Nhưng, quỹ đất đang bị thu hẹp dần do đô thị hóa nhanh, dẫn đến lợi nhuận thu được từ việc sử dụng đất để trồng cỏ, nuôi bò không hấp dẫn bằng kinh doanh các ngành nghề khác. Từ đó, người sử dụng đất có xu hướng chuyển sang những ngành kinh doanh khác để thu được lợi nhuận cao hơn. Để giải quyết bài toán này, giúp ngành chăn nuôi bò sữa phát triển, Friesland Campina Việt Nam (FCV) đề xuất giải pháp “Vùng chăn nuôi bò sữa bền vững”.
|
Cán bộ kỹ thuật của Cô gái Hà Lan hướng dẫn nông dân. |
Xây dựng ở những vùng ổn định
“Vùng chăn nuôi bò sữa bền vững” cần được xây dựng ở những vùng ổn định. Trước hết phải là vùng có quỹ đất dồi dào và thổ nhưỡng khí hậu thích hợp cho việc nuôi bò sữa, trồng cỏ, trồng ngô làm thức ăn tự nhiên cho bò, và phát triển các ngành phụ trợ, được Nhà nước quy hoạch ổn định lâu dài, với đầy đủ những chính sách, hành lang pháp lý...
Thứ hai, vùng này cần phải có sẵn hoặc được đầu tư để có cơ sở hạ tầng phục vụ cho chăn nuôi như giao thông, điện nước tối thiểu, cơ sở chế biến và cung ứng thức ăn, giống, thú y. Thứ ba, nơi đây cần phải có hệ thống thu mua và chế biến sữa để đảm bảo đầu ra an toàn cho nông dân. Ngoài ra, người nông dân tại vùng chăn nuôi phải được huấn luyện các kỹ thuật chăn nuôi, quản lý chất lượng, quản lý trang trại một cách chuyên nghiệp để có thể nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí, nâng cao lợi nhuận - cơ sở để họ gắn bó với nghề lâu dài.
Cán bộ kỹ thuật của FCV hướng dẫn nông dân
Người chăn nuôi là trung tâm trong “Vùng chăn nuôi bò sữa bền vững”, người chăn nuôi bò sữa chính là trung tâm để hình thành cả chuỗi giá trị, kích hoạt và thúc đẩy sự phát triển của các thành phần kinh tế địa phương. Các hộ nông dân trong vùng có thể tham gia đầu tư nhân lực, vốn, đất đai lập trang trại chăn nuôi bò sữa.
Họ sẽ được hỗ trợ huấn luyện đào tạo nghề nuôi bò sữa bài bản, được FCV tư vấn, hỗ trợ giám sát để xây dựng được hệ thống trang trại đạt chuẩn, từng bước tăng năng suất, chất lượng sữa tươi và tiết kiệm chi phí. Sản phẩm sữa được bán trực tiếp cho hệ thống thu mua tại chỗ của FCV. Ngoài ra, họ còn có thể cung cấp phân bón cho các hộ trồng trọt hay các nông trại khác…
Không chỉ người nuôi bò sữa được lợi mà các thành phần kinh tế khác cũng được kích hoạt. Trại chăn nuôi bò sữa sẽ tiêu thụ sản phẩm của người cung cấp thức ăn gia súc tại địa phương và tiêu thụ sản phẩm (cỏ, ngô) của hộ trồng trọt, kích thích các hộ trồng trọt đầu tư nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng. Những người chăn nuôi bò sữa, những hộ trồng trọt cũng sẽ sử dụng các dịch vụ như giống, dịch vụ kỹ thuật, thú y, bảo vệ thực vật, thu hoạch, chế biến, máy móc thiết bị nông nghiệp, vốn, huấn luyện đào tạo…, tạo điều kiện cho những nhà cung cấp dịch vụ này cũng như nguồn nhân lực tại địa phương cùng phát triển.
Thúc đẩy sự phát triển
Điểm đặt biệt của dự án là người nuôi bò, người trồng trọt, người sản xuất thức ăn, các cán bộ thú y, kỹ thuật, các nhà cung cấp dịch vụ, các ngân hàng, nhà cung cấp vốn, công ty sản xuất sữa đều phải đầu tư, không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả để có được một vị trí trong chuỗi giá trị này. Tất cả cũng sẽ có khả năng phát triển và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh do đầu vào và đầu ra đều ổn định, sẵn có ngay trong vùng, có khả năng tăng thu nhập, giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh doanh do tận dụng được tất cả các thành phẩm lẫn phụ phẩm, mua tận gốc bán tận ngọn.
Khi các nguồn lực ở địa phương được sử dụng hiệu quả và bền vững, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước thì cũng sẽ giúp chính quyền giải quyết được căn cơ các vấn đề kinh tế xã hội tại các vùng nông thôn tại địa phương và tiếp tục đầu tư phát triển mở rộng… góp phần vào việc phát triển nông nghiệp và nông thôn một cách bền vững.
Minh Luân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.