Tính đến thời điểm hiện tại đã có nhiều tỉnh thành trên cả nước tổ chức cho học sinh thi vào lớp 10 THPT năm học 2021-2022. Nếu như kỳ thi dành cho học sinh không chuyên nhận được sự quan tâm của đông đảo phụ huynh và học sinh thì thi vào lớp 10 chuyên trở thành tiêu điểm của mỗi tỉnh. Mặc dù kỳ thi chỉ có số ít thí sinh tham gia nhưng cả chất lượng thí sinh và độ khó của đề thi thực sự đáng nể.
Nếu như đề thi Văn chuyên ở Khánh Hòa gây tranh cãi với câu "Nếu em làm nước sôi" thì mới đây đề thi vào lớp 10 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định lại khiến nhiều giáo viên, phụ huynh chú ý.
Đề Văn có 2 phần Đọc - Hiểu văn bản và Tập làm văn và trong vòng 150 phút các thí sinh phải trả lời hoàn chỉnh 6 câu hỏi. Điều đáng nói độ dài của đề kín mặt cả 2 trang giấy và độ "khoai" của đề không phải ai cũng làm được.
Đề thi quá cũ và áp đặt
Trao đổi với PV báo Dân Việt, cô Phạm Thái Lê, giáo viên Văn Trường Marie Curie Hà Nội cho biết: "Đề thi vào chuyên Văn ở Nam Định quá cũ về ngữ liệu và lỗi thời về tư tưởng. Đề này có vẻ chỉ phù hợp với tình hình dạy - học Văn trước năm 1975. Có bạn còn thốt lên khi đọc đề thi này là "Em cứ tưởng đề... thời mẹ em đi thi cơ!". Nhiệm vụ của dạy-học Văn trong nhà trường hiện nay là phải hướng học sinh đến vấn đề tươi mới, gần gũi với trẻ nhưng phải nhân văn và vĩnh cửu.
Thứ hai, ở đề thi này, 2 câu hỏi ở phần Tập làm văn đều áp đặt, đóng khung và gò bó. Ở câu thứ nhất khi hỏi "Anh chị nói lời riêng hay mượn lời kẻ khác" có thể vẻ rất mở nhưng khi gắn liền với ngữ liệu phần đọc hiểu thì đã định hướng, định hình cho thí sinh đi theo ý của người ra đề. Chưa bàn đến hai lựa chọn mà câu hỏi nêu ra, thực sự tôi cũng không hiểu vì sao câu hỏi này lại áp được vào ngữ liệu này.
Ở câu 2, yêu cầu học sinh chứng minh "sự nhìn nhận và tu sửa của thơ ca đối với con người và cuộc sống", qua bài Đoàn thuyền đánh cá là không ổn. Chưa bàn tới nhận định của Chế Lan Viên nhưng cách ra đề lấy một nhận định, lẩy ra một câu, một ý của ai đó rồi yêu cầu chứng minh bằng một văn bản là hết sức khiên cưỡng và áp đặt. Huống chi, hiện nay, người đọc thơ rất ít, có thể nói là thơ đang "chết yểu" trên "thị trường" văn học. Vậy mà đặt ra vấn đề "thơ không phải chỉ nhìn nhận mà còn tu sửa" thì quá xa lạ với thế hệ trẻ nói chung và với tâm lý học sinh lớp 9. Vì vậy học sinh sẽ chỉ viết những điều sáo rỗng, xa rời thực tế, thậm chí giả dối, khác hoàn toàn với tư duy của trẻ. Điều này chỉ làm trẻ thêm chán, ghét môn Văn".
Hướng đi nào cho đề thi chuyên?
Cô Lê chia sẻ thêm: "Tôi theo dõi một loạt các đề thi trường chuyên ở các tỉnh thì thấy Thái Bình, Hà Nội, Đồng Nai, Yên Bái, Quảng Ngãi, Huế, Bình Thuận… là những tỉnh không ra câu hỏi đọc hiểu. Phần đọc hiểu chỉ là những câu hỏi vụn, tủn mủn. Nó phù hợp với việc kiểm tra học sinh đại trà, đưa vào đề thi chuyên là không nên.
Cấu trúc đề theo 2 phần nghị luận xã hội và nghị luận văn học là đang phù với thực tế dạy học Việt Nam bây giờ. Trong đó nghị luận văn học cần đề cao tính nhân văn, đề nghị luận xã hội cần gần gũi thiết thực hơn, cởi mở hơn. Đặc biệt, câu lệnh không chỉ đóng khung, không nên định hướng để học sinh được rộng rãi bày tỏ quan điểm của mình hơn".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.