Đêm kỷ niệm Đại lễ: Cảm hứng từ huyền thoại

Thứ tư, ngày 18/08/2010 14:43 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đêm trình diễn kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long, tổ chức vào 10-10 tới tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình, sẽ tạo thêm một dấu ấn mới trong nghệ thuật quảng diễn của Việt Nam.
Bình luận 0
img
Sẽ có hơn 5.000 diễn viên tham gia đêm nghệ thuật mừng Đại lễ vào tối 10- 10 tại Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình.

Hồ Gươm đón chào

Mới đây, báo cáo với Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng - Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đã giới thiệu công tác chuẩn bị cho "3 điểm nhấn" trong 10 ngày Đại lễ.

Đó là lễ khai mạc sáng 1-10 tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ, lễ mít tinh kỷ niệm Đại lễ cấp Nhà nước tại Quảng trường Ba Đình sáng 10-10 và đêm văn hoá nghệ thuật tối 10-10 tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình. Các hoạt động này đều đang được tích cực chuẩn bị nhân lực, phương tiện, đạo cụ, mỹ thuật, sân khấu… với các kế hoạch hợp luyện, sơ duyệt, tổng duyệt.

Đêm nghệ thuật tối 10-10, ngoài ý nghĩa chào mừng, hy vọng còn đánh dấu một bước tiến cho nghệ thuật quảng diễn, sân khấu hoá và để lại những kinh nghiệm hay cho việc phối hợp các lực lượng, phương tiện. Đây cũng là điều mà lâu nay công chúng mong muốn được thưởng thức.

Trình bày các phương án thiết kế sân khấu cho lễ khai mạc, PGS-TS.Phạm Quang Long - Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội cho biết: “Sân khấu chính 800m2 sẽ mang phong cách hoàng cung, đủ chỗ cho lực lượng lớn diễn viên tập kết và biểu diễn.

Sau lưng tượng đài Lý Thái Tổ là cuốn thư lớn "Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội". Phía trước là những cột lớn tạo cổng gợi dáng dấp cung điện”.

Dịp khai mạc Đại lễ, quanh khu vực hồ Gươm còn có các sân khấu khác, được thiết kế mang những ý tưởng tôn vinh TP. Hà Nội hoà bình, phát triển, là trái tim của cả nước. Các chương trình nghệ thuật sẽ diễn ra suốt những ngày Đại lễ như "Áo dài 3 miền", "Huyền ảo hồ Gươm", tôn vinh múa cổ Hà Nội… Theo chủ ý của các nhà tổ chức và dàn dựng, các sân khấu sẽ “kết nối” gần gũi với công chúng, đặc biệt là qua các lực lượng biểu diễn gồm cả chuyên nghiệp, nghiệp dư và quần chúng nhân dân.

Cảm hứng lớn

Theo NSƯT, nhạc sĩ Trọng Đài - Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long - Tổng đạo diễn của chương trình văn hoá nghệ thuật tối 10-10 tại Sân vận động Mỹ Đình, thì thời gian qua, nhóm kịch bản do nhà văn Nguyễn Khắc Phục đứng đầu đã soạn xong kịch bản phân cảnh, đã có thiết kế mỹ thuật. Mọi công tác cho đêm trình diễn trọng đại này như luyện tập, thiết kế và chuẩn bị lắp đặt đang được triển khai.

Được biết, số nghệ sĩ, vận động viên tham gia trình diễn trong đêm 10-10 lên đến 5.000 người, đến từ các đơn vị, trường nghệ thuật… trên địa bàn Hà Nội. Các nghệ sĩ, diễn viên sẽ tạo nên một chương trình hết sức quy mô với cảm hứng nối từ những huyền thoại đến hiện thực, từ thời kỳ khởi dựng Thăng Long đến những chiến công hiển hách của các bậc tiên tổ, những chiến thắng lừng lẫy thời hiện đại và những thông điệp hoà bình, hữu nghị, phát triển của Hà Nội.

Các nghệ sĩ dàn dựng cho biết, để thực hiện được những chủ đề hào sảng như vậy, hệ thống thiết bị âm thanh, ánh sáng lớn, công nghệ cao và những kỹ xảo đặc biệt sẽ được sử dụng.

Sân khấu lớn sẽ mang hình tượng trống đồng khổng lồ, toàn bộ khán đài B sẽ được bao trùm bởi một màn hình lớn chiếu những hình ảnh phụ trợ cho các màn diễn như cảnh rừng trúc, đầm sen, bãi cọc Bạch Đằng, đàn voi của Hoàng đế Quang Trung, dòng sông Hồng cuộn chảy cũng như nhiều hình ảnh bề thế khác theo nội dung kịch bản.

Với những ý tưởng của một kịch bản bề thế và phong phú, NSƯT Trọng Đài cho biết: “Chúng tôi bám sát và hoá giải, đưa ra những phương án xử lý làm sao để truyền tải được”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem