chi phí hỗ trợ lương thấp, uy tín trách nhiệm của họ lại rất cao, có kinh nghiệm vì thế hiệu quả có thể tăng lên”.
Minh Nguyệt (Minh Nguyệt)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.