Đề cương về văn hóa Việt Nam: 70 năm vẫn vẹn nguyên giá trị

Thứ năm, ngày 19/09/2013 06:58 AM (GMT+7)
Ngay trước khi cuộc Cách mạng Tháng Tám lịch sử bùng nổ, Đảng ta đã cho ra đời bản đề cương về văn hóa vào năm 1943.
Bình luận 0
70 năm đã qua đi, nhưng giá trị của bản tuyên ngôn đầy đủ nhất về việc xây dựng một nền văn hóa mới trên đất nước vẫn còn nguyên ý nghĩa trong đời sống hôm nay.

Điểm tựa cho dân tộc

Nhà văn Đỗ Kim Cuông- Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp Các hội VHNT Việt Nam cho biết: “Bạn thân của tôi, một nhà phê bình – lý luận văn học, nhiều năm công tác ở Viện Văn học có công sưu tầm lưu trữ các tài liệu liên quan tới các tác giả, tác phẩm lý luận phê bình văn học Việt Nam, trong một lần trò chuyện đã cho hay: Bản Đề cương về văn hóa Việt Nam - 1943 của Đảng thực sự chỉ được công bố bằng văn bản chính thức lần đầu vào tháng 12.1945 trên tờ tạp chí Tiên Phong số 1 – cơ quan ngôn luận đầu tiên của Hội Văn hóa cứu quốc.

Còn vào năm 1943, theo trí nhớ của những nhân chứng sống ít ỏi còn đến ngày nay thì tổ chức Đảng đi phổ biến văn kiện về văn hóa nói trên cũng chỉ là tuyên truyền miệng, chưa ai được nhìn thấy văn bản ấy. Người nghe ghi tốc ký vào sổ tay, ghi trong trí nhớ rồi truyền miệng phổ biến cho nhau. Ấy vậy mà Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam vẫn ra đời vào những năm đen tối, đất nước chưa giành được độc lập, người dân sống một cổ hai tròng Pháp – Nhật, nạn đói đang hoành hành, Chiến tranh thế giới lần thứ 2 đang nổ ra dữ dội”.

Nhà báo Hữu Thọ phát biểu tại hội thảo.
Nhà báo Hữu Thọ phát biểu tại hội thảo.

Ngày nay, đọc lại Đề cương về văn hóa Việt Nam- 1943 của Đảng, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng. Có lẽ đây là một trong những nghị quyết về văn hóa quan trọng của Đảng ít chữ nhất, lý luận cũng rất giản dị, chỉ là sự gợi mở nhưng rất sâu sắc, nhưng đó cũng là một trong những nghị quyết có sức sống lâu bền và giá trị thực tiễn đến kỳ lạ- nhà văn Đỗ Kim Cuông nhận xét.

Phát biểu tại cuộc hội thảo do Ban Tuyên giáo T.Ư phối hợp Bộ VHTTDL tổ chức tại Hà Nội vào sáng 18.9, GS Phong Lê cho biết: “Đề cương về văn hóa Việt Nam của Đảng, với 3 phương châm cho vận động văn hóa mới là “Dân tộc hóa, Đại chúng hóa, Khoa học hóa”, là sự trả lời các nhu cầu cấp bách của thời cuộc, khi đất nước bước vào thời kỳ tiền khởi nghĩa. Đồng thời nó cũng là sự tiếp tục trong mạch sâu một tiến trình đã diễn ra từ thập niên mở đầu thế kỷ, với công đóng góp của nhiều thế hệ trí thức, từ Nho học sang Tây học. Và một nền văn hóa mới dần dần hình thành thay cho nền văn hóa cũ, xóa tan không khí bức bối, tù đọng đầu thế kỷ”.

Đồng quan điểm, GS Hà Minh Đức cho biết: “Đề cương ra đời đúng lúc, có sự cổ vũ lớn lao, động lực lớn của thời kỳ này là vấn đề dân tộc, vấn đề cứu nước. Vấn đề dân tộc là thiêng liêng và chi phối toàn bộ hoạt động văn hóa văn nghệ. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng trong vở kịch “Vũ Như Tô” qua câu chuyện lịch sử và hình tượng nghệ sĩ đã khẳng định: Nghệ thuật phải phục vụ cho chính nghĩa, cho lợi ích của nhân dân. 70 năm đã qua, đề cương vẫn là một mốc son và điểm sáng trong đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng”.

Tìm kiếm sự bình yên

Mặc dù nhờ có sự ra đời của Đề cương về văn hóa Việt Nam cách đây 70 năm, nền văn hóa của đất nước đã đạt được nhiều thành tựu to lớn và đáng kể, nhưng trong giai đoạn hiện nay, vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần tích cực giải quyết. Nhà báo lão thành Hữu Thọ- nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa T.Ư cho biết:

“Nhìn tổng thể thì nhận thức của lãnh đạo và xã hội về văn hóa cho thấy càng ngày tầm quan trọng của văn hóa càng cao hơn, tuy nhiên đối chiếu với phương hướng, nhiệm vụ mà Nghị quyết T.Ư 5 đề ra thì tôi thấy có nhiều mặt giảm sút nghiêm trọng về đạo đức, tư tưởng, lối sống. Có thể thấy chúng ta đang không bình yên ngay trong thời bình, một người bạn tôi, nhạc sĩ Dương Thụ, là một người Hà Nội đã phải lên tiếng nhận xét: “Hà Nội ngày xưa nghèo nhưng mà lành”, tức là còn có vế sau, giờ thì giàu nhưng mà ác. Tôi thấy điều này đúng quá, vì con cháu chúng tôi giờ ra khỏi nhà là chúng tôi lo nơm nớp, không thấy yên tâm một chút nào”.

Một bản đề cương được viết ra trong một hoàn cảnh ít ỏi về thông tin và trong hoàn cảnh dồn dập, nóng bỏng... thì khó tránh khỏi những hạn chế, đó cũng là một điều dễ hiểu. Nhưng hồn cốt của nó thì còn có sức sống lâu dài”.
Nhà thơ Hữu Thỉnh- Chủ tịch Hội Nhà văn VN

Nhà báo Hữu Thọ cũng chỉ rõ, khi xem xét nguyên nhân, người ta thường nói trách nhiệm để cho suy thoái văn hóa ở 3 bộ phận, sản xuất, tiêu dùng và quản lý sản phẩm văn hóa mà quan trọng nhất là trách nhiệm quản lý.

Hiện nay, còn tồn tại các hiện tượng vô văn hóa nhưng phổ biến hơn là các hiện tượng “dưới văn hóa”, và nó thực sự nguy hiểm. Không thể xây dựng văn hóa chỉ với các chỉ thị, nghị quyết mà phải xây dựng từ bên trong từng con người cụ thể, phải làm sao để không còn tham nhũng, tiêu cực trong bộ máy công quyền để từ đó làm cho toàn bộ đời sống xã hội trong sạch hơn.

Phát biểu tại buổi hội thảo, đồng chí Đinh Thế Huynh- Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư nhấn mạnh: “Kỷ niệm 70 năm ngày ra đời Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 là dịp để chúng ta khẳng định những giá trị soi đường, tác dụng định hướng của bản đề cương lịch sử này, nhận thức đầy đủ hơn trách nhiệm vận dụng những chủ trương đúng đắn, kinh nghiệm quý báu của Đảng ta vào sự nghiệp xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam. Chúng ta rút ra những bài học quan trọng, đề xuất bổ sung, hoàn thiện các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để phát triển nền văn hóa của đất nước trong thời gian tới”.

Mai An (Mai An)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem