Đề nghị thu hồi, xử lý hơn 35 tỷ đồng vì sai phạm, thiếu sót trong đầu tư công

An Linh Thứ hai, ngày 16/05/2022 17:36 PM (GMT+7)
Trong báo cáo gửi Quốc hội, Bộ KH&ĐT cho biết đã tổ chức nhiều đợt thanh kiểm tra về đầu tư công, trong đó có các trường hợp cố tình làm chậm, gây lãng phí cho ngân sách.
Bình luận 0

Qua thanh tra, cơ quan này đã yêu cầu các đơn vị, tổ chức có liên quan nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, sai sót trong việc triển khai và chấp hành pháp luật trong đầu tư công.

Đề nghị xử lý hơn 35 tỷ đồng vì sai phạm trong đầu tư công - Ảnh 1.

Về thu hồi, phạt tiền, Bộ KH&ĐT kiến nghị xử lý số tiền 35,36 tỷ đồng (trong đó thu về ngân sách trung ương là 0,41 tỷ đồng, thu hồi về ngân sách địa phương là 2,66 tỷ đồng, giảm trừ khi quyết toán là 0,76 triệu đồng, xử lý khác về mặt kinh tế là 31,53 tỷ đồng).

Về tình hình phân bổ, triển khai kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2022, thống kê từ Bộ KH&ĐT cho thấy tính đến hết ngày 25/4, tổng số vốn các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã có quyết định giao chi tiết cho các dự án đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giải ngân trong năm 2022 là 479.500 tỷ đồng, đạt 92,6% so với số vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Tuy nhiên, số vốn các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa phân bổ còn khá lớn (38.578 tỷ đồng), bằng khoảng 7,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Nguyên nhân chủ yếu là do một số Bộ, cơ quan trung ương và địa phương đang hoàn thiện thủ tục đầu tư (quyết định đầu tư) cho các dự án vừa được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, vốn ngân sách nhà nước năm 2022 ước thanh toán đến 30/4/2022 là 95.700 tỷ đồng, đạt 18,48% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, xấp xỉ cùng kỳ năm 2021.

Có 7 Bộ và 8 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 25%. Có 43/51 Bộ và 28/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 17%, trong đó có 17 Bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn.

Bộ KH&ĐT đánh giá thực trạng giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm 2022 cơ bản tương tự như các năm trước, tỷ lệ giải ngân những tháng đầu năm thấp, xu hướng tăng mạnh trong những tháng cuối năm…

Tuy nhiên, nguyên nhân giải ngân chậm vẫn là do công tác tổ chức triển khai thực hiện tại các Bộ, ngành và địa phương còn nhiều bất cập. Các cấp, các ngành chưa thực sự vào cuộc, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét…

Trong năm 2022, Bộ KH&ĐT cho biết đã có kế hoạch tổ chức 6 cuộc thanh tra chuyên ngành về việc chấp hành pháp luật về đầu tư công giai đoạn 2016-2020 tại các tỉnh Cao Bằng, Hòa Bình, Bình Định, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Tuyên Quang.

Công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài chưa sát thực tế dẫn đến số vốn nước ngoài năm 2021 hủy khá lớn, khoảng 20.000 tỷ đồng (khoảng 870 triệu USD).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem