Đề xuất giáo viên mầm non được nghỉ hưu trước 5 năm so với quy định

Mộc An Thứ hai, ngày 14/10/2024 11:35 AM (GMT+7)
Bộ GDĐT cho biết, hiện tại, dự thảo Luật Nhà giáo (Bộ GDĐT được giao nhiệm vụ xây dựng) đăng tải trên cổng thông tin Bộ GDĐT và cổng thông tin Chính phủ đã đề xuất giáo viên mầm non được nghỉ hưu trước 5 năm so với quy định hiện nay.
Bình luận 0

Mới đây, Bộ GDĐT đã có trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Đắk Lắk gửi đến kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Theo đó, cử tri đề nghị xem xét bổ sung giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học vào danh mục nghề độc hại, nặng nhọc, đồng thời có chính sách phù hợp hỗ trợ đối tượng làm việc trong ngành, nghề này yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với ngành, nghề.

Trả lời kiến nghị của cử tri, Bộ GDĐT cho biết, đối với giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học, Bộ Luật Lao động đã quy định người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì được hưởng lương hưu; những người lao động bị suy giảm khả năng lao động, làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thuộc danh mục do Chính phủ quy định có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với quy định. Giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học cũng như viên chức và người lao động thực hiện theo quy định này.

Đề xuất giáo viên mầm non được nghỉ hưu trước 5 năm so với quy định - Ảnh 1.

Cô và trẻ mầm non tại một trường ở TP.HCM. Ảnh: M.Q

Trên cơ sở đặc thù của ngành học mầm non, Bộ GDĐT đã có ý kiến đề nghị Bộ LĐTBXH bổ sung vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với giáo viên mầm non (Công văn số 6586/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 15/12/2022 góp ý dự thảo Thông tư ban hành Danh mục bổ sung nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm) để có căn cứ đề xuất giảm tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non so với quy định.

Bộ GDĐT cho biết thêm, hiện tại, dự thảo Luật Nhà giáo (Bộ GDĐT được giao nhiệm vụ xây dựng) đăng tải trên cổng thông tin Bộ GDĐT và cổng thông tin Chính phủ đã đề xuất giáo viên mầm non được nghỉ hưu trước 5 năm so với quy định hiện nay (tức 55 tuổi).

Cụ thể, Dự thảo luật Nhà giáo được Bộ GDĐT đăng tải công bố xin ý kiến của dư luận, chế độ nghỉ hưu của giáo được đề xuất như sau:

Giáo viên mầm non được nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi và được hưởng các chế độ nghỉ hưu theo quy định.

Trước 6 tháng, tính đến ngày nhà giáo nghỉ hưu, cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý nhà giáo phải thông báo bằng văn bản về thời điểm nghỉ hưu; trước 3 tháng, tính đến ngày nhà giáo nghỉ hưu, cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý nhà giáo ra quyết định nghỉ hưu.

Cơ sở giáo dục có thể ký hợp đồng lao động với người hưởng chế độ hưu trí nếu đơn vị có nhu cầu và người hưởng chế độ hưu trí có nguyện vọng.

Theo Bộ GDĐT, việc đề xuất cho giáo viên mầm non nghỉ hưu sớm là xuất phát từ nhu cầu chính đáng của giáo viên mầm non, nhu cầu được nghỉ ngơi sau nhiều năm cống hiến cho giáo dục mầm non.

Theo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GDĐT, giáo viên mầm non thực hiện việc việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi nhằm phát triển toàn diện trẻ em về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào học lớp một.

Lao động của người giáo viên mầm non có những đặc thù riêng biệt, mang trách nhiệm của người thiết kế và tổ chức các hoạt động bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ, đặt nền móng vững chắc để hình thành và phát triển nhân cách cho con người sau này. Đối tượng mà giáo dục mầm non hướng tới là trẻ nhỏ, lứa tuổi còn rất non nớt và đang trong giai đoạn phát triển với tốc độ nhanh. Giáo viên mầm non chịu nhiều khó khăn, áp lực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Ngày 8/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Phiên họp thứ 38 cho ý kiến về dự án Luật Nhà giáo. Trao đổi tổng hợp các ý kiến góp ý dự thảo Luật Nhà giáo tại Phiên họp thứ 38, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, hồ sơ dự thảo luật sau khi chỉnh lý, tiếp thu đã có sự điều chỉnh ngắn gọn và thay đổi căn bản, giảm 26 điều từ 71 điều xuống 45 điều. Nội dung dự thảo luật sau chỉnh lý tập trung quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, có sự cân nhắc, điều chỉnh theo hướng chỉ quy định trong dự thảo luật những vấn đề đã chín, đã rõ, đã ổn định, giải quyết được những vấn đề bất cập trong thực tiễn và tạo ra bước đột phá cho hoạt động của ngành giáo dục đào tạo, trong đó có nhà giáo.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem