“Đêm trắng” của nữ nhân viên gác tàu hỏa ở Hà Nội

Duy Huy Thứ hai, ngày 10/04/2023 08:38 AM (GMT+7)
Tiếng chuông báo hiệu tàu đến, những người làm nhiệm vụ gác chắn tàu ở Hà Nội lại nhanh chóng xách đèn đứng vào vị trí, kéo rào chắn ngăn không cho người dân đi qua lại...
Bình luận 0

Video công việc của nữ nhân viên gác tàu trong đêm. Thực hiện: Duy Huy.


Trực tàu như trực chiến

23 giờ đêm, chúng tôi ghé thăm trạm gác chắn tàu giữa đường Giải Phóng và phố Nguyễn Hữu Thọ (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội). Vừa nhận được cuộc gọi từ trực ban, chị Nguyễn Thị Dung nhanh chóng ra hiệu lệnh cho anh Tạ Viết Hưng vào vị trí làm việc.

“Đêm trắng” với nữ nhân viên gác tàu hỏa ở Hà Nội - Ảnh 2.

Hình ảnh chị Nguyễn Thị Dung chờ chuyến tàu đi qua.

Giữa đêm, chị Dung với dáng người nhỏ nhắn hì hục đẩy chiếc rào chắn ngang đường, rồi nhanh chóng ra hiệu cho các phương tiện dừng lại. Gần đó, một vài xe máy cố lấn tới, tràn qua thanh barie để qua đường. Tàu đi qua, công nhân trạm gác trở lại với khuôn mặt thoải mái.

Trong căn phòng rộng chưa đầy 10m2 là không gian làm việc của chị Dung, anh Hưng và các đồng nghiệp nhiều năm qua. Căn phòng chất đủ thứ từ máy móc, bàn làm việc, sổ sách, đồng hồ và mấy chiếc ghế ngồi.

“Đêm trắng” với nữ nhân viên gác tàu hỏa ở Hà Nội - Ảnh 3.

Khu vực bàn làm việc của chị Nguyễn Thị Dung.

Tranh thủ ghi chép lịch trình tàu đi, tàu đến, chị Dung và anh Hưng kể cho chúng tôi nghe hành trình làm nghề và cũng nhiều câu chuyện buồn vui của nghề không có từ "ưu tiên" - nghề gác chắn tàu. 

Chị Dung chia sẻ, năm nay chị 28 tuổi và đã gắn bó với nghề 6 năm. Suốt quãng thời gian đó, đôi khi chị trăn trở và có ý định chuyển nghề vì quá áp lực, quá vất vả.

"Mùa đông hay mùa mưa bão là nỗi ám ảnh của chị em công nhân gác tàu. Những đêm rét buốt, tôi vẫn phải canh trạm gác. Trung bình mỗi tiếng có 1 đến 2 lượt tàu qua, vừa vào trạm người chưa kịp ấm lên lại thêm một chuyến khác".

“Đêm trắng” với nữ nhân viên gác tàu hỏa ở Hà Nội - Ảnh 4.

Mỗi lần tiếng chuông báo điện thoại vang lên sẽ báo hiệu có một chuyến tàu sắp đến.

Chị Dung cho biết, nghề gác tàu không làm chuyên ca ngày hay ca đêm mà ca trực 12 tiếng nghỉ 24 tiếng, thành ra ngày đêm làm xen kẽ lẫn lộn, nhịp sinh học của cơ thể không theo kịp. Lúc đầu mới vào nghề, người lúc nào cũng vật vờ, buồn ngủ. Nhưng làm lâu dần chị cũng thành quen, không sợ nữa.

Vì sự bình yên cho mỗi chuyến tàu

Theo chị Dung, nhân viên gác tàu luôn phải tuân thủ những nguyên tắc bất di bất dịch bởi đôi khi chỉ một vài sơ suất rất nhỏ có thể gây ra hậu họa khôn lường.

Trạm gác cần đảm bảo đủ quân số từ 2 người trở lên, nếu nhân viên vắng thiếu phải có biện pháp bổ sung ngay, mỗi nhân viên phải làm xuyên ca liên tục 12 giờ (từ 6h30 - 18h hoặc từ 18h - 6h30 hôm sau).

“Đêm trắng” với nữ nhân viên gác tàu hỏa ở Hà Nội - Ảnh 5.

Những người gác chắn tàu gần như không có ngày nghỉ lễ, Tết. Những ngày ấy, họ vẫn phải làm việc đều đặn ...

Họ phải luôn giữ trạng thái tỉnh táo, không được chợp mắt dù chỉ là vài phút, đi làm bất kể thời tiết, ngày lễ hay chủ nhật. Đặc biệt, tất cả nhân viên gác chắn đều tuyệt đối không được uống rượu, bia trước và trong ca làm để tránh những sai sót trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Chị Dung cho biết thêm: "Công việc của chúng tôi là đảm bảo an toàn cho đường sắt, đồng nghĩa với việc bảo đảm sự an toàn của người đi đường. Thế nhưng, đôi khi những người đi đường lại không hiểu được điều đó".

“Đêm trắng” với nữ nhân viên gác tàu hỏa ở Hà Nội - Ảnh 6.

Chuyện người dân lách qua barie để sang đường xảy ra thường xuyên.

Với những người như chị Dung hay anh Hưng, việc bị "ăn chửi" xảy ra thường xuyên như cơm bữa. Có người sau khi văng tục, không thấy chị nói gì, họ chửi to hơn, thậm chí nói chị bị câm, bị điếc. Dù thế, chị vẫn im lặng nhẫn nhịn.

Chị Dung nói: "Và mỗi lần như vậy tôi coi như mình bị câm, bị điếc để mọi việc êm xuôi, nếu như tôi nổi cáu hay cãi lý với họ thì lại xảy ra xô xát, cãi vã. Điều đó thì không hay một chút nào".

“Đêm trắng” với nữ nhân viên gác tàu hỏa ở Hà Nội - Ảnh 7.

Chị Nguyễn Thị Dung ghi chép cẩn thận kế hoạch làm việc trong ngày.

"Ngày nào cũng như vậy, tôi phải ghi chép rõ ràng lịch trình tàu đi đến và "căn" giờ kéo giàn chắn để đảm an toàn, tàu qua không có chướng ngại vật nào. Bên cạnh đó, chúng tôi còn phải túc trực thường xuyên để nghe điện thoại trực ban thông báo tình hình các chuyến tàu", chị Dung kể.

Ngày mưa cũng như ngày nắng, dù gió rét hay bão bùng, đằng sau tiếng chuông điện thoại thông báo tàu là những người công nhân gác chắn tàu phải có mặt bên đường ray.

“Đêm trắng” với nữ nhân viên gác tàu hỏa ở Hà Nội - Ảnh 8.

Máy cảm biến báo hiệu tàu đến.

"Trung bình, mỗi ngày có khoảng từ 20 chuyến tàu và chủ yếu vào ban đêm. Có những đêm, chúng tôi gần như thức trắng vì tàu chạy thường xuyên. Cứ khoảng 15-30 phút là có một chuyến tàu. Nếu lơ là một phút sẽ rất ảnh hưởng đến an toàn của người đi đường", anh Hưng tâm sự.

"Làm việc vất vả, nhưng thu nhập của những người gác tàu lại không cao. Với chi phí đắt đỏ tại đô thị, nhiều lúc cũng phải dè chừng tiết kiệm các khoản chi để đảm bảo cho cuộc sống", chị Dung tâm sự.

“Đêm trắng” với nữ nhân viên gác tàu hỏa ở Hà Nội - Ảnh 9.

Chị Dung chia sẻ: "Vất vả nhất trong nghề có lẽ là khi các chị có con nhỏ, công việc nhà hầu như phó thác cho gia đình, con nhỏ 6 - 7 tháng phải tập quen khi buổi đêm không có mẹ".

Vì phải làm liên tục 12 tiếng trong ngày, thời gian của chị Dung hay anh Hưng dành cho gia đình bị hạn chế. Với chị Dung, chị vẫn luôn tự hào vì gia đình luôn ủng hộ và giúp đỡ mình để chị hoàn thành công việc.

"Tết vẫn phải trực gác, có khi ăn tết luôn ngoài này, bố mẹ, chồng con cũng hiểu và giúp, mà có hiểu thì mới giúp mình làm được việc", chị Dung bộc bạch.

Yêu nghề là điểm chung hướng những nhân viên gác chắn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, luôn cố gắng đảm bảo an toàn đường sắt cho mọi người.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem