TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo: Bộ Tài Chính tham khảo thuế tài sản từ... đâu?

Quốc Hải (ghi) Thứ tư, ngày 18/04/2018 15:32 PM (GMT+7)
Theo tôi vấn đề ở đây không phải là tranh luận con số 700 triệu là ít hay bao nhiêu là vừa phải, mà chúng ta tranh luận ở đây là sắc thuế này có hợp lý hay không, nó có gây ra hiện tượng thuế chồng thuế hay không. Và cuối cùng, kết lại là thuế, phí... đều là các khế ước xã hội, là thỏa thuận giữa người dân và Chính phủ.
Bình luận 0

img

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài Chính (Trường Đại học Kinh tế TP.HCM), đã có những chia sẻ về việc đánh thuế nhà trên 700 triệu đồng đang xôn xao dư luận những ngày gần đây.

Theo ông Bảo, khái niệm thuế tài sản mà Bộ Tài Chính đưa ra rất chung chung và con số trên thế giới có 174 nước đánh thuế tài sản là không chính xác.

Cụ thể, ông Bảo cho biết: "Bộ Tài Chính cho rằng hiện nay có 174/193 nước, vùng lãnh thổ trên thế giới thu thuế tài sản. Và như vậy, Bộ Tài Chính dùng khái niệm thuế tài sản nhưng không giải thích rõ cụ thể thuế tài sản là thuế gì:  Là thuế đánh trên quyền sử dụng tài sản, sở hữu tài sản hay là thuế đánh trên giao dịch chuyển giao tài sản? Thực ra, trong 174 nước và vùng lãnh thổ đó đã đưa ra các sắc thuế khác nhau, cho nên nếu Bộ Tài Chính “gom  chung” các khái niệm thuế tài sản này lại rồi cho rằng nước nào cũng “áp dụng” thì rõ ràng là thiếu căn cứ và chưa rõ ràng.

Tôi ví dụ, nếu như nói thuế đánh trên quyền sở hữu tài sản thì tại Việt Nam đã đánh rồi. Chẳng hạn tôi có cái nhà (thuộc sở hữu của tôi), tôi bán cho anh, anh mua cái nhà đó thì phải đóng thuế. Thuế đó để làm gì, là để chuyển quyền sở hữu nhà từ tôi cho anh. Như vậy, để có cái nhà đó thì anh đã phải đóng thuế. Khi đã đóng thuế rồi thì đương nhiên anh được xác lập quyền sở hữu trên tài sản đó cho đến khi anh không sở hữu nó nữa. Chúng ta đã thu thuế trên quyền sở hữu tài sản của công dân rồi, đã được quy định trong Hiến Pháp rồi.

Với thuế liên quan đến giao dịch tài sản gồm có nhà xe, phí trước bạ cũng là một loại thuế đánh trên giao dịch và sở hữu tài sản.

Còn thuế đánh trên quyền sử dụng tài sản lại là một chuyện khác, ví dụ như một người tên A ở quê lên TP.HCM công tác, thuê nhà của một ông B nào đó. Như vậy, chính quyền TP.HCM sẽ lập luận rằng, ông A sống ở thành phố thì sẽ sử dụng những dịch vụ công ở đây nên phải trả tiền cho chính quyền thành phố để cung cấp các dịch vụ công cho ông A sử dụng. Trong trường hợp này, ông B là người sở hữu căn nhà và cho ông A thuê nhưng ông A phải là người đóng thuế.

Tuy nhiên, loại thuế này mang một mục đích hoàn toàn khác, nó không phải là để giảm chênh lệch giàu nghèo, chống đầu cơ bất động sản mà đây là loại phí gọi là phí hàng hóa dịch vụ công. Tùy theo thành phố, tùy theo tỉnh mà phí này sẽ khác nhau. Ví dụ TP.HCM có mức độ đô thị hóa cao, có dịch vụ cơ sở hạ tầng tốt thì chính quyền thành phố sẽ thu mức phí cao hơn, còn với các tỉnh khác như Yên Bái, Lào Cai, Trà Vinh... thì do cơ sở hạ tầng còn yếu kém nên mức phí sẽ thấp, thậm chí là không thu...

Quay lại câu chuyện ở đây, Bộ Tài Chính nói trên thế giới có 174 nước đánh thuế tài sản theo tôi là không chính xác. Bởi vì cách làm của Bộ Tài Chính hiện nay là đánh trên tài sản ròng thể hiện sự giàu có của của cải thì đúng hơn là tài sản. Nói chung thuế này hướng tới người giàu, hướng tới người có tài sản nhiều, của cải nhiều... để chính quyền các thành phố thu hẹp khoảng cách giàu nghèo lại, để cho khoảng cách giàu nghèo đó không ngày càng tăng lên và dùng sắc thuế này để kìm hãm sự chênh lệch giàu nghèo. Đó là mục đích cuối cùng của sắc thuế này.

Tuy nhiên, xu hướng các nước trên thế giới thì làm theo cách này rất là dở. Tôi ví dụ trong khối các nước OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế - Organization for Economic Cooperation and Development) vừa công bố báo cáo, xu hướng các nước đánh thuế tài sản này đang giảm theo thời gian. Trong thập niên 1890 có mười mấy nước đánh thuế tài sản nhưng hiện tại chỉ còn 4 nước đánh thuế này, bởi vì sắc thuế này nó thể hiện nhiều mặt trái.

Thứ nhất là mức thuế này không thu được bao nhiêu cả. Bộ Tài Chính nói con số khá khủng nhưng thực tế trong những năm gần đây chỉ không phẩy mấy phần trăm GDP mà thôi.

Thứ 2, nó làm dòng vốn chảy ra bên ngoài (dòng vốn bỏ đi). Tôi nói thật, hiện tại nói giá đất là sốt, tạo ra bong bóng giá là đúng nhưng nó lại có mặt tích cực là thu hút dòng vốn đầu tư chảy vô. Khi thị trường bất động sản nóng thì dòng vốn ngoại sẽ đổ vào càng mạnh để đầu tư. Con số 68 tỷ USD dự trữ ngoại hối của năm 2017 từ đâu mà có? Môi trường đầu tư chúng ta có điểm sáng nào mà vốn ngoại đổ vào nhiều ngoài bất động sản, chứng khoán? Có 68 tỷ USD dự trữ ngoại hối đó, Ngân hàng Nhà nước có dự trữ ngoại hối lớn để có thể bình ổn thị trường ngoại hối, thực hiện các chính sách tiền tệ hữu hiệu khác nhau. Nếu đánh thuế một cách ngặt nghèo, gay gắt thì nhà đầu tư nước ngoài liệu có còn đổ vốn vào Việt Nam?

Những nước phát triển đã thấy được điều đó nên họ đã tranh luận sắc thuế này liệu có khả thi, họ đã đưa lên cân giữa cái được và cái mất nên đã nhận thấy cái mất nhiều hơn được và bỏ dần. Đây cũng là xu hướng chung của thế giới. Trung Quốc đang dự định đánh thuế này từ năm 2019, nhưng phía Trung Quốc mới chỉ đang “xem xét” để đánh thôi chứ chưa có những lộ trình một cách chính thức và chắc chắn.

Tóm lại, theo tôi vấn đề ở đây không phải là tranh luận con số 700 triệu là ít hay bao nhiêu là vừa phải, mà chúng ta tranh luận ở đây là sắc thuế này có hợp lý hay không, nó có gây ra hiện tượng thuế chồng thuế hay không. Và cuối cùng, kết lại là thuế, phí... đều là các khế ước xã hội, là thỏa thuận giữa người dân và Chính phủ. Người dân trả thuế, phí để hưởng các dịch vụ công, hàng hóa công. Xét dưới góc độ này, nếu hàng hóa công, dịch vụ công mà chất lượng không tăng lên thì không thể nào bắt người dân trả tiền nhiều hơn...

Khi anh đi mua hàng, hàng tốt thì anh mới sẵn sàng, thậm chí là vui vẻ trả tiền, còn hàng không tốt thì dĩ nhiên phải bị phản ứng. Ở đây, xét dưới dóc độ truyền thông, việc áp thuế tài sản thời điểm này đang rất bất hợp lý. Chẳng hạn, nếu mở báo hàng ngày ra thì ta thấy giáo dục, y tế, giao thông, nước sạch... đều có vấn đề. Đó là chưa kể thất thoát trong ngân sách, đầu tư công rất lãng phí mà bây giờ chúng ta tăng thuế, phí lên thì gây cho người dân một cảm giác là hàng hóa công đi xuống mà thuế phí thì tăng lên. Điều đó gây ra phản ứng trong xã hội...”, ông Bảo nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem