Chuyên gia nói về đề xuất xây 10 triệu căn hộ nhà ở xã hội 5 sao
Đề xuất "xây 10 triệu căn hộ nhà ở xã hội 5 sao": Chuyên gia nói gì?
Trần Kháng
Thứ bảy, ngày 20/11/2021 13:12 PM (GMT+7)
"Xây dựng nhà ở xã hội tiêu chuẩn 5 sao tại Việt Nam" của Tập đoàn APEC, được giới chuyên gia đánh giá là đề án mạnh dạn và mang tính chất đột phá, không đồng nghĩa nhà ở xã hội với chất lượng kém, "của rẻ là của ôi".
Trong buổi tọa đàm: "Đại cách mạng nhà ở xã hội" hướng tới giải quyết 10 triệu căn nhà ở xã hội 5 sao cho 40 triệu người Việt Nam vừa diễn ra tại Hà Nội, TS.Cấn Văn Lực cho biết, trong 10 năm qua, chúng ta đặt tham vọng xây dựng 22,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội nhưng thực tế chỉ xây được 17,6 triệu m2 tức là 78%. Tuy nhiên, số lượng căn nhà xã hội đưa vào sử dụng còn lãng phí, nhiều dự án bỏ hoang, xuống cấp nhanh.
Phân tích nguyên nhân khiến kế hoạch phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua bị đổ vỡ, TS.Cấn Văn Lực cho rằng, trước hết là do cơ chế, chính sách thiếu đồng bộ. Quy hoạch nhà ở trong khu công nghiệp hay ngoài khu công nghiệp chưa rõ ràng khiến chủ đầu tư lúng túng khi triển khai dự án. Thứ hai là vấn đề thiếu vốn ưu đãi để phát triển nhà ở và vốn cho người dân vay mua nhà ở xã hội. Thứ ba là quỹ đất, nhiều địa phương chưa tạo điều kiện về quỹ đất sạch cho các doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội. Thứ tư là do các cơ chế ưu đãi chưa hài hòa giữa lợi ích của nhà nước với doanh nghiệp và người dân.
"Một số công trình dự án chất lượng thấp được triển khai trong nhiều năm qua đã dẫn đến cái nhìn về hình ảnh nhà ở xã hội bị ảnh hưởng, rằng đó là nhà ở thấp cấp, xập xệ. Chủ đầu tư thấy bỏ ra nhiều tiền nhưng không thu được gì nên cũng "né". Vì vậy thời gian tới, rất cần các cơ chế chính sách để tạo ra sự phát triển đột phá".
Chuyên gia kinh tế, TS.Vũ Đình Ánh cũng cho rằng, chúng ta phải nhìn nhận lại khái niệm về nhà ở xã hội. Không đồng nghĩa nhà ở xã hội với chất lượng kém, "của rẻ là của ôi".
Ngoài ra, vị chuyên gia cũng đặt ra vấn đề trong thời gian qua, những dự án nhà ở xã hội hiện hữu do nhiều doanh nghiệp triển khai đã không đến được đúng đối tượng, mà lại về tay người giàu, "những người đi ô tô" đến mua.
Về vấn đề quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, ông Ánh cho rằng, tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM quỹ đất phát triển nhà ở xã hội buộc phải ra xa hơn so với trung tâm để tạo thành những đại đô thị lớn do quỹ đất trong nội đô đã cạn kiệt. Còn các đô thị nhỏ, hiện tại vẫn là thời cơ tốt để sử dụng những quỹ đất còn nhiều trong khu vực trung tâm để dành cho phát triển nhà ở giá thấp này.
"Quy định quỹ đất 20% nhà ở xã hội thời gian qua cũng có vô vàn bất cập dẫn đến không sử dụng được quỹ đất này phát triển nhà ở xã hội. Các chủ đầu tư thường chọn cách nộp tiền cho xong nhưng số tiền đó cũng chưa được dùng để xây nhà ở xã hội một cách thực chất. Do chênh lệch lợi ích lớn, đồng thời, việc xen kẽ khu cao cấp với khu bình dân dẫn đến chênh lệch về mức sống. Có những tiện ích được hưởng miễn phí nhưng có những tiện ích, dịch vụ cao cấp phải trả tiền, người thu nhập thấp không thể đáp ứng. Chính vì thế, chủ đầu tư không muốn làm. Do đó, tôi kiến nghị nên bỏ quy định này", TS.Vũ Đình Ánh nêu quan điểm.
Cuộc cách mạng nhà ở xã hội?
Mới đây, Tập đoàn APEC đã ra mắt Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Nhà ở xã hội 5 sao Việt Nam. Tổng công ty có vốn điều lệ ban đầu là 10.000 tỷ đồng và có trách nhiệm đầu tư 10 triệu căn nhà ở xã hội 5 sao, cung cấp nhà ở cho 40 triệu dân trong giai đoạn 2021 - 2030, tiên phong cùng Đảng và Nhà nước làm cuộc đại cách mạng nhà ở xã hội cho người dân Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Quang Huy, Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư và Phát triển Nhà ở xã hội 5 sao Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn APEC chia sẻ, chúng tôi gọi tên thương hiệu là "Happy City - Đô thị hạnh phúc". Sản phẩm là các khu nhà ở xã hội đẳng cấp 5 sao đáp ứng 5 tiêu chí: Chất lượng, thẩm mỹ, tiện ích, sinh thái, thông minh.
Giá bán tại Hà Nội và TP.HCM là 13 - 18 triệu/m2, các tỉnh thành khác 8 - 14 triệu/m2. Giá cả hợp lý nhưng vẫn đảm bảo chất lượng và đẳng cấp. Với chính sách ưu đãi thanh toán linh hoạt, người dân chỉ cần bỏ 30% giá trị căn hộ để sở hữu căn hộ, 70% giá trị còn lại được hỗ trợ vay vốn ngân hàng hoặc tổ chức tài chính với thời hạn 10 - 20 năm.
Bày tỏ quan điểm về đề án xây dựng nhà ở an sinh xã hội tiêu chuẩn 5 sao tại Việt Nam của Tập đoàn APEC, TS.Cấn Văn Lực đánh giá, đây là một đề án mạnh dạn và mang tính chất đột phá.
"APEC đã nhìn rõ đối tượng khách hàng tiềm năng của mình trong loại hình nhà ở xã hội. Đó là những người có thu nhập trung bình thấp, công nhân, người dân vùng nông thôn và vùng núi. Đây là 3 đối tượng quan trọng", TS.Cấn Văn Lực nói.
Chuyên gia kinh tế, TS.Vũ Đình Ánh cũng đồng tình, những quy định hiện nay liên quan đến nhà ở xã hội đang có rất nhiều vấn đề, nút thắt. Tập đoàn APEC đã có một cách tiếp cận rất mới, rất khác về nhà ở xã hội mà 10 năm qua, với những tư duy cũ, cách tiếp cận cũ, chúng ta đã thất bại.
"Đây là một cách tiếp cận mới với thị trường nhà ở. Trước tiên thể hiện ở vấn đề tiện ích, ít tiền hơn nhưng vẫn được hưởng các tiện ích như những khu cao cấp mà chỉ có người có nhiều tiền mới mua được. Vấn đề cốt lõi ở đây là chúng ta đang mong muốn giảm giá nhà cho người dân, làm sao để giá rẻ nhất nhưng chất lượng vẫn đảm bảo tốt nhất. Bởi hiện tại, muốn có một nơi ở chất lượng, người dân Việt Nam đang phải trả từ 40 triệu đồng trở lên cho 1m2. Còn rẻ hơn thì không thể có chất lượng đó.
"Cách tiếp cận của APEC rất toàn diện, từ thiết kế, thi công đến các module. Và đặc biệt, ở góc độ kinh tế, việc triển khai quy mô lớn, nhân rộng mô hình ắt sẽ giảm được chi phí và giá thành", TS.Vũ Đình Ánh đánh giá.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.