Đề xuất bỏ ngay 31 phí kiểm dịch gia cầm

Thanh Xuân Thứ hai, ngày 22/06/2015 11:12 AM (GMT+7)
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đã ký văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị bãi bỏ ngay 31 loại phí, lệ phí kiểm dịch gia cầm. Nếu được chấp thuận, sẽ chỉ còn 2 loại phí mà người dân, doanh nghiệp cần phải trả.
Bình luận 0

Những loại phí vô lý, gây phiền hà cho dân

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, ngay sau khi hứa với Quốc hội sẽ xem xét bãi bỏ các loại phí kiểm dịch gia cầm, ông đã yêu cầu Cục Thú y tiến hành rà soát, xem xét các loại phí hiện hành để đề nghị Bộ Tài chính bãi bỏ. “Tôi đã trực tiếp ký văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đề nghị bãi bỏ ngay 31 loại phí, lệ phí liên quan đến kiểm dịch gia cầm. Dù cơ quan thú y có tỏ ra tiếc nuối, nhưng tinh thần là dứt khoát phải bỏ. Cái gì vô lý, gây phiền hà cho người dân thì không thể giữ”- ông Phát khẳng định.

img
Tới đây, người chăn nuôi gia cầm sẽ chỉ còn phải chịu 2 loại phí là phí cấp giấy chứng nhận kiểm dịch và phí kiểm soát giết mổ. Ảnh chụp một trang trại chăn nuôi gia cầm tại thị xã Phú Thọ. Ảnh:  L.H.T
Ngày 21.6, trao đổi với NTNN, ông Dương Tiến Thể - Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, nhằm tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí cho các doanh nghiệp có các hoạt động liên quan đến thú y, ngày 13.6, Bộ NNPTNT và Bộ Tài chính đã họp để rà soát, bãi bỏ một số nội dung thu phí, lệ phí trong công tác thú y được quy định tại Thông tư số 04 ngày 5.1.2012 giữa Bộ NNPTNT và Bộ Tài chính (gọi tắt là Thông tư 04).

Cụ thể, sau cuộc họp này, Bộ NNPTNT đã thống nhất đề nghị bỏ 14 khoản lệ phí quy định tại Phụ lục 1 của Thông tư 04, gồm: Cấp giấy chứng nhận vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh; cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển; bỏ nội dung thu lệ phí cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật xuất khẩu, nhập khẩu, tạm xuất tái nhập; giấy chứng nhận bệnh phẩm; cấp giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển qua bưu điện, hàng mang theo người (không phụ thuộc số lượng, chủng loại); cấp lại giấy chứng nhận kiểm dịch do khách hàng yêu cầu; cấp giấy chứng nhận vệ sinh thú y đối với nơi tập trung động vật, sản phẩm động vật để bốc xếp; cấp giấy chứng nhận vệ sinh thú y.

Chỉ còn 2 loại phí

Đối với các khoản thu phí, Bộ NNTNT cũng đề nghị Bộ Tài chính bãi bỏ 4 mục thu phí phòng chống dịch bệnh cho động vật quy định tại Phụ lục 2 của Thông tư 04, gồm: Vệ sinh khử trùng, tiêu độc; xử lý các chất phế thải động vật; tạm giữ chó thả rông bị cơ quan thú y bắt; kiểm tra việc đăng ký chó nuôi (hạn 1 năm). Đồng thời, Bộ NNPTNT cũng đề nghị bỏ 13 mục thu phí kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y quy định tại Phụ lục 4 của Thông tư 04, gồm: Trứng gia cầm các loại; trứng đà điểu; trứng cút; trứng tằm; tinh dịch; sản phẩm động vật pha lóc, đóng gói lại, sơ, chế biến; sừng mỹ nghệ; kiểm tra chất thải động vật đã qua xử lý; kiểm tra vệ sinh thú y đối với cơ sở sản xuất giống thủy sản; kiểm tra vệ sinh thú y đối với cơ sở kinh doanh giống thủy sản; vệ sinh tiêu độc trong công tác kiểm dịch; dán tem kiểm tra vệ sinh thú y sản phẩm động vật; đánh dấu gia súc…

Theo đề xuất của Bộ NNPTNT, tới đây việc thu phí kiểm dịch gia cầm cơ bản chỉ còn 2 loại phí là: Cấp giấy chứng nhận kiểm dịch và phí kiểm soát giết mổ. Việc vệ sinh tiêu độc khử trùng và niêm phong phương tiện vận chuyển do doanh nghiệp tự làm dưới sự giám sát của cơ quan thú y địa phương...

Tạo sức cạnh tranh cho nông sản

Quan điểm

Ông Nguyễn Văn Trọng
 Quan điểm của Bộ trưởng là vẫn phải thu các khoản phí, nhưng không được thu nhiều lần cùng một loại sản phẩm mà chỉ được thu một lần từ cơ sở sản xuất gốc. 
Theo Cục Thú y, nếu các đề nghị trên được Bộ Tài chính chấp thuận, mỗi năm thú y cơ sở sẽ giảm nguồn thu từ các loại phí khoảng vài chục tỷ đồng. Cũng theo cơ quan này, nếu xét ở góc độ người dân và doanh nghiệp thì việc bãi bỏ các loại phí này sẽ là điệu kiện thuận lợi để giảm giá thành sản phẩm, tạo sức cạnh tranh cho các mặt hàng nông sản nhất là trong quá trình Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng. Tuy nhiên, ở mặt ngược lại, việc giảm quá nhiều khoản phí cũng sẽ gây thất thu với các khoản phí, thuế, trong khi quy định hiện hành của một số cơ quan là lấy thu bù chi có thể sẽ làm cho thú y cơ sở không có động lực, dẫn tới các hoạt động kiểm soát dịch bệnh gia cầm và buôn lậu gia cầm có thể sẽ hoành hành trở lại.

 

Trái với quan điểm của cơ quan thú y, đứng về phía sản xuất, ông Nguyễn Văn Trọng – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho rằng, việc có thu phí kiểm dịch hay không thì điều quan trọng là phải lưu thông được hàng hóa. “Tôi ví dụ với một quả trứng được sản xuất ở Nam Định đã được kiểm dịch, khi vận chuyển lên Hà Nội để ấp nở ra con giống lại bị kiểm dịch thêm một lần nữa thi tức là phí chồng phí, không cần thiết. Hiện nay, theo quy định, 90% các khoản phí được các cơ quan giữ lại đề bù vào chi phí hoạt động, song nếu không có các khoản phí này thì trách nhiệm của nhà nước vẫn phải thực hiện” - ông Trọng nói.

Ông Trọng cũng thẳng thắn: “Hiện lĩnh vực của Cục Chăn nuôi cũng không có thu gì nhưng vẫn phải làm vì đó là trách nhiệm, chứ cứ như một số nơi “ăn tiền quen” rồi không có tiền không làm là không được”.

Quyết định trên của Bộ NNPTNT cũng được nhiều doanh nghiệp đồng tình ủng hộ. Giám đốc một cơ sở sản xuất gia cầm giống ở Bắc Ninh cho biết: Bình thường việc thu phí kiểm dịch gây rất nhiều phiền phức cho doanh nghiệp, bởi thực chất cơ quan thú y đôi khi cũng chẳng cần kiểm dịch mà cứ định kỳ đến nơi thu tiền. Như cơ sở của ông mỗi năm mất đến hàng tỷ đồng vì các loại phí kiểm dịch. Theo vị giám đốc này, bản thân các cơ sở sản xuất cũng ý thức được việc phòng trừ dịch bệnh để đảm bảo an toàn cho đàn gia cầm của mình, nên ngay cả khi không còn các khoản phí trên, doanh nghiệp cũng có thể tự thuê các cơ sở dịch vụ để thực hiện việc tiêu độc, khử trùng, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả…

Bộ Tài chính đã nhận được yêu cầu của Bộ NNPTNT

Hôm qua (21.6), trao đổi với NTNN, đại diện Bộ Tài chính cho biết, Bộ Tài chính đã nhận được yêu cầu sửa Thông tư số 04 của Bộ NNPTNT. Tuy nhiên, việc phát sinh này cần phải được rà soát, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi ban hành để tránh lại gây phiền hà cho người dân. 
Thêm nữa, theo quy định của pháp luật, từ khi nhận được đề nghị của bộ chuyên ngành đến khi cho ra dự thảo, ban hành thông tư chính thức cũng cần thêm một khoảng thời gian.

Mai Hương

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem