Nặng gánh phí... nuôi gà!

Ngọc Minh - Thanh Xuân (Đồng Nai) Thứ năm, ngày 08/01/2015 10:22 AM (GMT+7)
Các hộ nông dân và doanh nghiệp chăn nuôi đang rất bức xúc vì phải gánh nhiều chi phí chồng chéo, trùng lắp làm mất thời gian và đội chi phí giá thành sản phẩm lên.
Bình luận 0

Tại buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM về góp ý cho dự thảo Luật Thú y vào ngày 6.1, ông Nguyễn Văn Trực - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn cho biết hiện phí, lệ phí kiểm dịch trên gia cầm còn khá nhiều, đôi lúc trùng lắp làm tăng chi phí sản xuất và lưu thông. Chẳng hạn, đối với con gà, từ lúc nuôi đến lúc xuất thịt, giết mổ phải chịu khoảng 14 loại phí, lệ phí (phí kiểm dịch gà con mới nở, phí cấp giấy kiểm dịch xuất gà con khỏi trại ra ngoài tỉnh/nội tỉnh, phí tiêu độc sát trùng, phí kiểm soát giết mổ... ). “Trong quá trình chăn nuôi, định kỳ 3-6 tháng cơ sở phải lấy mẫu nước, phân để kiểm tra kháng thể một số bệnh cũng phải đóng phí” - ông Trực nói.

Quá nhiều chi phí

Anh Vũ Đình Khôi ở xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai khi nghe phóng viên hỏi về các khoản phí chăn nuôi gà thì như chạm trúng “nỗi niềm”. Anh bức xúc: “Khổ lắm, đủ loại chi phí mà tôi không sao nhớ hết”. Chẳng hạn, như phí thú y, anh Khôi kể từ lúc mua con giống về đã phải có giấy chứng nhận con giống an toàn dịch bệnh, còn nếu con giống từ trứng gà nhà đẻ để lại thì phải đi kiểm dịch, đóng phí để lấy cái giấy này. Xong sau đó phải đóng phí mời nhân viên thú y đến vệ sinh chuồng trại, tiêu độc, khử trùng để lấy giấy chứng nhận chuồng trại an toàn dịch bệnh. “Cái này vụ nuôi nào cũng phải làm, khi có dịch bệnh thì còn tăng cường hơn. Trước có mấy lần tôi tự làm, mấy ổng cũng không cho, bắt phải để họ làm lại. Tiếp đến là phí tiêm phòng dịch bệnh cho vật nuôi, 3-5 loại bệnh gì đó. Rồi đến lúc xuất chuồng cũng phải mời thú y xuống kiểm dịch, đóng phí an toàn dịch bệnh rồi mới cho thương lái đến bắt. Tính ra toàn bộ các loại phí thú y đâu cũng hết cả trăm ngàn đồng cho 1 đàn gà hoặc 1 con lợn ” – anh Khôi nhẩm tính

img

Một con gà đang phải chịu nhiều loại chi phí.   B.T.K
Đó chỉ mới là các loại chi phí thú y, kiểm dịch mà một hộ chăn nuôi phải gánh. Còn doanh nghiệp thì phải gánh thêm nhiều loại chi phí nữa trong khâu giết mổ và lưu thông, vận chuyển, phân phối ra thị trường. Đồng quan điểm với ông Nguyễn Văn Trực, bà Phạm Thị Ngọc Hà- Giám đốc Công ty San Hà ở TP.HCM (chuyên kinh doanh gà) cho biết, doanh nghiệp chăn nuôi đang phải gánh nhiều loại chi phí kiểm dịch thú y. Cụ thể một con gà, con lợn từ lúc công ty nuôi khi còn nhỏ đến lúc giết mổ, xuất thịt bán ra thị trường phải chịu đủ loại phí, từ phí kiểm dịch gà con, đến phí kiểm dịch gà xuất chuồng, phí lưu thông, phí môi trường... Đặc biệt trong đó có nhiều loại chi phí chồng chéo và trùng lắp gây khó khăn cho doanh nghiệp.

 

Bộ trưởng chỉ đạo rà soát

“Từ khi còn là con giống đã phải chịu phí kiểm dịch con giống an toàn dịch bệnh, đến lúc xuất chuồng cũng phải kiểm dịch lại lần nữa rồi tới lò mổ lại tiếp tục chịu phí giết mổ. Chưa hết đến khi vận chuyển lưu thông cũng phải chịu tiếp phí vận chuyển nội tỉnh rồi ngoại tỉnh. Nhưng điều tôi bức xúc nhất là cùng một lô hàng đó sau khi xẻ thịt ở lò mổ vận chuyển về kho lạnh công ty rồi đến kho các đại lý phân phối đi trên cùng một địa bàn, nhưng cứ mỗi lần vận chuyển là mỗi lần phải đóng phí. Trong khi theo quy định của Bộ NNPTNT và Bộ Tài chính chỉ thu phí vận chuyển nội tỉnh cho một lô hàng có 5.000 đồng/lô hoặc 135 đồng/kg thịt đã pha chế” – bà Phạm Thị Ngọc Hà phản ánh.

Quan điểm

Ông Nguyễn Văn Trực
  Đề nghị đối với các đơn vị sản xuất theo chuỗi khép kín (từ gà con nuôi thịt, giết mổ, chế biến) chỉ nên tính phí kiểm dịch đầu vào (gà con) và đầu ra cuối cùng (chế biến), bỏ các công đoạn trung gian. 
Đại diện Công ty Vissan cũng phản ánh sự trùng lắp trong các chi phí thú y gây khó khăn cho doanh nghiệp. Hiện mỗi ngày Vissan chế biến cả ngàn tấn thịt chuyển vào các kho lạnh để đưa ra thị trường. Theo quy định, khi vận chuyển, công ty phải nộp một khoản phí kiểm dịch là 135 đồng/kg thịt. Tuy nhiên, khi chuyển sản phẩm từ kho lạnh về, công ty lại tiếp tục phải đóng khoản phí trên.

 

Trước bức xúc của người dân, doanh nghiệp, trao đổi với NTNN, ông Trần Văn Quang- Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai lại cho rằng các hoạt động kiểm dịch thú y này là cần thiết để bảo vệ môi trường, tính mạng của con người và chi phí kiểm dịch chiếm một tỷ lệ rất nhỏ, không đáng kể trong chi phí giá thành sản phẩm (!). Ngoài các chi phí kiểm soát dịch bệnh như tiêm phòng bệnh tiền thuốc ngành thú y không thu, vệ sinh chuồng trại thì ngành chỉ thu phí kiểm dịch con giống, xuất chuồng và vận chuyển theo đúng quy định của ngành từ bao lâu nay thôi.

Ngày 7.1, trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Văn Trọng – Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, trong buổi làm việc giữa đại diện Cục Chăn nuôi, Cục Thú y ngày 6.1, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan cần rà soát lại những văn bản liên quan tới phí, lệ phí kiểm dịch gia cầm xem có đúng như người dân phản ánh lên tới 14 khoản phí hay không. Từ đó, cần có những điều chỉnh và đề xuất điều chỉnh nhanh nhất đối với các văn bản quy định của Nhà nước bất hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Cũng liên quan tới thông tin này, chúng tôi đã liên hệ với Cục Thú y nhưng Phó Cục trưởng Cục Thú y Đàm Xuân Thành đã không trả lời, yêu cầu phải có văn bản gửi về văn phòng Cục Thú y.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem