Nhà ở xã hội – cần gấp cho công nhân tại khu công nghiệp
Nhà ở xã hội – việc cần làm gấp cho người lao động tại khu công nghiệp
Quốc Phong
Thứ ba, ngày 19/10/2021 08:23 AM (GMT+7)
Chỉ riêng ở quận 7 TP.HCM có khoảng 100.000 nhà trọ cho công nhân thuê. Có phòng trọ chỉ rộng 20 - 30m2, nhưng có đến 5 - 6 người ở, gây lây nhiễm chéo hàng loạt. Đại dịch Covid-19 vừa qua đã bộc lộ nhiều vấn đề trong quản lý đô thị, trong đó có chuyện lo nhà ở cho người lao động.
Công nhân thuê nhà ở rải rác trong các khu nhà trọ tự phát, không tập trung, dịch bệnh dễ lây nhiễm chéo từ khu dân cư ra công nhân và ngược lại. Khi các doanh nghiệp muốn thực hiện mô hình "1 cung đường, 2 điểm đến" để sản xuất trong dịch, họ đã không làm được.
Mô hình "3 tại chỗ" cũng không thể áp dụng bởi doanh nghiệp không có chỗ ở cho công nhân và rất tốn kém nếu duy trì mãi. Tình trạng này diễn ra không riêng gì ở quận 7 mà còn ở nhiều quận, huyện khác trong TP.
Khu vực Vườn Chuối (quận 3) cũng là một trong những điểm nóng với nhiều ca F0 được ghi nhận từ khá sớm vào đầu cao điểm dịch. Nguyên nhân cũng do quá nhiều người dân chen chúc nhau trong những căn nhà ổn chuột, chật chội, mà những con hẻm nơi này xe máy muốn tránh nhau nhiều chỗ còn khó thì làm sao tránh nổi sự lây nhiễm chéo…
Nhìn lại diễn tiến dịch Covid-19. Tháng 5/2021, Covid-19 bùng phát tại Bắc Giang và sau đó là tại Thành phố Hồ Chí Minh, tại Bình Dương và Đồng Nai.
Đó là những địa phương có một lực lượng lớn người lao động tại các khu công nghiệp quan trọng của cả nước. Họ bị nhiễm bệnh do lây chéo, ảnh hưởng lớn đến sản xuất. Một trong nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này chính là nhà trọ của người lao động quá tồi tàn, chật chội đến nghẹt thở, khiến dịch bùng phát nhanh đến khó đỡ, dù công nhân bị cách ly không được ra khỏi nhà.
Chỉ đến khi như Bắc Giang được thay đổi biện pháp giãn cách, giải tỏa bớt người trong nhiều khu trọ thì khi đó mới dẹp được lây nhiễm chéo dù trước đó họ có thể chỉ là F1,F2.
Một khi những nơi/ chuỗi sản xuất này mà bị đứt gẫy thì hệ lụy sẽ rất lớn như ta đã "thấm đòn". Xuất khẩu đã bị ảnh hưởng nặng. Nếu càng để kéo dài tình trạng trên mà không khắc phục nổi thì rất dễ bị nhà đầu tư chuyển hướng sang nước khác hoặc khách hàng cũng bỏ đi.
Vì thế, việc cải thiện chỗ ở cho người lao động đã được TP.HCM xem là một trong những mục tiêu cho công cuộc tái thiết sau đại dịch. Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định: "Thành phố dự kiến sẽ phát triển 1 triệu căn nhà ở giá rẻ cho người thu nhập thấp" – đó là thông điệp thật mạnh mẽ, tích cực và rất xúc động vào lúc này.
Việc phát triển 1 triệu căn nhà ở giá rẻ cho người thu nhập thấp sẽ được cụ thể hóa trong kế hoạch phát triển nhà ở TP.HCM đến năm 2025 do Sở Xây dựng trình lãnh đạo TP, dự kiến sẽ được lãnh đạo TP họp và sớm xem xét thông qua.
Trong vài chục năm qua, TP.HCM đã giải tỏa được các bờ kênh rạch, nơi có rất nhiều hộ dân làm nhà trên sông Sài Gòn đầy ô nhiễm, mất mỹ quan. Đó là một kỳ tích của TP với người dân nghèo vốn sống từ rất lâu trên mảnh đất này. Còn đối tượng người lao động trong các nhà máy, xí nghiệp mà chủ yếu tại các khu công nghiệp thì TP lại chưa làm được bao nhiêu.
Trong 5 năm (2016 - 2020) TP chỉ phát triển được thêm 14.954 căn nhà ở xã hội (NƠXH), trung bình 3.000 căn nhà/năm, đáp ứng nhà ở cho khoảng 12.000 hộ gia đình. Tính đến năm 2020, TP.HCM mới có hơn 18.000 căn NƠXH, chưa đạt mục tiêu 20.000 căn, dù mục tiêu này cũng rất khiêm tốn...
Tôi vẫn nhớ như in, ngay sau khi lên nhậm chức Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ trước (2016-2021), Thủ tướng Nguyễn Xuẫn Phúc đã có rất nhiều cuộc gặp gỡ với công nhân lao động tại các khu công nghiệp khắp 3 miền Bắc,Trung ,Nam. Ông liên tục được các công nhân bày tỏ tâm tư nguyện vọng chính đáng của mình về vấn đề chính sách với NƠXH.
Thủ tướng đã ghi nhận và luôn nhắc nhở các địa phương cùng các bộ,ngành sớm nghiên cứu chính sách để thực thi. Từ đó đến nay, tuy các địa phương đã làm và có chuyển biến nhất định, nhưng cũng chưa nhiều vì khó khăn về ngân sách.
Theo Luật Nhà ở được Chủ tịch nước ký ban hành từ năm 2014, vấn đề NƠXH đã được đề cập, thể hiện chủ trương rất đúng đắn, nhân văn của Đảng và Nhà nước ta. Tuy nhiên, do tiềm lực kinh tế nước nhà còn hạn chế, việc xây dựng NƠXH chưa được nhiều và nhanh. Điều kiện người nghèo, người lao động làm việc trong các cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, trong các khu công nghiệp có được NƠXH… xem ra vẫn như "muối bỏ biển".
Theo Điều 49 của Bộ Luật, NƠXH được dành cho 10 đối tượng chính sách, từ người có công với cách mạng; hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại nông thôn; hộ gia đình thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng thiên bởi thiên tai; người thu nhập thấp tại đô thị; người lao động tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; sĩ quan và hạ sĩ quan, quân nhân, công nhân trong đơn vị thuộc công an, quân đội; cán bộ công chức viên chức; các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ; học sinh sinh viên được sử dụng nhà ở trong thời gian học tập; hộ gia đình thuộc diện bị thu hồi đất và giải toả mà chưa được bồi thường…
Song trải qua một đại dịch như hiện nay, nếu phân phối dàn đều cho các đối tượng đước xét mua, thuê NOXH thì liệu có nên không? Hay là cần ưu tiên một số đối tượng và ưu tiên ai trước hết thì lại là cả một câu chuyện lớn cần tính toán.
Theo tôi thì đối tượng nào trong 10 đối tượng đã được nêu ra đều rất cần. Nhưng để đảm bảo an toàn cho sản xuất lâu dài, để giúp kinh tế khỏi đổ vỡ vì kiệt sức, nên chăng chúng ta ưu tiên giải quyết trước cho lực lượng trực tiếp làm ra sản phẩm cho xã hội - đó là người lao động trong và ngoài các khu công nghiệp.
Đỉnh dịch Covid-19 trên cả nước đã qua. Kinh tế nước nhà rồi đây sẽ vô vàn khó khăn. Nhiều người lao động đã trở về quê, nhiều người không muốn quay lại thành phố vì họ thấy thật bi đát về đời sống dù ở đó có việc làm trước mắt. Có lẽ sự ám ảnh với những nhà trọ họ từng ở, từng vì nó mà sinh dịch bệnh khiến họ sợ hãi?
Tôi thấy qua các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội, cảnh người lao động cả nhà 4 người cùng ngồi trên xe máy cà tàng, chở cả chó mèo tháo chạy về quê mà lòng đau thắt đến không cầm nổi nước mắt. Nhìn họ tháo chạy là đủ hiểu cuộc sống của họ thế nào sau thời gian tha hương làm việc trên thành phố, sao vẫn tối tăm chưa thấy đường sáng phía trước. Họ làm chỉ đủ ăn tùng tiệm, thậm chí không đủ nuôi nhau thì nói gì đến tích lũy để mua nhà dù cho cả vài chục năm sau đi nữa…
Việc họ không mong ngóng, không mặn mà để quay trở lại sau dịch này rất tai hại cho sản xuất khi các nhà máy tới đây sẽ thiếu nhân công đã được đào tạo. Và như vậy thì ảnh hưởng lớn tới tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế trong đó có "sức khỏe" của từng doanh nghiệp.
TP.HCM và cả nước nói chung cần phải có cơ chế hỗ trợ phát triển NƠXH rốt ráo hơn nữa thì mới có thể giải quyết được phần lớn nhu cầu nhà ở của lực lượng lao động hiện tại và trong tương lai.
Đã đến lúc Chính phủ cần đôn đốc các bộ, ngành,địa phương tăng tốc thu xếp thực hiện chính sách về NƠXH ngay từ bây giờ. Làm vậy là để phòng xa những trận dịch sau này nếu không may ập về, cũng là để cải thiện đời sống cho công nhân lao động ngay cả khi không có dịch.
Từ đó, sẽ tạo niềm tin và hy vọng cho người lao động đang thiếu việc làm, thiếu nơi trọ tử tế vẫn muốn quay lại làm việc tại các thành phố, khu công nghiệp lớn. Họ là lực lượng quan trọng hầu giúp kinh tế đất nước phát triển bền vững, an toàn và họ xứng đáng được Đảng, Nhà nước quan tâm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.