Đề xuất bổ sung gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội có khả thi?

Trần Kháng Thứ năm, ngày 21/10/2021 15:11 PM (GMT+7)
Bộ Xây dựng đề xuất bổ sung gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội mang lại nhiều kỳ vọng hưởng lợi lớn cho người dân và doanh nghiệp… Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19, ý kiến chuyên gia cũng nhận xét, cần xem xét kỹ tính khả thi.
Bình luận 0

Đề xuất bổ sung gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng

Việc chăm lo giải quyết nhà ở cho nhân dân là một trong những vấn đề được Đảng và Nhà nước quan tâm, chỉ đạo. Những năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành các văn bản nhằm nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, người lao động trong các khu công nghiệp, do tác động của dịch bệnh Covid-19.

Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, việc phát triển nhà ở xã hội (có nhà ở cho công nhân) còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân là do: Chưa có chính sách riêng cho nhà ở công nhân; chưa thống nhất giữa các pháp luật về quy hoạch bố trí quỹ đất dự án xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp… Đặc biệt, nguồn vốn tín dụng dành để cấp bù lãi suất cho các chủ đầu tư dự án và các đối tượng được ưu đãi vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội (trong đó có công nhân khu công nghiệp) vẫn còn thiếu.

Đề xuất bổ sung gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội có khả thi? - Ảnh 1.

Khu nhà ở cho công nhân ở xã Kim Chung, huyện Đông Anh (Hà Nội). Ảnh: Trần Kháng

Để khắc phục những hạn chế trên, Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương nghiên cứu quy hoạch, bố trí quỹ đất làm nhà ở công nhân… Đồng thời, đề nghị có các cơ chế, giải pháp, tạo môi trường thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính, hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp tích cực tham gia để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, ưu tiên hỗ trợ bán, cho thuê, cho thuê mua đối với công nhân khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố.

"Trong giai đoạn từ đầu năm 2021 đến nay chưa có dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân được hoàn thành bàn giao do ảnh hưởng chung của dịch Covid-19 nên hầu hết các dự án bị chậm tiến độ", Bộ Xây dựng

Đáng chú ý, về nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đề nghị Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa danh mục phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở công nhân khu công nghiệp vào danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025.

Đồng thời, xem xét, bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để thực hiện chính sách nhà ở xã hội cho Ngân hàng chính sách xã hội cũng như các tổ chức ngân hàng được chỉ định để cho vay phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2025. Trong đó sớm bố trí nguồn vốn 3.000 tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội (trong đó có nhà công nhân) theo Nghị quyết 41/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ.

Căn cứ Nghị quyết số 75/NQ-CP ngày 14/7/2021 của Chính phủ về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2021 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương trong đó giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai xây dựng Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023, Bộ Xây dựng kiến nghị bổ sung gói tín dụng khoảng 30.000 tỷ đồng theo hình thức tái cấp vốn cho chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp – khu chế xuất vay để đầu tư phát triển nhà ở xã hội. Trong đó có nhà ở công nhân, góp phần đảm bảo "mục tiêu kép": Bảo đảm an sinh xã hội – nhà ở cho các đối tượng yếu thế (người thu nhập thấp, công nhân); thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế bền vững, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp gắn với hỗ trợ phát triển thị trường nhà ở và bất động sản.

Xem xét tính khả thi

Liên quan tới đề xuất gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng để phát triển nhà ở xã hội trên của Bộ Xây dựng, chia sẻ với PV Dân Việt, nhiều doanh nghiệp, chuyên gia bất động sản đều bày tỏ sự đồng tình và kỳ vọng sẽ khắc phục được tình trạng thiếu vốn như hiện nay. Tuy nhiên, cũng có ý kiến nghi ngại, đề xuất này vẫn là một bài toán khó, đặc biệt trong tình hình nền kinh tế nước ta đang gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, ách tắc nguồn vốn chính là điểm nghẽn lớn nhất trong những năm qua, chậm bố trí nguồn vốn ngân sách làm vốn mồi để thực hiện chính sách nhà ở xã hội.

Đề xuất bổ sung gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội có khả thi? - Ảnh 3.

Dự án nhà ở xã hội ở huyện Quốc Oai (Hà Nội). Ảnh: Trần Kháng

Theo ông Châu, nguồn vốn mồi từ ngân sách Nhà nước giữ vai trò rất quan trọng. Thời gian triển khai gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng trước kia đã cho thấy, với 1 đồng từ ngân sách Nhà nước cấp bù lãi suất, thì ngân hàng thương mại huy động thêm được 33 đồng từ nguồn vốn xã hội nên rất hiệu quả.

Ở góc độ doanh nghiệp, một lãnh đạo công ty địa ốc ở Hà Nội cũng thừa nhận, điểm nghẽn lớn nhất trong những năm qua là thiếu vốn nên việc khuyến khích các nhà đầu tư tham gia phát triển dự án nhà ở xã hội gặp rất nhiều khó khăn khi gói 30.000 tỷ đồng kết thúc cho vay từ cuối năm 2016.

Về vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, nhà ở giá rẻ (nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân) thời gian quan rất ít, cá biệt như TP.HCM gần như không có, hay Hà Nội thì chiếm số lượng quá nhỏ so với nguồn cung nhà ở trên thị trường. Vì thế, việc dành ra một khoản vốn để đầu tư nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội là một điều cực kỳ cần thiết, đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường.

Tuy nhiên, ông Thịnh cũng cho rằng, việc đề xuất gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội cũng cần phải xem xét một cách cẩn trọng. Tính khả thi của đề xuất này cần phải nhìn ở 2 vấn đề là: Cẩn trọng nguồn vốn và hiệu quả sử dụng của nó tới đâu.

Thứ nhất, gói tín dụng ưu đãi này sẽ giải quyết được những cái gì, ở đâu, như thế nào? Cần phải tập trung, có trọng điểm và phải có kế hoạch sử dụng cụ thể vốn đó ra sao?

Thứ hai, vấn đề gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng ở đâu? Bởi, trong điều kiện thu ngân sách hiện nay, chi phí phòng chống dịch Covid-19 và hồi phục sản xuất sau dịch đang căng thẳng… Vậy có nguồn nào để bố trí được gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng này không?

"Hiệu quả sử dụng gói tín dụng ưu đãi đến đâu là một vấn đề cần bàn tính kỹ. Nói 30.000 tỷ đồng là rất lớn nhưng khi đặt vào lĩnh vực xây dựng thì nó cũng rất nhỏ bé", ông Thịnh nhấn mạnh.

"Đến nay trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 266 dự án nhà ở xã hội, quy mô xây dựng khoảng hơn 142.000 căn, với tổng diện tích hơn 7.100.000 m2; đang tiếp tục triển khai 278 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 276.000 căn, với tổng diện tích khoảng 13.800.000 m2.

Trong đó, đối với nhà ở xã hội ở dành cho công nhân khu công nghiệp, đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 121 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 54.000 căn hộ, với tổng diện tích 2.700.000 m2; đang tiếp tục triển khai 100 dự án với quy mô xây dựng khoảng 134.000 căn hộ, tổng diện tích 6.700.000 m2", số liệu từ Bộ Xây dựng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem