Đề xuất Dự án Luật Thuế tài sản: Cơ quan soạn thảo giải trình thiếu thận trọng

Khánh Ngọc (thực hiện) Thứ sáu, ngày 20/04/2018 06:25 AM (GMT+7)
TS Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chỉ ra rằng mục tiêu xây dựng luật chưa rõ ràng, cùng với việc giải trình thiếu thận trọng đã khiến cơ quan soạn thảo luật gánh chịu sự phản đối gay gắt trong mấy ngày vừa qua.
Bình luận 0

Khẳng định đề xuất xây dựng dự án Luật Thuế tài sản mà Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đã nằm trong lộ trình xây dựng các sắc thuế mới, TS Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng cần ủng hộ các quan điểm tiến bộ trong xây dựng luật thuế này. Tuy nhiên, ông Kiên cũng chỉ ra rằng mục tiêu xây dựng luật chưa rõ ràng, cùng với việc giải trình thiếu thận trọng đã khiến cơ quan soạn thảo luật gánh chịu sự phản đối gay gắt trong mấy ngày vừa qua.

Ông Kiên khẳng định, việc tiến hành cải cách thuế nằm trong lộ trình. Thực tế là từ năm 1991, chúng ta đã có pháp lệnh thuế nhà, đất với thuế suất là từ 0,3 - 0,4%. Sau đó, qua nhiều lần sửa đổi quy định, tới năm 2010 mới áp dụng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp như hiện nay. Tới năm 2018, chính sách mà Bộ Tài chính đưa ra thực chất chỉ là gom các sắc thuế lại một mối và đánh chung là thuế tài sản.

Nhìn rộng ra quốc tế, theo ông Kiên ở thời điểm hiện nay có khoảng hơn 170/192 quốc gia và vùng lành thổ đều áp dụng thuế tài sản, tên gọi có thể khác nhau nhưng mục đích của các nước là giống nhau. Ông khuyến nghị cần nghiên cứu ở các nước phát triển, vào thời điểm thu nhập bình quân đầu người khoảng 2.000-2.500 USD như Việt Nam hiện nay, cơ quan quản lý đã áp dụng thuế như thế nào.

img

Dãy biệt thự ở một khu biệt thự phía Nam Hà Nội.  ảnh: Tư liệu

Ông đánh giá thế nào về các quan điểm trong những ngày vừa qua xung quanh đề xuất xây dựng dự án Luật Thuế tài sản?

- Trước hết cách giải thích luật của chúng ta chưa chuẩn, cách tiếp cận với truyền thông của cơ quan chủ trì soạn thảo không đúng nên mới dẫn đến tình trạng người người, nhà nhà nói về thuế nhà. Ở đây giống như tình trạng đọc sách thấy có chữ “đau bụng uống nhân sâm” mà không đọc tiếp chữ “tắc tử”. Dự thảo này đã nói rõ nếu áp dụng thuế tài sản thì sẽ bỏ thuế đất phi nông nghiệp, trong đó có thuế đất nhà ở. Vì vậy không thể nói rằng luật này ra đời gây ra tình trạng thuế chồng thuế.

Vấn đề thứ 2 là đối tượng chịu thuế chưa rõ, dẫn tới tên của luật chưa phù hợp. Luật được đặt là thuế tài sản nhưng trong giải trình thì nó bao gồm bất động sản và động sản, mà theo số liệu cơ quan quản lý nhà nước đến hiện nay chúng ta không có động sản sở hữu cá nhân mà toàn là thuộc tổ chức, DN, như vậy đánh thuế thế nào? Và nếu không đánh thuế được thì có gọi là luật thuế tài sản không, hay gọi là luật thuế nhà ở, đất ở.

Cuối cùng, cơ sở khoa học để đưa ra mức 700 triệu đồng chưa có sức thuyết phục, mâu thuẫn với chính quy định hiện hành. Tôi đơn cử Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay ở mức 1,05 tỷ đồng để mua nhà ở xã hội, tại sao luật này lại giảm mức đó xuống?

Các mục tiêu đó là gì, thưa ông?

-  Thứ nhất là góp phần cải cách chính sách thuế của Việt Nam cho minh bạch công khai và chống thuế chồng thuế, thì vấn đề này tờ trình chưa làm rõ được. Thứ 2 là bảo vệ và sử dụng tiết kiệm nguồn lực đất nước, mà ở đây nếu đánh thuế vào nhà ở, đất ở cũng là cũng góp phần điều chỉnh.

Mục tiêu thứ 3 là góp phần hình thành một nhận thức trong xã hội, và nền kinh tế về vấn đề nhà ở phù hợp với một nền kinh tế công nghiệp hoá hiện đại hoá. Nhận thức mỗi người đi làm phải sở hữu 1 nhà, trong một nền kinh tế công nghiệp, đặc biệt là nền kinh tế mở như hiện nay là không có cơ sở khoa học để đứng vững. Cuối cùng mới đến mục tiêu thứ 4 là đảm bảo nguồn thu, chống thất thu thuế. Mục tiêu thứ 4 này mà chúng ta hay nói đến thực chất là rất nhỏ, vậy nếu chúng ta không bàn về 3 điểm lớn trên mà đi sâu vào mục tiêu thứ 4 thì sợ rằng các quan điểm cũng sẽ bị lệch.

Theo quan điểm cá nhân, ông có ủng hộ luật thuế này?

- Trước hết tôi ủng hộ quan điểm xây dựng luật nhằm cải cách để có hệ thống thuế minh bạch, hình thành thuế tài sản và bỏ thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, đây là điểm tiến bộ phải ủng hộ. Bên cạnh đó, luật này được xây dựng theo hướng đơn giản, rút gọn, chỉ với 15 điều.

Tuy nhiên để bàn tiếp đến các nội hàm cụ thể của luật, trước hết phải thống nhất với nhau cách cải cách hệ thống thuế như thế nào, mục đích là gì? Nếu luật để điều tiết nguồn thu và góp phần thay đổi nhận thức trong nền kinh tế thì vấn đề không phải là sở hữu nữa, mà là thu nhập có đảm bảo để có chỗ ở ổn định không, nếu không thống nhất về mặt mục tiêu của luật mà cứ cãi nhau mãi về các cái tiểu tiết thì rất khó.

Và cái quan trọng nhất là phải đặt trên cái nền của Hiến pháp quy định đất đai là sở hữu toàn dân, trong Luật Đất đai quy định Nhà nước đảm bảo quyền sở hữu đất ở, như vậy đối chiếu trở lại với Hiến pháp, giải thích như thế nào để từ đó có căn cứ làm điểm tì để bàn tiếp chuyện sau. Còn chuyện mức đánh thuế bao nhiêu, bình luận vào thời điểm này sẽ là “cầm đèn chạy trước ôtô”.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem