Chỉ tăng “phẩy” vẫn không đủ
Theo tin từ Bộ Nội vụ, căn cứ trên Đề án quan hệ tiền lương tối thiểu - trung bình - tối đa (thường gọi là hệ số “phẩy”) do Bộ LĐTBXH xây dựng, Bộ này đang Dự thảo định hướng cải cách tiền lương giai đoạn 2011-2020 và đề xuất mức dãn cách quan hệ tiền lương khá rộng.
|
Nếu được thông qua, sinh viên mới ra trường sẽ có lương 3-5 triệu đồng/tháng. |
Cụ thể, mức quy định hiện hành là 1 – 2,34 – 10 (tối thiểu là 1x 830.000, trung bình là 2,34 x 830.000 và tối đa là 10x830.000). Mức 2,34 được áp dụng với sinh viên ĐH mới ra trường và mức 10 được áp dụng với chuyên viên cao cấp và các vị trí lãnh đạo. Với Dự thảo định hướng mới, Bộ Nội vụ, Bộ LĐTBXH đề nghị tăng theo 2 phương án là 1 - 3,2 – 15 và 1 - 3,5 - 15.
Với phương án 1, quan hệ tiền lương tính theo mức lương tối thiểu 830.000 đồng/tháng thì người tốt nghiệp đại học mới ra trường sẽ nhận được mức lương thấp nhất khoảng 2.656.000 đồng/tháng (3,2 x 830.000) và tối đa dành cho chuyên viên cao cấp bậc 3 là 12.450.000 đồng/tháng. Phương án 2, mức lương tối đa tương ứng của sinh viên tốt nghiệp đại học mới ra trường là 2.905.000 đồng/tháng và tối đa cho chuyên viên cao cấp bậc 3 là 12.450.000 đồng/tháng.
Tuy nhiên, Bộ Nội vụ cho rằng, với tình hình giá cả như hiện nay, cần phải tăng cả mức lương tối thiểu thì mới đảm bảo được đời sống công chức. Bộ này cũng vừa công bố kết quả khảo sát, đánh giá thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức từ năm 2003 đến nay và định hướng cải cách giai đoạn 2012 – 2020.
Tính chung từ năm 2003 đến nay, mức lương tối thiểu chung đã điều chỉnh 7 lần từ 210.000 đồng/tháng lên 830.000 đồng/tháng, tăng thêm 295,2%. Tuy con số tăng lớn như vậy nhưng tính trên giá trị thực tế tiền lương thì mức tăng thấp.
Việc điều chỉnh mức lương tối thiểu chung mới thực hiện chủ yếu trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng và khả năng ngân sách, chưa bảo đảm được nhu cầu tối thiểu của cán bộ, công chức, mức tăng tiền lương thực tế thấp nên đời sống của người hưởng lương còn gặp nhiều khó khăn; điều chỉnh chậm hơn so với khu vực doanh nghiệp.
Theo ông Đoàn Cường – Vụ trưởng Vụ Tiền lương (Bộ Nội vụ): “Trên thực tế, với mức điều chỉnh từ 2003 đến nay, cán bộ công chức chưa thể sống được bằng tiền lương, lương không có tính cạnh tranh, khó thu hút được người tài, tận tâm gắn bó với công việc, chưa tạo điều kiện cho cải cách hành chính và phòng chống tham nhũng…”.
Sẽ sống được bằng lương?
Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, cán bộ, công chức là một bộ phận của thị trường lao động, nhưng lại bị điều chỉnh bởi nhiều quy định, trong đó có quy định không được làm thêm nên thu nhập không đảm bảo mức sống. Bộ Nội vụ cũng đưa ra cảnh báo, nếu không thoả mãn tốt quan hệ này sẽ dẫn đến tiêu cực, tham nhũng và can thiệp hành chính vào thị trường của các nhóm lợi ích để “đòi chia sẻ lợi ích”, làm lũng đoạn, méo mó thị trường...
Tiền lương của cán bộ công chức, viên chức rất thấp nên họ buộc phải tìm kiếm thu nhập ngoài lương, là một trong những nguyên nhân của tiêu cực, tham nhũng.
TS Nguyễn Minh Phong - Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế xã hội, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà NộiTheo Bộ Nội vụ: “Mục tiêu cải cách chính sách tiền lương là tiến tới bảo đảm cho cán bộ, công chức, viên chức sống được bằng tiền lương ở mức trung bình khá trong xã hội”.
Với những nhận định đó, Bộ Nội vụ cũng xây dựng Dự thảo định hướng cải cách tiền lương giai đoạn 2011-2020 sẽ được trình lên Chính phủ trong tháng 10 tới. Các mức lương tối thiểu mong muốn đề xuất từ 1.500.000 đồng/tháng đến 4.000.000 đồng/tháng. Nếu được Chính phủ thông qua mức tăng này, kết hợp với mức tăng của quan hệ tiền lương thì tới năm 2012, lương tối thiểu của sinh viên mới ra trường có thể lên tới gần 5 triệu đồng/tháng (3,2 x1.500.000).
Đối với các chế độ ngoài lương phục vụ hoạt động công vụ (tiền điện thoại, phụ cấp phục vụ, chế độ xe ô tô đưa đón công tác), Bộ Nội vụ đề nghị không đưa vào mức tiền lương cơ bản mà tiếp tục hoàn thiện các định mức và cơ chế khoán để sử dụng có hiệu quả và tiết kiệm được kinh phí quản lý hành chính.
Thanh Xuân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.