Võ Hồng Nhân
Thứ ba, ngày 26/05/2020 11:25 AM (GMT+7)
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình Quốc hội dự án luật Cư trú sửa đổi, trong đó đề xuất bỏ sổ hộ khẩu. Báo điện tử Dân Việt đã trao đổi với các luật sư để rõ hơn về vấn đề này tác động đến người dân như thế nào?
Cụ thể, bỏ sổ hộ khẩu là một trong những nội dung quan trọng nhất của dự thảo luật Cư trú sửa đổi lần này. Theo đó, Chính phủ đề xuất bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.
Thay vào đó, việc quản lý cư dân sẽ được thực hiện bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú.
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, việc quản lý này sẽ được thực hiện thông qua mã số định danh cá nhân có thể truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chạy trên mạng internet.
Thông tin về nơi thường trú, nơi tạm trú của mỗi công dân đều là trường thông tin dữ liệu số được cập nhật, điều chỉnh trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú.
Trên cơ sở này, dự thảo luật Cư trú cũng bỏ các quy định về sổ hộ khẩu, sổ hộ khẩu cấp cho gia đình, cá nhân, tách sổ hộ khẩu, giấy chuyển hộ khẩu, điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu…
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Tô Lâm cũng cho biết, việc thực hiện quản lý dân cư thông qua phương thức mới bằng mã số định danh cá nhân trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú sẽ dẫn đến việc bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ 13 nhóm thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký, quản lý thường trú, tạm trú của công dân.
Bỏ sổ hộ khẩu 9 phần lợi ích
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, Luật sư Quách Thành Lực - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, quy định quản lý dân cư thông qua hộ khẩu có lịch sử hình thành từ năm 1957 khi Thủ tướng Chính phủ đã có Văn bản số 495/TTg về việc hạn chế người vào thành phố.
"Sau này, việc quản lý hộ khẩu tiếp tục được duy trì để thực hiện quản lý dân cư, hạn chế tình trạng nhập cư vào các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Từ quy định về sổ hộ khẩu phát sinh rất nhiều thủ tục hành chính, tư pháp, dân sự kéo phải thường trực cầm theo sổ hộ khẩu.
Thực tế hơn 10 năm nay, mục đích hạn chế lượng người nhập cư vào các thành phố lớn thông qua hộ khẩu đã không còn tác dụng.
Thậm chí việc cấp sổ, tách sổ hộ khẩu, giấy chuyển hộ khẩu, điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu gây ra một những phiền toái, mất thời gian công sức của người dân cũng như cơ quan quản lý", luật sư Lực thông tin.
Cũng theo vị luật sư, việc bỏ sổ hộ khẩu vào thời điểm này là muộn, nhưng phải làm vì lợi ích rất lớn.
"Đến thời điểm này việc bỏ quy định hộ khẩu mới được chính thức đề xuất theo tôi đánh giá là muộn, chậm trễ.
Một mã số trên thẻ căn cước cấp cho công dân và được xây dựng thành kho dự liệu sử dụng toàn quốc sẽ giải quyết được hàng triệu giờ lao động phí phạm mà công chức, người dân bỏ ra để chấp hành quy định về sổ hộ khẩu.
Việc bỏ hộ khẩu có đến chín phần lợi ích, phần hại là không đáng kể hoàn toàn có thể khỏa lập bằng việc sử dụng mã số trên thẻ căn cước để thay thế", luật sư Lực phân tích.
Bỏ sổ hộ khẩu là bỏ cách quản lý rườm rà
Đồng quan điểm, luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội thông tin thêm, việc bỏ sổ hộ khẩu giấy là tất yếu bởi các quản lý thủ công, lạc hậu này không còn phù hợp với xã hội hiện nay.
Tuy nhiên thời điểm nào bỏ sổ hộ khẩu giấy, thay vào đó là cách quản lý dân cư như thế nào mới là câu chuyện đáng bàn.
"Bỏ sổ hộ khẩu giấy chính là bỏ cách quản lý dân cư một cách rườm rà, thủ công, phức tạp, đồng thời cũng là một biện pháp để cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý dân cư. Ở nhiều nước phát triển trên thế giới việc này đã được thực hiện nhiều năm nay.
Hộ khẩu giấy chỉ phù hợp với thời kỳ bao cấp khi xã hội còn lạc hậu, khoa học, công nghệ, chưa phát triển, khi sự kết nối của hệ thống thông tin truyền thông còn chưa đồng bộ, chưa phổ biến.
Tuy nhiên, ngày nay sự phát triển của công nghệ thông tin, phương tiện điện tử khiến mọi dữ liệu đều có thể được số hóa, quản lý một cách hiện đại, tiện dụng và khoa học.
Các thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp của thời kỳ bao cấp cần phải gỡ bỏ kịp thời, nhanh chóng để đáp ứng với xu hướng hội nhập quốc tế, với xã hội hiện đại", vị luật sư cho biết.
Cũng theo luật sư, ý tưởng bỏ sổ hộ khẩu giấy ở Việt Nam đã có từ nhiều năm nay và lộ trình thực hiện đã cách đây 2-3 năm, kể từ khi chúng ta thực hiện xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu về dân cư.
Việc bỏ sổ hộ gồm khẩu giấy chỉ thực hiện được khi cơ quan nhà nước có đầy đủ dữ liệu về dân cư. Khi đó việc quản lý dân cư sẽ trên cơ sở dữ liệu điện tử. Mỗi người dân sẽ được cấp 1 mã số định danh cá nhân, mã số này thay thế sổ hộ khẩu và chứng minh thư nhân dân.
"Từ mã số định danh cá nhân có thể tra cứu được rất nhiều thông tin của công dân như họ và tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ cư trú, thông tin về bố mẹ, gia đình, thậm chí cả thông tin về sức khỏe, tiền án, tiền sự, trình độ học vấn, tôn giáo...
Bỏ sổ hộ khẩu là thay đổi cách quản lý chứ không phải là bỏ thủ tục quản lý dân cư. Khi bỏ được sổ khẩu thì cả người dân và cơ quan quản lý nhà nước đều được cởi trói bởi các thủ tục hành chính rườm rà trước đây.
Việc quản lý dân cư sẽ khoa học hơn, tiện lợi hơn, hiện đại hơn thông qua các dữ liệu đã được số hoá. Bỏ sổ hộ khẩu sẽ thực hiện triệt để hơn quyền tự do cư trú của cá nhân và bớt được rất nhiều thời gian thực hiện các thủ tục hành chính", luật sư Cường phân tích.
Cũng theo vị luật sư, hiện nay dữ liệu về dân cư ở nhiều địa phương chưa đầy đủ, để bỏ sổ hộ khẩu thì phải có đầy đủ dữ liệu về dân cư. Gần đây ực lượng công an chính quy đã thay thế công an xã để thực hiện nhanh chóng các thủ tục này và đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương.
Bởi vậy hy vọng trong thời gian sớm nhất (khoảng 1 năm tới) dữ liệu về dân cư sẽ được cập nhật đầy đủ, khi đó mới có căn cứ vững chắc để khai tử sổ hộ khẩu giấy.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.