Bộ Tài chính cho biết, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 kể từ khi có hiệu lực từ năm 2020 đến nay. Trong giai đoạn này hệ thống doanh nghiệp lớn (DNL) đã có bước phát triển mạnh mẽ đòi hỏi công tác quản lý thuế và hoàn thuế cũng cần có sửa đổi bổ sung phù hợp.
Căn cứ Quyết định số 1968/QĐ-BTC ngày 08/10/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) thì Cục Thuế doanh nghiệp lớn là cơ quan quản lý thuế trực tiếp đối với các doanh nghiệp lớn được Bộ Tài chính phân công quản lý.
Đối với công tác quản lý thuế nhóm đối tượng doanh nghiệp lớn, về cơ bản các quy định pháp luật thuế hiện hành đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn trong quản lý. Tuy nhiên, đối với thẩm quyền quyết định hoàn thuế đã phát sinh những bất cập bởi tại Điều 72 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 quy định: "Cơ quan thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế, tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế đối với các trường hợp được hoàn thuế theo quy định của pháp luật về thuế".
Trong khi đó, khoản 1 Điều 76 Luật Quản lý thuế quy định về thẩm quyền quyết định hoàn thuế đang quy định "Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định việc hoàn thuế đối với trường hợp hoàn thuế theo quy định của pháp luật về thuế".
Như vậy, theo quy định nêu trên chỉ Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mới có thẩm quyền quyết định hoàn thuế đối với trường hợp hoàn thuế theo quy định của pháp luật về thuế.
Với quy định nêu trên, theo Bộ Tài chính đã phát sinh những vướng mắc trong công tác hoàn thuế đối với các doanh nghiệp lớn là các Tập đoàn, Tổng công ty do Cục Thuế doanh nghiệp lớn quản lý. Điển hình như khi phát sinh yêu cầu hoàn thuế GTGT, khối doanh nghiệp lớn này phải chuyển hồ sơ về Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý để giải quyết thay vì Cục Thuế doanh nghiệp lớn xử lý theo thẩm quyền đã được Bộ Tài chính phân công.
Ngoài ra, với bất cập trên đã dẫn đến việc hoàn thuế đối với khối các doanh nghiệp lớn có những thời điểm bị chậm trễ. Bộ Tài chính cho rằng cần bổ sung thẩm quyền về hoàn thuế cho Cục Thuế doanh nghiệp lớn quản lý để từ đó tạo điền kiện thuận lợi trong xử lý hồ sơ hoàn thuế của khối doanh nghiệp lớn cùng các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Tương tự đối với trường hợp NNT do Chi cục Thuế trực tiếp quản lý. Tại điểm a khoản 2 Điều 2 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 quy định cơ quan thuế bao gồm Tổng cục Thuế, Cục Thuế, Chi cục Thuế, Chi cục Thuế khu vực. Như vậy, đối với NNT do Chi cục Thuế trực tiếp quản lý thì hồ sơ hoàn thuế do Chi cục Thuế tiếp nhận nhưng Chi cục trưởng Chi cục Thuế lại không có thẩm quyền quyết định hoàn thuế.
Quy định này đã phát sinh những bất cập khi phải ra quyết định hoàn thuế cho các hồ sơ hoàn thuế của NNT không thuộc Cục Thuế quản lý trong khi Chi cục Thuế là cơ quan thuế quản lý trực tiếp sẽ thực hiện kiểm tra tại trụ sở NNT để xác định số thuế GTGT chưa được khấu trừ hết đủ điệu kiện được hoàn và số thuế nộp thừa tại thời điểm chuyển đổi sở hữu, chuyển đổi doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động.
Bổ sung thẩm quyền quyết định hoàn thuế giúp thúc đẩy công tác hoàn thuế nhanh, hiệu quả
Để khắc phục những điểm bất cập nêu trên, Bộ Tài chính đã đề xuất sửa đổi quy định về thẩm quyền quyết định hoàn thuế (sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 76) theo hướng bổ sung thêm thẩm quyền quyết định hoàn thuế của Cục trưởng Cục Thuế Doanh nghiệp lớn, Chi cục trưởng Chi cục Thuế và Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực.
Theo đó, cơ quan thuế nào quản lý trực tiếp người nộp thuế sẽ có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ và trực tiếp giải quyết và quyết định hoàn thuế nhằm tạo điều kiện cho NNT được giải quyết hồ sơ hoàn thuế nhanh chóng.
Mặc dù mới là Dự án đang được trình Quốc hội, tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp và người nộp thuế đánh giá, các đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế của Bộ Tài chính là những bước tiến quan trọng trong lộ trình chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030.
Bên cạnh đó, người nộp thuế cũng cho rằng sự phân cấp thẩm quyền sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý thuế, tháo gỡ vướng mắc, từ đó góp phần tạo đà thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế; xây dựng môi trường thuận lợi, thân thiện, tạo dựng niềm tin cho NNT theo đúng phương châm "Lấy người nộp thuế làm trung tâm phục vụ, thực sự trở thành đối tác đồng hành tin cậy với người nộp thuế" mà toàn ngành Thuế luôn đồng lòng hướng tới.
Đặc biệt, việc quyết tâm cải cách đồng bộ chính sách và số hóa toàn diện sẽ giúp công tác tài chính nói chung và thu ngân sách nói riêng đạt được những bước tiến dài trong công tác quản lý và hỗ trợ tối đa để cộng đồng doanh nghiệp và người nộp thuế phát triển sản xuất kinh doanh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.