Đề xuất sân bay Ninh Bình, Hà Giang: Lạ mà không lạ
Đề xuất sân bay Ninh Bình, Hà Giang: Lạ mà không lạ
Minh Hiếu
Thứ năm, ngày 25/02/2021 10:00 AM (GMT+7)
Chuyên gia kinh tế cho biết, câu chuyện các địa phương đua nhau xin xây sân bay từng xảy ra hơn 10 năm trước, nay không ít sân bay hoạt động cầm chừng, mỗi ngày chỉ có 1 chuyến bay, rất lãng phí.
Trong 10 năm trở lại đây, thị trường vận tải hàng không Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, với tốc độ tăng trưởng liên tục đạt mức 2 con số, trung bình đạt 15,8%/năm.
Giai đoạn từ 2008 - 2019, hàng không Việt tăng trưởng 17,1% về hành khách và 13,8% về hàng hoá; đội tàu bay so với năm 2008 tăng 3,5 lần, mạng đường bay nội địa tăng 2,4 lần, đường bay quốc tế tăng 2,4 lần; vận chuyển của hãng hàng không so với năm 2008 tăng 5,2 lần về hành khách và 3,2 lần về hàng hoá.
Năm 2020, do dịch Covid-19 bùng phát đã khiến cho tăng trưởng của hàng không bị sụt giảm theo phương thẳng đứng, nếu dịch Covid-19 được kiểm soát, hàng không được dự đoán sẽ trở lại và tăng trưởng nhiều cao hơn so với những năm trước đây.
Tăng trưởng hàng không gắn liền với tăng trưởng về du lịch, hàng hoá, kinh tế - xã hội, tạo ra một thị trường lành mạnh, có sự cạnh tranh, mang lại nhiều lợi ích cho hành khách cả về cơ hội đi lại, giá vé, chất lượng dịch vụ.
Vì vậy, nhiều địa phương đã đua nhau đề xuất xây sân bay dẫn tới nguy cơ phá vỡ quy hoạch mạng lưới hàng không. Đặc biệt, những đề xuất này còn có thể sẽ tạo gánh nặng cho các các sân bay đầu mối đang hoạt động hiện hữu.
Cụ thể, UBND tỉnh Ninh Bình đề xuất Bộ GTVT bổ sung một vị trí cảng hàng không vào Quy hoạch. Vị trí quy hoạch sân bay đặt tại huyện Kim Sơn hoặc huyện Yên Khánh. Cùng với đó, UBND tỉnh Hà Giang cũng muốn quy hoạch sân bay tại xã Tân Quang, huyện Bắc Quang theo tiêu chuẩn cảng hàng không quân sự cấp II và cấp 4C theo tiêu chuẩn hàng không dân dụng. Sân bay có diện tích khoảng 388 ha, trong đó phần dùng cho mục đích quân sự là 70 ha.
Đây cũng không phải là những tỉnh đầu tiên đề xuất quy hoạch sân bay. Trước đây, cũng đã có các tỉnh đề xuất quy hoạch sân bay như: Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Bạc Liêu, Cao Bằng và Hà Nội đề xuất xây sân bay thứ 2.
Trên thực tế, trong quy hoạch phát triển GTVT hàng không đến 2020, định hướng đến 2030 được Chính phủ phê duyệt năm 2018, trong 10 năm tới, cả nước có 28 cảng hàng không, gồm 15 cảng quốc nội và 13 cảng quốc tế.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều sân bay đã được đưa vào quy hoạch này song chưa được đầu tư xây dựng như Lai Châu, Sapa, Nà Sản, Phan Thiết, Quảng Trị, Rạch Giá.
Không ít sân bay hoạt động cầm chừng
Từ thực tế trên cho thấy, có những điều "lạ mà không lạ": Một là, mặc dù các sân bay đều trong tình trạng thua lỗ, nhưng tỉnh nào cũng muốn xây dựng sân bay. Hai là, khi các tỉnh ồ ạt đầu tư hoặc đề xuất xây dựng sân bay, nơi có sân bay nội địa thì lại muốn mở rộng nâng cấp thành sân bay quốc tế.
Và lý do mà hầu hết các địa phương đưa ra là mở sân bay để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, phát triển du lịch. Có điều, hầu hết đều dựa trên sự cảm tính, không có cơ sở khoa học cũng như bài toán kinh tế cho các sân bay này hoạt động.
Theo Chuyên gia kinh tế, PGS. TS Ngô Trí Long, câu chuyện các địa phương đua nhau xin xây Cảng hàng không, sân bay đã từng xảy ra hơn 10 năm trước, nay không ít sân bay hoạt động cầm chừng, mỗi ngày chỉ có 1 chuyến bay, rất lãng phí. Cả nước hiện có 23 sân bay, nhưng chỉ 6 - 7 sân bay hoạt động có lãi, số còn lại đều lỗ. Do đó, quy hoạch sân bay cần thực tế, theo nhu cầu thị trường, người dân..., vì đầu tư sân bay rất tốn kém.
PGS. TS Ngô Trí Long cho biết, dù đầu tư từ vốn Nhà nước hay tư nhân, nếu không hiệu quả đều lãng phí nguồn lực xã hội. Đất nước còn nghèo, cần sử dụng hiệu quả. Cũng cần tránh đề xuất làm sân bay vì mục đích khác, như để kích cầu và đẩy giá bất động sản. Hàng không là phương tiện đi lại xa xỉ, không phải đa số người dân đều tiếp cận được.
Mặc dù, 10 năm qua, Hàng không tăng trưởng "nóng", nhưng chỉ có số ít sân bay có lãi. Trong tổng số 22 cảng hàng không mà Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đang quản lý, khai thác thì ngoài một số ít cảng có lãi lớn như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng… còn phần lớn đang lỗ.
Lãnh đạo ACV từng tiết lộ rằng, trước đây trong toàn hệ thống cảng hàng không, chỉ có Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng có lãi; gần đây có thêm 3 cảng: Cam Ranh, Liên Khương, Phú Bài có lãi, trong đó, Liên Khương và Phú Bài mới chỉ bắt đầu vượt qua mức cân đối thu chi và có lãi. 15 cảng hàng không còn lại của ACV đều đang đối mặt với tình trạng thua lỗ.
Trong đó, có những sân bay mỗi năm lỗ 80 - 90 tỷ đồng (Vinh, Tuy Hòa, Cần Thơ). Một số cảng khác lỗ ít hơn, dao động trong khoảng 40 - 60 tỷ đồng, như Đồng Hới, Phú Quốc, Phù Cát... Những cảng tưởng chừng như có lãi (Côn Đảo, Cát Bi), thực tế mỗi năm cũng lỗ gần 10 tỷ đồng. Ngay như sân bay Thọ Xuân mới đầu tư và lượng khách đã vượt công suất thiết kế song vẫn đang lỗ tới hơn 60 tỷ đồng/ năm.
Bộ GTVT cho biết, Bộ đã nhận được văn bản góp ý về dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, có các đề xuất của các tỉnh về việc bổ sung quy hoạch sân bay.
Đây mới chỉ là ý kiến đề xuất từ phía các tỉnh mà thôi, Bộ chưa có ý kiến về việc này. Về quy hoạch Cảng Hàng không cần phải hội đồng đánh giá, trong đó phải đánh giá về nhu cầu, vị trí, sản lượng,....
Nghiên cứu ý kiến chiêu thức vẽ quy hoạch "thổi" giá đất
Ngày 2/2, Văn phòng Chính phủ đã phát đi văn bản số 830 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về bài viết của báo điện tử Dân Việt (cơ quan của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam).
Nội dung văn bản nêu rõ: Báo điện tử Dân Việt đã có bài viết "Đề xuất làm sân bay Ninh Bình chỉ là chiêu thức vẽ quy hoạch "thổi" giá đất phục vụ nhóm lợi ích". Sau khi xem xét vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu phản ánh của báo điện tử Dân Việt về đề xuất làm sân bay tại Ninh Bình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.